Trong hai tháng trở lại đây, tỷ giá USD/VND trong nước đã giảm mạnh khi đồng bạc xanh lao dốc trên thị trường quốc tế và nguồn cung ngoại tệ trong nước dồi dào hơn.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá USD/VND kết thúc tháng 9 dừng ở mức 24.560 đồng, giảm gần 700 đồng so với cuối tháng 7, tương đương giảm 2,7%.
Tỷ giá USD niêm yết tại các ngân hàng trong nước cũng liên tục được điều chỉnh giảm. Kết thúc quý 3, giá bán USD niêm yết tại các ngân hàng phổ biến trong khoảng 24.750 – 24.800 VND/USD, trong khi giá mua vào nằm trong khoảng 24.350 – 24.400 VND/USD.
Cụ thể, Vietcombank, ngân hàng có quy mô giao dịch ngoại tệ lớn nhất hệ thống hiện niêm yết tỷ giá ở mức 24.380 - 24.750 VND/USD. Tính từ đầu tháng 8 đến nay, giá USD tại ngân hàng này đã giảm khoảng 670 đồng, tương đương mức giảm 2,6%. Qua đó, thu hẹp mức mất giá của VND so với USD từ đầu năm đến nay còn 1,4% từ mức đỉnh điểm 4,3% ghi nhận vào tháng 6 và tháng 7.
Trên thị trường tự do, giá USD đang được các điểm thu mua ngoại tệ giao dịch tại mức 25.020 VND/USD ở chiều mua và 25.120 VND/USD ở chiều bán. So với mức đỉnh gần 26.000 đồng xác lập cuối tháng 6, giá USD tự do hiện thấp hơn khoảng 900 đồng, tương đương giảm 3,5%.
Trong báo cáo phân tích mới công bố, Chứng khoán MB (MBS) dự báo lực tỷ giá USD/VND sẽ hạ nhiệt và dao động trong khoảng 24.700 – 24.900 VND/USD trong quý 4/2024 nhờ những yếu tố tích cực như: Thặng dư thương mại tích cực ( khoảng 19,1 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm), dòng vốn FDI (14,15 tỷ USD, +8% so với cùng kỳ 2023) và du lịch phục hồi mạnh mẽ (+45,8%).
“Sự ổn định của môi trường vĩ mô nhiều khả năng sẽ được duy trì và cải thiện hơn nữa sẽ là cơ sở để ổn định tỷ giá trong năm 2024”, MBS nhận định.
Từ nay đến cuối năm, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng dự báo đồng VNĐ sẽ không có áp lực mất giá đáng kể do Fed đã khởi động chu kỳ cắt giảm lãi suất. Tuy nhiên, nhà điều hành chính sách có thể không mong muốn tiền Đồng tăng giá quá mạnh và nhanh khi xuất khẩu vẫn đang là trụ cột của tăng trưởng kinh tế.
"Hiện tại, chúng tôi cho rằng áp lực về tỷ giá đã không còn quá lớn nên NHNN có thể tập trung vào mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng tín dụng và kích thích đầu tư, tiêu dùng trong nước", báo cáo của VDSC cho hay.
Trong báo cáo “Dự báo triển vọng kinh tế quý III/2024” vừa công bố, Ngân hàng UOB nhận định VND đã ghi nhận mức tăng theo quý lớn nhất kể từ năm 1993, phục hồi 3,2% đạt mức 24.630 VND/USD.
Theo UOB, áp lực bên ngoài từ sức mạnh của đồng USD đang bắt đầu giảm dần khi Fed bắt đầu chu kỳ nới lỏng như kỳ vọng, trong khi các yếu tố nội tại cho thấy sự ổn định hơn nữa của VND. Bất chấp ảnh hưởng của cơn bão, đà tăng trưởng mạnh mẽ được dự báo của Việt Nam, được thúc đẩy bởi cả hoạt động sản xuất và thương mại, cũng nhiều khả năng sẽ kéo dài sang năm 2025. Kỳ vọng về chính sách tiền tệ ổn định từ NHNN với trọng tâm là thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cũng hỗ trợ cho VND. Tuy nhiên, đà tăng thêm của VND từ đây khó có thể diễn ra với tốc độ tương tự như quý 3/2024.
Nhìn chung, UOB dự báo tỷ giá USD/VND sẽ dao động quanh mức 24.500 VND/USD trong quý 4 năm 2024, 24.300 VND/USD trong quý 1/2025, 24.100 VND/USD trong quý 2/2025 và 23.900 VND/USD trong quý 3/2025.
Đồng thời, UOB vẫn kỳ vọng NHNN sẽ duy trì lãi suất chính sách chủ chốt trong thời gian còn lại của năm 2024, đồng thời chú ý đến rủi ro lạm phát. Theo đó, UOB dự đoán NHNN sẽ duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức hiện tại là 4,50% trong khi tập trung vào việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và các biện pháp hỗ trợ khác.
Tuy nhiên, UOB cho rằng việc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ công bố cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 9 có thể làm tăng khả năng (và áp lực) đối với NHNN trong việc cân nhắc nới lỏng chính sách một cách tương tự.