Do ảnh hưởng từ chứng khoán Mỹ đêm qua giảm mạnh, thị trường chung châu Á tiếp tục gánh chịu sắc đỏ ở hàng loạt chỉ số. Thị trường chứng khoán Việt Nam phiên 14/6 cũng ghi nhận diễn biến rung lắc ngay từ phút mở cửa khiến VN-Index rơi xuống dưới mốc tham chiếu. Tuy nhiên lực cầu bắt đáy đã trở lại, giúp chỉ số chính lấy lại được điểm số trong suốt thời gian giao dịch phiên chiều và ngược dòng thành công. Sắc xanh cũng xuất hiện nhiều hơn thay vì xuất hiện "lèo tèo" như phiên hôm qua.
Đóng vai trò dẫn dắt thị trường, tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn VN30, GAS trở thành "công thần" cho toàn thị trường, đóng góp đến 3,85 điểm cho sự tăng điểm trở lại của chỉ số chính. Hàng loạt cổ phiếu nhóm ngành năng lượng như điện hay dầu khí đều bứt phá tốt. Điển hình như NT2 và REE đều tăng trên 4%, BSR, PVC, GAS tăng đến 7%. Đáng chú ý, PVS nhóm dầu khí tăng hết biên độ lên mức 29.900 đồng/cp.
Tuy nhiên, diễn biến ngược chiều VN-Index, HPG (-4,72%) trở thành tác nhân chính cho đà giảm sâu của thị trường. Cổ phiếu này lại có giao dịch đặc biệt sôi động với khối lượng khớp lệnh 28 triệu đơn vị. Hiệu ứng lan tỏa sang nhiều cổ phiếu thép khác, cũng điều chỉnh mạnh như NKG, POM, SMC, TLH, VGS, HMC… thậm chí HSG còn giảm sàn, "trắng bên mua".
Ngoài ra, nhóm thủy sản, hóa chất, phân bón cũng đảo chiều tăng điểm về cuối phiên, đồng thuận cho sự hồi phục của VN-Index. DCM, DPM, PCE, MPC, CMX, VHC… có sức bật khá tốt, thậm chí ANV còn "tím lịm".
Đi ngược lại với sự đồng thuận tăng giá chung, nhóm cổ phiếu chứng khoán lại có phiên giao dịch không mấy tích cực. SSI tiếp tục giảm 6,36%, phá vỡ đáy cũ thiết lập vào tháng trước. Ngoài ra, HCM, VND, VCI, FTS, CSI.. đều giao dịch không mấy ấn tượng chìm trong sắc đỏ, giảm 6%.
Bên cạnh đó, nhóm bất động sản và xây dựng lại ghi nhận sự phân hóa mạnh. Ở chiều tăng giá, HDG, VC7, KBC, DXG, GEX.. hồi phục tốt, Tập đoàn Danh Khôi NRC kết phiên tăng trần. Tuy nhiên, sắc đỏ vẫn xuất hiện tại DIG, DLG, SCR, HDC, TIG.. đáng chú ý LDG, DRH giảm sàn.
Bảng giá MBS
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 3,27 điểm (0,27%) lên 1.230,31 điểm, HNX-Index tăng 1,71 điểm (0,59%) lên 290,08 điểm, UPCoM-Index tăng 0,09 điểm (0,1%) lên 90,62 điểm. Xét về độ rộng thị trường phiên hôm nay có đến 577 mã giảm giá trong đó có 37 mã giảm sàn trong phiên, áp đảo so với 361 mã tăng. Thanh khoản trên HoSE sụt giảm đáng kể với giá trị khớp lệnh đạt 13.142 tỷ đồng, tương đương giảm 26% so với phiên trước.
Chỉ với một phiên tăng nhẹ chưa dự đoán được diễn biến tiếp theo của thị trường, nhưng phần nào đã cho thấy tâm lý nhà đầu tư đã ổn định hơn, không còn bán tháo mạnh như phiên đầu tuần.
Theo ước tính, tổng dư nợ ký quỹ trên thị trường chứng khoán đã giảm hơn 30% so với mức đỉnh trước đây trong năm nay. Mặt khác, việc Chính phủ Việt Nam chính thức triển khai gói hỗ trợ lãi vay 2% cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các doanh nghiệp khác (bao gồm các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch) có thể giúp thúc đẩy đáng kể tâm lý của các nhà đầu tư.
Dự báo tăng trưởng GDP 6,5% trong năm nay, nhưng đồng thời nhận thấy con số này có khả năng tăng trưởng cao hơn, và nhận thấy một số dự báo nói rằng tăng trưởng GDP có thể đạt mức 9% trong năm nay.
Trong báo cáo mới đây Vinacapital đánh giá sự phục hồi kinh tế của Việt Nam tiếp tục tăng tốc trong tháng 5. Thêm vào đó, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang rẻ ở mức P/E dự phóng 11,5 lần, so với mức tăng trưởng EPS dự kiến là hơn 20% cho năm 2022, và so với tỷ lệ P/E dự phóng trung bình 16,2 lần đối với các quốc gia ASEAN đang phát triển trong khu vực. Tất cả những điều này tạo tiền đề để thị trường tiếp tục tăng trong năm nay, và có dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài và Việt Nam đều đồng ý với quan điểm đó.
Giao dịch khối ngoại trở thành điểm sáng khi nhà đầu tư ngoại mua ròng trên cả 3 sàn với tổng giá trị 360 tỷ đồng.
Trên HoSE, khối ngoại mua ròng gần 310 tỷ đồng với gần 10 triệu đơn vị, tập trung gom GAS, HPG, HDB, VHM, DPM...
Trên HNX, khối ngoại mua ròng 35 tỷ đồng, gom mạnh PVS 30 tỷ đồng.
Trên sàn UpCOM, khối ngoại mua ròng 13 tỷ đồng, gom chủ yếu BSR.