Kỹ năng sống

Đưa bạn khuyết tật đi khắp thế giới

Ý tưởng của họ ra đời giữa năm 2022, khi cả hai chàng trai ở Hamburg, Đức vừa tốt nghiệp đại học. "Tôi biết chuyến đi này không giống như những lần du lịch trước đó với Alex", Lovis Wiefelspütz, 26 tuổi, nói.

Alexander Källner (Alex) mắc hội chứng Arthrogryposis Multiplex Congenita (cứng đa khớp bẩm sinh) hai tay teo nhỏ, co quắp, phải dùng chân giả. Đi cùng bạn, Lovis phải mang số đồ dùng nhiều gấp đôi bởi bạn không thể đeo balo và cần vật dụng cá nhân riêng biệt. "Trong 12 tháng, tôi phải hỗ trợ Alex từ chuyện đánh răng, tắm rửa, ăn uống và đi lại. Mỗi bước đi phải kèm với suy tính: Alex có ở cạnh mình không? Cậu ấy thể đi bộ ở chỗ này không?", Lovis kể.

Tháng 10/2022, hai chàng trai lên đường. Sau bốn tháng đi qua 7 quốc gia, Alex và Lovis đặt chân đến Hà Nội. "Chúng tôi chọn Việt Nam thay cho Thái Lan bởi người Đức rất ca ngợi đất nước này", hai chàng trai nói. Với họ, Việt Nam là điểm đến không thể bỏ qua ở Đông Nam Á bởi an ninh tốt, phong cảnh đẹp, khí hậu, đồ ăn phù hợp và đặc biệt là người dân thân thiện. Alex và Lovis quyết định dành ba tuần rưỡi để đi thăm Hà Nội, Hạ Long, Hội An và TP HCM.

"Điều chúng tôi vui nhất là không hề nhận thấy có sự kỳ thị với người khuyết tật ở Việt Nam. Ngược lại, khi biết Alex gặp khó khăn, mọi người lập tức xúm lại giúp đỡ", Lovis kể.

Ngoài tham quan các địa điểm nổi tiếng, cặp bạn thân hy vọng được gặp gỡ, lắng nghe chia sẻ của người khuyết tật Việt Nam về những thuận lợi và khó khăn đang gặp phải.

"Tôi muốn chứng minh rằng người khuyết tật vẫn có thể cống hiến, kết bạn và đi du lịch vòng quanh thế giới như người bình thường", Alex nói.

Alexander Källner và Lovis Wiefelspütz trong chuyến du lịch đến Hà Nội hồi cuối tháng 2/2023. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Alexander Källner và Lovis Wiefelspütz trên một đường phố Hà Nội, hôm 26/2. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Alex kể, bị dị tật bẩm sinh, ngoại hình khác biệt nên thời đi học từng vài lần bị bạn bè chế giễu. Nhưng điều đó không khiến anh buồn bã, ngược lại luôn vui vẻ, cởi mở và hòa đồng với tất cả mọi người. Alex cũng thấy may mắn khi được gia đình, xã hội đối xử như người bình thường.

8 năm trước, anh kết bạn với Lovis, nam sinh cùng trường bởi nhiều sở thích chung, đặc biệt là bóng đá. Suốt thời gian đi học, Alex được bạn thân giúp đỡ trong mọi hoạt động. Với Lovis, anh cho rằng đây là việc một người bạn thân nên làm và chưa từng coi Alex là một người khuyết tật.

Khi Alex rủ đi vòng quanh thế giới, Lovis hơi lo nên thông báo cho gia đình. Mẹ anh không phản đối nhưng nhấn mạnh trách nhiệm bảo đảm sự an toàn cho người bạn thân thể lực yếu.

Đây cũng chính là điều khiến mẹ Alex lo ngại nhưng trước quyết tâm của con trai cùng sự cam kết của Lovis, bà chấp thuận. "Không có cậu ấy, chưa chắc tôi đã thực hiện ước mơ", Alex nói.

