Sau khi tốt nghiệp đại học, Trần Hoàn (1998, Bắc Giang) cũng bám trụ lại Hà Nội làm thuê. Nhưng ở càng lâu, chị nhận ra nơi đây không thuộc về mình. “Mỗi ngày đi làm gặp cảnh tắc đường, đầu tôi lại nhen nhóm ý định rời đi để tránh được cảnh này, vì cảm thấy rất khó thở”, chị Hoàn bộc bạch.
Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát phải thực hiện cách ly xã hội, ngày ngày, chị ở trong phòng nghiên cứu trong lúc làm việc, sau đó lại trở về với 4 bức tường ẩm thấp cũ kỹ của phòng trọ. Lúc này, chị cảm thấy chán nản và quyết định rời thành phố về quê sinh sống.
“Vốn là người thích sự yên tĩnh, thích cây cối nên tôi đã tìm về quê vào khoảng đầu năm 2021. Khi trở về, tôi phải tìm kế sinh nhai, có thu nhập để sinh sống. Tốt nghiệp ngành Công nghệ sinh học của ĐH Bách Khoa, tôi có sẵn kiến thức cũng như kinh nghiệm làm về mảng nghiên cứu nên tôi đã mày mò sản xuất ra sản phẩm từ cây cối có sẵn trong vườn”, chị cho hay.
Chỉ Hoàn về quê sử dụng nguyên liệu sẵn có trong vườn để khởi nghiệp
Nhà chị có một mảnh vườn rộng đến 1,5ha đã bỏ hoang nhiều năm không ai trồng hay chăm sóc gì. Đi loanh quanh xem có cây gì có thể chế biến thành sản phẩm tốt cho sức khoẻ, chị thấy cây trầu không có thể làm nước súc miệng.
“Vì lúc mới về quê, tôi thấy mẹ và các cô mua chai nước súc miệng bé tẹo với giá gần 300.000 đồng. Tìm hiểu thành phần trên nhãn, tôi thấy không có gì đặc biệt lại có rất nhiều chất tạo ngọt hoá học, chất tạo hương và chất nhũ hoá… Tôi có kinh nghiệm nghiên cứu phát triển sản phẩm mảng mỹ phẩm nên biết quảng cáo khác xa với thực tế. Đúng lúc thấy giàn trầu không của nhà ông rất tốt mà không cần chăm bón gì, tôi bắt tay thử chưng cất nước súc miệng”, chị kể lại.
Vì làm thử nghiệm, chị vào nhà kho tìm đồ để tự chế nồi chưng cất. Tìm được 2 nồi áp suất cũ, sau 2 ngày, chị cũng làm được chiếc nồi chưng cất đơn giản. Thử nghiệm nước súc miệng trầu không nhiều lần không thành công, bố mẹ thì đã không thích chị về quê nên cũng có chút thất vọng. “Thậm chí, mẹ tôi còn muốn phát điên vì tôi làm cái bếp tanh bành với các đồ dùng thử nghiệm”, chị nói.
Để không làm phiền lòng bố mẹ, chị quyết định ra ở riêng để tiện cho việc nghiên cứu và thử nghiệm. Sau 2 tháng với hàng trăm lần thử nghiệm thất bại, chị cũng đưa ra sản phẩm ưng ý, một phần đem tặng, một phần bán cho người thân, bạn bè ủng hộ. Thấy hiệu quả lại giá hợp lý, họ lại đặt tiếp.
Nước súc miệng trầu không chị làm để bán ra thị trường.
Gần đây, chị nhận thấy khu vườn 1,5ha của gia đình bị bỏ hoang mọc rất nhiều cây ổi rừng. Chị đã chưng cất nước lá ổi rừng thành công và bán ra thị trường, nó có tác dụng làm đẹp da.
Hiện tại, chị làm được một vài sản phẩm bán ra thị trường như nước súc miệng trầu không, nước lá ổi, trà đậu đen hà thủ ô và nước gội đầu từ bồ kết lên men. Giá mỗi sản phẩm dao động từ vài chục đến hơn trăm nghìn đồng, tuỳ thuộc vào kích thước và loại sản phẩm.
Sau gần 1 năm bỏ phố về quê khởi nghiệp, cô gái trẻ đã có doanh thu ổn định mỗi tháng, lượng khách hàng cũng ổn định hơn. Chị đã được bố mẹ hỗ trợ trong khâu gói hàng, gửi hàng. Còn việc bán hàng được đại lý và cộng tác viên phụ trách. Chị chỉ tập trung vào sản xuất và nghiên cứu.
Để có được như ngày hôm nay, chị cho rằng bản thân luôn có suy nghĩ “năng nhặt chặt bị”. Nên khi bắt đầu khởi nghiệp, chị sử dụng 2 chiếc nồi áp suất và tận dụng mọi nguyên liệu tự nhiên trong vườn nhà, không mất tiền mua. Số tiền bán sản phẩm được tích góp lại và sắm dần các đồ từng chút một.
Thời gian tới, chị dự định sẽ phát triển các sản phẩm khác tận dụng nguồn nguyên liệu từ vườn bằng phương pháp lên men. Bên cạnh đó, chị sẽ tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ để sản phẩm tiếp cận nhiều khách hàng nhất có thể.