Kết phiên giao dịch 24/5, VN-Index đảo chiều ngoạn mục sang sắc xanh với mức tăng 14,57 điểm (1,2%) so với tham chiếu để tiến lên 1.233,38 điểm. HNX-Index cũng đảo chiều sang tăng 5,3 điểm (1,76%) đạt mức 305,96 điểm. UPCoM-Index vẫn giảm 0,54% về 93,12 điểm.
VN-Index tăng 14,57 điểm (1,2%) so với tham chiếu để tiến lên 1.233,38 điểm.
Thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp với tổng giá trị khớp lệnh đạt 14.000 tỷ đồng.
Trong phiên hôm nay, có những thời điểm VN-Index điều chỉnh giảm hơn 15 điểm. Tuy nhiên lực cầu bắt đáy tăng mạnh giúp thị trường hồi phục nhanh chóng để tăng dựng đứng ở những phút cuối.
Dẫn dắt sự đảo chiều của thị trường đến từ nhóm vốn hóa lớn, đặc biệt là các cổ phiếu ngân hàng. Rổ VN30 tăng 17,36 điểm (1,38%) với 26/30 mã tăng giá. Trong đó STB tăng trần lên 21.750 đồng. Bên cạnh đó CTG tăng 4%, TPB tăng 3%, VIB tăng 2,8...
Ngoài ra thị trường còn được hỗ trợ từ đà tăng tốt của một số cổ phiếu trụ khác như MSN của Masan Group tăng 4,3% lên 109.000 đồng, VNM của Vinamilk có thêm 3,9% đạt 68.900 đồng, GAS của PV Gas tăng 2,2% ở mức 105.800 đồng...
Ở chiều ngược lại, HPG, HVN và PGV là những mã tác động tiêu cực nhất lên sàn chứng khoán.
Chốt phiên HPG giảm 5% về mức 34.900 đồng.
Trong đó đáng chú ý phải kể đến HPG. Kết phiên hôm nay cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát bất ngờ ghi nhận lực bán tháo dữ dội từ cuối buổi sáng sau thông tin bất lợi từ cuộc họp cổ đông. Mã chứng khoán này thậm chí bị bán xuống giá sàn 34.200 đồng trong buổi chiều trước khi có sự hồi phục theo xu hướng chung.
Chốt phiên HPG giảm 5% về mức 34.900 đồng, giảm 40% so với cùng đỉnh và là mức thấp nhất kể từ tháng 4/2021 đến nay. Áp lực bán khiến thanh khoản tăng vọt lên 42,2 triệu cổ phiếu, gấp 4 lần phiên đầu tuần.
Tài sản của tỷ phú Trần Đình Long đã mất hơn 2.100 tỷ đồng.
Cổ phiếu ngành thép lao dốc liên quan đến diễn biến cuộc họp cổ đông thường niên sáng nay của Tập đoàn Hòa Phát - công ty có lượng cổ đông lớn nhất sàn chứng khoán hiện nay với hơn 160.000 cá nhân và tổ chức.
Cụ thể, doanh nghiệp được điều hành bởi tỷ phú Trần Đình Long bị chất vấn gay gắt về kế hoạch lợi nhuận ở mức thấp. Chỉ tiêu lãi sau thuế năm nay là 25.000-30.000 tỷ đồng, tức giảm 13-27% so với năm 2021.
Trước nhiều ý kiến của cổ đông, ông Long phát biểu các cổ đông sẽ thấy được những khó khăn của ngành thép sau kết quả kinh doanh quý II-III và cả quý IV. "Lúc này ngành thép đang không thuận lợi. Khi có kết quả kinh doanh quý II, cổ đông sẽ thấy tình hình thê thảm thế nào", ông Long cho biết.
Người đứng đầu Hòa Phát chỉ ra nguyên nhân thứ nhất là giá nguyên vật liệu tăng mạnh do xung đột Nga-Ukraine làm giá than luyện coke tăng 100-200 USD/tấn. Tiếp đến là chính sách Zero Covid của Trung Quốc khiến cho nhu cầu thép giảm.
Với mức giảm của ngày hôm nay, tài sản của tỷ phú Trần Đình Long đã mất hơn 2.100 tỷ đồng.