Tài chính

Tập đoàn hiếm hoi ‘bình chân như vại’ trước nỗi lo suy thoái nhờ nghiệm ra ‘chân lý’

Theo tờ Financial Times, Giám đốc điều hành Michael Ward của Harrods tin tưởng rằng hoạt động kinh doanh hàng xa xỉ vẫn sẽ "ăn nên làm ra" trong môi trường kinh tế suy yếu. Lý do là vì “người giàu sẽ càng giàu hơn trong thời kỳ suy thoái”.

Harrods vốn là một cửa hàng bách hoá tổng hợp nổi tiếng của London, nơi được mệnh danh là thiên đường mua sắm hàng đẹp, độc và đắt. Giám đốc Michael Ward làm việc cho Harrods từ năm 2005. Ông là một trong những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn trong ngành bán lẻ hàng cao cấp. Chính ông đã miêu tả Harrods như “ô cửa nhìn ra thế giới”.

Sau ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 và tình trạng thiếu hụt du khách đến London xuyên suốt thời gian phong toả, hoạt động kinh doanh của Harrods hiện đang tốt hơn năm 2019.

Vị giám đốc nói: “Covid là một cú huých để chúng tôi hướng sự tập trung đến khách hàng trong nước”. Hiện tại, người tiêu dùng Anh đang chiếm đại đa số. Điều này trái ngược hẳn so với năm 2017, thời điểm mà người Trung Quốc là khách hàng lớn nhất của Harrods.

Khi được hỏi rằng liệu môi trường kinh tế xấu đi có ảnh hưởng đến Harrods hay không, ông đáp: “Theo thống kê, người giàu trở nên giàu hơn trong thời kỳ suy thoái… bất kể quan điểm chính trị là gì”.

Hầu hết các hộ gia đình đều bị giảm thu nhập trong năm 2022. Nhưng những người giàu lại tận hưởng “trái ngọt” khi hiệu suất của thị trường chứng khoán tăng mạnh kể từ giữa tháng 10 năm ngoái.

Mới đây, một báo cáo cho thấy doanh số bán hàng cao cấp sẽ tiếp tục tăng, bất chấp lạm phát và các hoá đơn tăng cao. Các nhà phân tích tại Bain & Co và Altagamma kỳ vọng rằng lĩnh vực trị giá 353 tỷ euro này sẽ tăng “ít nhất” từ 3% đến 8% vào năm 2023.

Bên cạnh đó, Giám đốc Michael Ward đánh giá thoả thuận thương mại có tên Khuôn khổ Windsor là một bước tiến lớn trong mối quan hệ giữa Vương quốc Anh và EU. Mặc dù chưa tối ưu, thoả thuận này có thể giúp cải cách quy tắc thương mại hậu Brexit.

Khi Vương quốc Anh vẫn còn là một phần của EU, người tiêu dùng ngoài khối có thể yêu cầu hoàn thuế VAT đối với hầu hết các hoá đơn. Nhưng quy tắc này đã bị loại bỏ sau Brexit.

Theo ông Ward, khi khách Trung Quốc trở lại châu Âu, Pháp là quốc gia duy nhất được họ nhắc đến. Mặc dù London vẫn là trung tâm của hàng xa xỉ, nhưng thủ đô của Vương quốc Anh đang có nguy cơ đánh mất danh hiệu đó. Ngày càng nhiều khách hàng tìm đến các thương hiệu danh giá của Pháp như Louis Vuitton và Hermès, khiến các nhãn hàng khác của Anh bị ảnh hưởng.

Theo Bloomberg, FT

Cùng chuyên mục

Đọc thêm