Ba tháng trước chuyến đi, hai người bắt đầu đi visa, chọn điểm đến với tiêu chí không có nội chiến, xung đột, thời tiết dễ chịu, cơ sở hạ tầng tốt và đồ ăn ngon, để đảm bảo sự an toàn cho Alex. Họ cũng đi kiểm tra sức khỏe và đặt mua một bộ chân giả mới.

Lovis đang bế Alex trên vai trong chuyến đi đến Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), do đường đi khó khăn, tháng 10/2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Lovis bế Alex trên vai trong chuyến đi Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), do đường đi khó khăn, tháng 10/2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Suốt chuyến đi, Lovis hỗ trợ bạn trong sinh hoạt hay cõng khi leo bậc thang hoặc đường gồ ghề. Bù lại, Alex sẽ lập kế hoạch di chuyển bởi có kinh nghiệm đi du lịch. Lịch trình di chuyển, thời gian lưu lại mỗi điểm phụ thuộc vào sức khỏe của Alex.

"Tôi bảo vệ Alex, còn cậu ấy dạy tôi học cách chia sẻ và sống có trách nhiệm hơn", Lovis nói về sự "bù trừ" giữa họ.

Như lần đến Australia, khi thấy biểu cảm phấn khích của Lovis trước khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, Alex khuyên bạn thân xuống xe, men theo đường nhỏ để chiêm ngưỡng, còn mình ở lại xe. Chứng kiến một vách đá hùng vĩ, Lovis quyết định quay lại, thuyết phục Alex cùng đi, dù đường gập ghềnh, lắm sỏi đá, cây cối chắn ngang.

Cả hai cho biết họ chưa từng có ý định bỏ cuộc dù có không ít lần gặp khó khăn như Alex mắc Covid-19 ở Oman, bị mất trộm tài sản.

Trong chuyến hành trình, họ cũng có cơ hội gặp các cá nhân, tổ chức bảo vệ quyền lợi cho người yếu thế tại nhiều quốc gia, mong nâng cao nhận thức về các vấn đề khuyết tật, vì một thế giới hòa nhập.

Alex thấy bất ngờ khi phần lớn người khuyết tật được hỏi đều khẳng định không có sự kỳ thị hay bị phân biệt đối xử tại nơi sinh sống. Thậm chí, họ nhận được nhiều sự hỗ trợ, giúp đỡ từ chính quyền và xã hội. "Đó là những thông tin tích cực nhất mà tôi muốn nghe", Alex nói.

Đôi bạn thân trong chuyến hành trình đến Kuala Lumpur (Malaysia) đầu năm 2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đôi bạn thân trong chuyến hành trình đến Kuala Lumpur (Malaysia) đầu năm 2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chi phí cho chuyến đi chủ yếu từ tiền tiết kiệm của hai người và quyên góp của cộng đồng. Lovis tiết lộ nhận được khoảng 3.500 euro bù đắp được một phần tiền vé máy bay, khách sạn cho đến ăn uống vì phải lựa chọn các dịch vụ tốt nhất cho bạn thân.

Rời Việt Nam đầu tháng 3, họ sẽ tiếp tục hành trình đến Campuchia, Thái Lan, Tây Ban Nha, Nam Mỹ, Ecuador. Cả hai dự định sẽ đến 17 quốc gia nằm ở tất cả các châu lục.

Mong lan tỏa thông điệp tích cực, Alex và Lovis cập nhật hình ảnh, chia sẻ trải nghiệm trên mạng xã hội và nhận được sự quan tâm từ cộng đồng. Hành trình họ cũng được một số tờ báo của Đức đưa tin.

"Chúng tôi mới đi được gần nửa chặng đường, dù khó khăn và đôi lúc mệt mỏi nhưng tôi và Lovis sẽ cùng nhau tạo ra những kỷ niệm đáng nhớ", Alex nói.

Sau khi về nước, cả hai dự định học lên thạc sĩ. Họ sẽ tổ chức những buổi nói chuyện, chia sẻ những gì thu lượm được trên hành trình và viết sách để truyền cảm hứng.

Video ngắn chia sẻ hành trình đến Malaysia của Alex và Lovis. Nguồn: @Hurdletheworld

Cùng chuyên mục

Đọc thêm