Ngày 28-2, VN-Index ghi nhận phiên tăng điểm thứ 3 liên tiếp, khi tăng tới 17,09 điểm và kết phiên ở mức 1.254,55 điểm, chính thức vượt ngưỡng kháng cự quan trọng 1.250 điểm.
Trong khi đó, HNX-Index giảm nhẹ 0,22 điểm còn 235,16 điểm và Upcom-Index tăng 0,14 điểm lên 90,54 điểm.
Thanh khoản thị trường không quá sôi động, thậm chí giảm so với hôm qua khi giá trị giao dịch 3 sàn đạt hơn 25.441 tỉ đồng, trong đó sàn HoSE chiếm hơn 22.400 tỉ đồng.
Thị trường không quá sôi động nhưng VN-Index vẫn tăng mạnh và dễ dàng vượt qua ngưỡng kháng cự. Việc này đến từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và các cổ phiếu ngành dầu khí tăng mạnh.
Điển hình là cổ phiếu VCB của Vietcombank tăng kịch trần 6,92% lên 97.400 đồng. Đây cũng là mức giá cao nhất của cổ phiếu này trong lịch sử (tính giá sau chia cổ tức hàng năm). Chỉ riêng đà tăng của mã VCB đã chiếm tới 8 điểm của VN-Index.
Cổ phiếu PVD cũng tăng hết biên độ, dẫn đầu nhóm cổ phiếu dầu khí tạo nên điểm nhấn cho thị trường.
Trở lại nhóm cổ phiếu ngân hàng, nếu tính cả cổ phiếu VCB, đến thời điểm hiện tại, rất nhiều mã thuộc nhóm này đã vượt đỉnh lịch sử hoặc đang ở vùng đỉnh sau chuỗi tăng mạnh liên tiếp vài tháng qua như BID, ACB, HDB, MBB, NAB… Đây cũng là nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường hiện nay.
Sau chuỗi tăng mạnh của dòng cổ phiếu ngân hàng, nhiều nhà đầu tư băn khoăn thời điểm này có nên tiếp tục mua vào? Anh Hoàng Thanh (ngụ quận 3, TP HCM) cho biết anh chưa có cổ phiếu ngân hàng trong danh mục. Vừa qua thấy cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh nên anh băn khoăn có nên mua vào đón sóng mùa đại hội cổ đông với các thông tin tích cực về kết quả kinh doanh, chia cổ tức?
Nhiều ý kiến khác cho rằng cổ phiếu ngân hàng đã tăng từ cuối năm ngoái đến nay, thời điểm này mới mua nguy cơ "đu đỉnh".
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc môi giới hội sở, Công ty chứng khoán Mirae Asset, cho rằng định giá P/E của nhóm cổ phiếu ngân hàng đang ở mức hợp lý sau khi tăng trung bình khoảng 20% trong mấy tháng qua. Hiện tại, nhóm cổ phiếu này vẫn còn rủi ro liên quan tới nợ xấu, do đó nhà đầu tư cần hết sức thận trọng khi quyết định mua vào.
Ông Võ Kim Phụng, Phó phòng phân tích Công ty chứng khoán BETA, cũng cho rằng tiềm năng tăng giá của cổ phiếu ngân hàng trong năm 2024 không còn nhiều. Với mặt bằng giá hiện tại, nhà đầu tư nên hạn chế mua vào.
Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển cho rằng cổ phiếu ngân hàng tăng trong bối cảnh kinh tế khó khăn và nhiều ngành nghề kinh doanh khác chưa phục hồi mạnh. Ngân hàng vẫn là ngành triển vọng hơn các ngành khác. Vì vậy, dòng tiền lựa chọn đổ vào nhóm cổ phiếu này thời gian qua.
"Khi nhà đầu tư lướt sóng họ không quan tâm giá cao hay thấp mà chú ý nhiều đến khả năng cổ phiếu đó còn tăng tiếp hay không, đem lại lợi nhuận sau khi mua không nên vẫn có thể đổ tiền mua cổ phiếu ngân hàng. Với nhà đầu tư dài hạn, họ nhìn vào định giá, với định giá hiện tại của dòng ngân hàng đã không còn rẻ và nợ xấu tiềm ẩn nên sẽ không còn hấp dẫn" - TS Hiển nêu quan điểm.