Doanh nghiệp

Dược Hậu Giang muốn mua bảo hiểm pháp lý cho lãnh đạo

Trong tài liệu trình phiên họp thường niên dự kiến diễn ra ngày 18/3, hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (DHG) xin ý kiến về việc mua bảo hiểm trách nhiệm nhà quản lý và điều hành (Directors & Officers Liability Insurance - D&O). Thời gian tham gia bảo hiểm được đề xuất trong một năm và có thể tái tục hàng năm.

Đối tượng được bảo hiểm bao gồm chủ tịch hội đồng quản trị và các thành viên, tổng giám đốc, tổng giám đốc điều hành, các phó tổng giám đốc, kế toán trưởng, giám đốc chức năng, trưởng phó đơn vị và các giám đốc chi nhánh.

Nếu được chấp thuận mua, trong trường hợp ban lãnh đạo Dược Hậu Giang đưa ra tuyên bố, báo cáo hoặc bất kỳ quyết định điều hành không đầy đủ hoặc không chính xác, hay bất kỳ hành động sai... dẫn đến những tình huống bất lợi, chẳng hạn như thiệt hại tài chính cho công ty, bảo hiểm D&O có nghĩa vụ đứng ra bồi thường cho cổ đông, chủ nợ, cơ quan quản lý, đối thủ cạnh tranh, công chúng... Ngoài ra, bảo hiểm trên cũng có thể chi trả các khoản thanh toán chi phí như phí thuê luật sư, chuyên gia, chi phí tham dự phiên tòa...

Một nghiên cứu năm 2016 của Chubb đã chỉ ra trong vòng 3 năm trước đó, hơn 25% công ty tư nhân báo cáo lỗ do lỗi của nhà quản lý và điều hành. 96% trong số đó bị ảnh hưởng tiêu cực về mặt tài chính. Đối với các công ty không mua bảo hiểm D&O, thiệt hại trung bình là 390.000 USD. Các công ty chăm sóc sức khỏe, sản xuất, bán lẻ là những nhóm dễ rơi vào trường hợp trên.

Tại Mỹ và châu Âu, loại hình bảo hiểm này khá phổ biến. Riêng Romania là quốc gia duy nhất ở EU bắt buộc bảo hiểm D&O. Investopedia thống kê, chi phí bảo hiểm trung bình cho các hợp đồng trị giá một triệu USD thường nằm trong khoảng 5.000-10.000 USD một năm.

Việc mua bảo hiểm D&O lần đầu được ban lãnh đạo Dược Hậu Giang đưa vào chương trình họp thường niên sau khi doanh nghiệp này trở thành công ty con của Taisho (Nhật Bản) vào năm 2019. Những năm qua, kết quả kinh doanh của Dược Hậu Giang có xu hướng cải thiện hơn trước. Năm 2021, doanh nghiệp này ghi nhận hơn 4.000 tỷ đồng doanh thu và 864 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, cùng tăng nhẹ so với năm liền trước.

Năm nay, "ông lớn" ngành dược muốn nâng doanh thu lên khoảng 4.220 tỷ đồng nhưng lại giảm kỳ vọng ở chỉ tiêu lãi trước thuế về mức 853 tỷ đồng. Để hoàn thành kế hoạch, doanh nghiệp này dự kiến tập trung xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường, kiểm soát biên lãi gộp và tối ưu chi phí vận hành.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm