Chưa bàn đến vấn đề khác nhau giữa phụ nữ thời xưa và phụ nữ ngày nay, nhưng chuyện giống nhau chắc chắn trước giờ vẫn vậy là mối quan tâm về tuổi tác. Cái bề ngoài trông "trẻ" thì không muốn cũng phải thừa nhận nó sẽ có thời hạn, nhưng cái "trẻ" bên trong tâm hồn thì tùy suy nghĩ mỗi người quyết định nó già cỗi hay cứ mãi tươi xanh.
Đứng trước những cột mốc chuẩn bị bước sang U30, U40, U50 thử hỏi xem phụ nữ ngày nay có cảm giác như thế nào nhé!
Phải thừa nhận những thay đổi của cơ thể khi bước qua mỗi mốc tròn chục
Chị Thúy Hằng, trước ngưỡng tuổi bốn mươi: "Khi bước qua đến mốc này, mình cảm nhận rõ ràng nhất là sức khỏe bị giảm sút, nhiều bệnh mãn tính xuất hiện, cơ thể không còn được mạnh khỏe như trước nên gặp hạn chế nhiều trong công việc, cuộc sống. Nhưng đó là quy luật của tự nhiên mỗi người chúng ta đều phải chuẩn bị tâm lý để đón nhận nó. Nhờ vậy mình cũng thấy quý trọng thời gian hơn, quan tâm sức khỏe, biết yêu bản thân và cố gắng trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình."
"Phải thừa nhận là khi thêm một tuổi hoặc có người là vài tuổi (tuỳ cơ địa) thì sức khỏe và tinh thần sẽ thay đổi theo hướng đi xuống, đặc biệt là phụ nữ. Đa số ai cũng ám ảnh với việc lão hoá, tăng cân và tâm sinh lý thay đổi. Bản thân mình cũng thấy rõ rệt việc đó khi ngoài 30, nên ý thức hơn trong việc lựa chọn thực phẩm để duy trì cân nặng. Mình dần có các giấc ngủ ngắn hơn, khó ngủ và nhiều bệnh (văn phòng) cũng xuất hiện." - Chị Như Quỳnh.
Sự trầm ổn nhờ thời gian bồi đắp
Tuy nhiên, ngoài những thay đổi tiêu cực khó tránh khỏi về sức khỏe, chị Như Quỳnh còn chia sẻ rằng: "Khi quay trở lại làm ở công ty cũ, mọi người đều nhận xét mình trầm tính và chín chắn hơn, chính mình cũng bất ngờ vì không nhận ra bản thân đã thay đổi như vậy. Nếu tuổi 25 có khi chênh vênh, có khi sôi nổi, nhiệt huyết thì tuổi 35 mình lại quay về bên trong, tìm hiểu chính mình nhiều hơn là bày tỏ mọi loại cảm xúc, thái độ ra ngoài. Mình thấy khá may mắn khi ở U40 mình có những thứ vừa đủ, biết hài lòng với hiện tại, an nhiên, vô âu."
Chị Như Quỳnh chia sẻ khi ngoài 30, chị lắng nghe và hiểu được bên trong bản thân mình
Bước qua mỗi mốc tuổi, phụ nữ chúng ta đổi thời gian lấy trầm ổn làm huề. Khi ngồi nói chuyện tỉ tê cùng nhau, kể về lúc trước, đều là những chiến tích thể hiện cá tính huy hoàng. Nhưng trải qua nhiều, cảm xúc biết làm quen và xử lý thấu đáo hơn, thì chị em lại có cách đối mặt ý nhị và khôn ngoan hơn.
"Chuẩn bị bước sang tuổi 30, mình tự biết kiểm soát cảm xúc và cái tôi. Bây giờ gặp một vấn đề gì đó không được như mong muốn mình chỉ cho phép bản thân bực bội trong một buổi và sau đó cho qua. Mình sẽ không để những chuyện tiêu cực chiếm nhiều thời gian và suy nghĩ trong đầu, thói quen này mình tập đã lâu và đến hiện tại mới được." - Chị Bảo Trân.
Chạm ngưỡng U30, U40 có đơn thuần chỉ là một con số?
