Kỹ năng sống

Du học sinh Việt "hoảng" vì lệnh cấm Harvard tuyển sinh quốc tế

Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ ngày 22/5 rút giấy phép Chương trình Sinh viên và Trao đổi Du học (SEVP) của Đại học Harvard. Điều này đồng nghĩa trường không thể tiếp nhận sinh viên quốc tế và các du học sinh hiện tại phải chuyển đi hoặc mất trạng thái pháp lý.

Mạnh Hùng, học viên thạc sĩ Chính sách công, nói sốc và lo lắng khi mình sẽ trở thành người cư trú bất hợp pháp sau quyết định của chính quyền.

"Tôi thấy tương lai bất định", Hùng nói. Anh và bạn bè còn rối bời vì sau gần 24 giờ, Harvard vẫn chưa đưa ra hướng dẫn, trấn an. "Tôi rất ngạc nhiên vì trường gửi email cho sinh viên rất nhanh để phản hồi các động thái của chính quyền trong thời gian gần đây".

Đó cũng là lý do mà Đỗ Như cho biết mình và cộng đồng du học sinh Việt ở Harvard đang rất "hoảng". Như vừa theo học chương trình thạc sĩ hồi tháng 8 năm ngoái.

"Tôi thật sự thấp thỏm, không biết mình có bị đuổi không", Như nói.

Theo Hùng và Như, khoảng 20 du học sinh Việt đang học tập tại Harvard. Họ nằm trong gần 6.800 sinh viên quốc tế (tương đương 27% tổng số) của trường hiện nay.

Một số phụ huynh, học sinh người Việt ở hệ cử nhân, đã và sắp nhập học chung tâm trạng hoang mang. Nhưng tất cả từ chối bình luận thêm do lo ngại phát ngôn có thể ảnh hưởng việc nhập cảnh hoặc tình trạng cư trú.

Khuôn viên Đại học Harvard. Ảnh: Stephanie Mitchell/Harvard Staff Photographer

Khuôn viên Đại học Harvard. Ảnh: Stephanie Mitchell/Harvard Staff Photographer

Các du học sinh cho hay đang tìm hiểu quy định chuyển trường ở Mỹ. Bước đầu, họ thấy khá rắc rối.

Theo US News, muốn chuyển trạng thái học tập, sinh viên cần đáp ứng các điều kiện về bảng điểm, số tín chỉ có thể quy đổi, chứng chỉ ngoại ngữ và một số quy định khác, tùy trường. Nếu được chấp nhận, họ phải chuyển trạng thái nhập cư bằng cách yêu cầu trường cũ chuyển hồ sơ đến Hệ thống theo dõi sinh viên và khách trao đổi (SEVIS) để trường mới cấp giấy tờ xác nhận tình trạng hợp pháp của sinh viên quốc tế (I-20). Trong quá trình này, sinh viên vẫn duy trì tình trạng hợp pháp, và cần tuân theo hướng dẫn của trường mới để nhận I-20 đúng hạn.

"Tuy nhiên, kỳ tuyển sinh mùa thu đã khép lại, các trường đã chốt danh sách sinh viên, trong khi Harvard cũng đang dần bị hạn chế truy cập SEVIS", Mạnh Hùng nhìn nhận.

Trên tờ Harvard Crimson, Bhuvanyaa Vijay, luật sư di trú, nhìn nhận thị thực của du học sinh tại Harvard sẽ không bị vô hiệu hóa ngay lập tức. Bà trấn an rằng Bộ An ninh Nội địa nhiều khả năng sẽ cho họ một khoảng thời gian ân hạn để quyết định hướng xử lý.

Sinh viên quốc tế có thể giữ lại mẫu đơn I-20 hợp lệ, nhờ đó tránh bị mất thị thực. Song thời hạn chuyển trường của hầu hết đại học đã rơi vào tháng ba trước. Trong thời gian chờ các kỳ tuyển sinh mới mở trở lại, tình trạng di trú của họ rất bấp bênh.

Thạc sĩ Đào Thu Hiền, người sáng lập Tổ chức giáo dục GPA, thành viên Hội đồng tư vấn tại Trường Kinh doanh Harvard, đánh giá đây là sự việc chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ. Bà cho biết hiện nhiều sinh viên, học giả và gia đình đang lo lắng, nhất là những bạn chuẩn bị nhập học và cần xin thị thực.

Trong thời gian này, bà Hiền khuyên du học sinh Việt giữ liên lạc với phòng quản lý sinh viên quốc tế của trường, bám sát tình hình và làm theo hướng dẫn.

"Các bạn cố gắng tập trung vào việc học tập và nghiên cứu, không nên rời nước Mỹ hay có động thái gì khi mọi chuyện còn chưa rõ ràng", bà nói. "Tôi tin rằng Harvard sẽ đấu tranh tới cùng vì, như Hiệu trưởng Alan Garber đã nói, sinh viên và học giả quốc tế đóng góp một phần rất lớn vào sự phát triển và lớn mạnh của trường".

Đỗ Như kỳ vọng trường thỏa thuận được với Bộ An ninh Nội địa để đảm bảo quyền lợi cho sinh viên. Cô nghĩ việc học và làm dự án tốt nghiệp của mình chưa bị ảnh hưởng ngay lập tức.

Còn Hùng đang nghe ngóng thông tin và xin tư vấn từ các bạn làm luật sư và nhóm sinh viên quốc tế để chuẩn bị cho các tình huống. Anh mong trường sớm đưa ra hướng dẫn, cũng như có động thái để giải quyết sự việc. Trường hợp chính quyền không thay đổi quyết định, anh muốn Harvard tổ chức học online thời gian còn lại.

"Tôi học ở Harvard theo học bổng toàn phần, chỉ tự lo ăn, ở. Nếu chuyển sang trường khác, tôi không biết sẽ ra sao", anh nói.

* Tên du học sinh được thay đổi

Các tin khác

Giá vàng bật tăng

Sáng nay (24/5), giá vàng đồng loạt tăng. Hiện giá vàng trong nước cao hơn thế giới trên 15 triệu đồng/lượng.

Vân Đồn chuyển mình, sẵn sàng trở thành đặc khu kinh tế phía Bắc

Một vùng đảo từng lặng lẽ bên vịnh Bái Tử Long, nay đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành tâm điểm chiến lược mới của miền Bắc. Vân Đồn – mảnh đất nơi Đông Bắc Tổ quốc, giờ không chỉ được nhắc đến như một điểm đến nghỉ dưỡng, mà đang được định hình trở thành đặc khu kinh tế ven biển của phía Bắc giai đoạn 2025–2030.

Hoa Kỳ, Trung Quốc có cuộc gọi đầu tiên kể từ cuộc họp Geneva: Tín hiệu tích cực cho đàm phán thương mại?

Mỹ và Trung Quốc vừa có cuộc điện đàm cấp cao đầu tiên kể từ cuộc gặp tại Geneva, cho thấy hai bên vẫn giữ liên lạc và nỗ lực tìm kiếm tiếng nói chung trong các vấn đề thương mại và chiến lược. Dù chưa có đột phá, động thái này được đánh giá là dấu hiệu tích cực trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn âm ỉ.