"Mình vẫn đang nghĩ mình đâu đó 29-30 tuổi, tức là không để ý đến chuyện năm nay mình bao nhiêu tuổi vì con số đó cũng không quan trọng lắm. Mình nghĩ tới việc qua mỗi một năm mình làm được những gì và kế hoạch năm tới sẽ làm gì, đạt được gì hơn.
Nhưng phải thừa nhận rằng bản thân có gặp áp lực mỗi lần đề cập đến số tuổi vì dẫu gì chúng ta cũng đang sống ở văn hóa Việt Nam. Khi người ta có quan niệm độ tuổi kết hôn và sinh đẻ trước 30 mới tốt và chỉ có kết hôn mới gọi là "ổn định". Do đó mình phải học cách "tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến" và né tránh nguồn năng lượng tiêu cực từ những người hay hỏi thăm chuyện đời tư của mình như hàng xóm, họ hàng bà con, bạn bè... thay vì đáp trả họ. Vì mình không đủ kiên nhẫn giải thích đến khi họ hiểu hay cố thay đổi suy nghĩ của họ được." - Chị Như Quỳnh.
Bước qua tuổi 40, thay vì nghĩ mới đó mà đã U50 rồi, hay vừa tròn 30 lại xếp cho mình lên hàng bốn nghe cho to tát - U40, thì chị em phụ nữ có thể thay đổi cách nghĩ: "Mình luôn chối đây đẩy việc ai bảo mình U50 lắm, ngay cả đùa mình cũng không thích như vậy, vì thực lòng chuyện "không còn trẻ" luôn là nỗi rầu của mình. Mình chỉ bảo mình 4 mươi mấy tuổi thôi, và tự nói rằng trông có ai biết bốn mươi mấy đâu, trông như tròn 40. Quan trọng không phải mình bao nhiêu tuổi, mà trông mình toát ra tầm tuổi bao nhiêu" - chị Ái Dung tươi cười chia sẻ.
Thực ra câu nói đùa "phụ nữ đúng là người mâu thuẫn" có phần đúng. Một mặt chúng ta cho rằng chỉ nên quan tâm trải nghiệm sống, giá trị sống mình tạo ra được nhưng mặt khác lại tự nhận mình già, hoặc là "Em còn trẻ mà, muốn làm gì chẳng được!" khi bàn bất cứ chủ đề gì với ai đó nhỏ tuổi hơn. Cách than vãn gián tiếp này cho thấy thực ra ít chị em nào xem tuổi tác chỉ là con số đếm.
"Tuổi trẻ" nên là biểu trưng của thái độ sống
Chị Thúy Hằng: "Tuổi trẻ là khi mình sống hết mình với nó, sống để thỏa mãn với bản thân mình chứ không phụ thuộc vào tuổi tác. Ở bất kỳ lứa tuổi nào nếu mình luôn có một tinh thần lạc quan, lối sống tích cực đều sẽ mang lại cho mình một cuộc sống hạnh phúc đầy nhiệt huyết, yêu thương, và đó là cuộc sống trẻ."
Chị Bảo Trân cho rằng tuổi trẻ được định nghĩa bằng thái độ sống. "Chúng ta đừng nhìn nhận mọi thứ dưới ánh nhìn tiêu cực, cố gắng tranh đua xảo trá... hãy cứ sống để lòng không cắn rứt, tối được ngủ một giấc ngon, thì dù có 40, 50 thì vẫn còn trẻ chán."
Chị Bảo Trân dù chuẩn bị bước sang tuổi 30 nhưng "không áp lực về chuyện phải có con, quan trọng là cách mình xây dựng cuộc sống vững vàng".
Theo mọi người, khoảng thời gian nào được gọi là "tuổi trẻ"? Chắc chắn "tuổi trẻ" của mỗi người không giống nhau. Chúng ta thường mặc định tuổi trẻ là khoảng thời gian đặc sắc nhất, rực rỡ nhất của đời mình. Nhưng nếu cứ sống hết mình và dốc cả nhiệt thành vào những người mình yêu, việc mình thích, thì lúc nào mình cũng được sống trong khoảng thời gian rực rỡ chẳng phải sao?