Tài chính

Giá vàng đang "chạm đỉnh", có nên xuống tiền lúc này?

Đến chiều ngày 1-10, giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp niêm yết mua vào 82 triệu đồng/lượng, bán ra 84 triệu đồng/lượng, ổn định so với buổi sáng, nhưng lại tăng khoảng 500.000 đồng mỗi lượng trong 2 tuần trở lại đây. Hiện giá vàng miếng SJC đang ở mức cao nhất trong gần 4 tháng qua.

Trong khi đó, giá vàng nhẫn giao dịch sát mốc 83 triệu đồng/lượng, vùng cao nhất trong lịch sử.

Trước những diễn biến nóng của giá vàng trong nước và thế giới những ngày qua, phóng viên Báo Người Lao Động đã có buổi trao đổi với chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển về câu chuyện đầu tư cuối năm, nên chọn vàng, gửi tiết kiệm, chứng khoán hay bất động sản...

* Phóng viên: Diễn biến tăng mạnh, vượt đỉnh của giá vàng trong nước và thế giới những ngày qua, theo ông vì sao?

- Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển: Đối với nhiều người, giá vàng tăng rất mạnh những ngày vừa qua là bất ngờ, vì đã vượt xa vùng 2.600 USD/ounce. Tuy nhiên xu hướng dài hạn các chuyên gia vẫn dự báo giá vàng tăng. Điều bất ngờ này nó lại hợp lý nếu đặt trong bối cảnh xung đột địa chính trị ở khu vực Trung Đông liên tục căng thẳng, nhất là diễn biến mới nhất giữa Isreal - Hezbollah; Nga - Ukraine…

Những xung đột leo thang này không chỉ tác động đến khu vực này mà còn ảnh hưởng tới hành lang vận chuyển dầu khí đi từ khu vực giàu nhất về dầu khí là Trung Đông tới châu Âu và các khu vực kinh tế khác…

Giá vàng đang "chạm đỉnh", có nên xuống tiền lúc này?- Ảnh 1.

Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển

Lúc này, như thường lệ giới đầu đầu cơ tài sản của thế giới nhanh chóng chuyển dịch tài sản qua kênh ít rủi ro, vốn được đánh giá là kênh trú ẩn an toàn – vàng. Do đó giá vàng thế giới tăng rất mạnh, và tất nhiên giá vàng trong nước – vàng miếng SJC và vàng nhẫn cũng ảnh hưởng theo.

* Câu hỏi được nhiều người quan tâm là còn cơ hội mua vàng lúc này? Nếu mua, nên mua vàng miếng SJC hay vàng nhẫn?

- Có một thực tế, giá vàng tăng cao thời gian qua nhưng nhu cầu mua vàng số lượng lớn của nhà đầu tư lại không quá nhiều. Một số thống kê ước tính có khoảng 500 tấn vàng đang nằm trong dân nhưng để người dân đầu tư sinh lợi, lướt sóng ngắn hạn với vàng là không nhiều.

Trong quá khứ, có những giai đoạn nhà đầu tư có thể bỏ ra hàng chục tỉ đồng mua bất động sản, vay ngân hàng để mua nhà đất, chứng khoán rồi chốt lời sau đó vài tháng.

Ngược lại, việc một nhà đầu tư bỏ tiền ra mua cả ngàn lượng vàng là không nhiều nên sẽ khó có sự dịch chuyển dòng tiền từ các kênh đầu tư khác sang vàng với số lượng lớn.

Vàng phù hợp với tâm lý đầu tư an toàn, tích trữ phổ biến nhưng số lượng không quá lớn. Nói vậy để thấy rằng, dù dự đoán giá vàng tăng cao nhưng cũng khó có khả năng nhà đầu tư đổ hết vốn, tiền nhàn rỗi vào vàng để lướt sóng hay kiếm lợi nhuận trong thời gian ngắn.

Giá vàng đang "chạm đỉnh", có nên xuống tiền lúc này?- Ảnh 2.

Giá vàng miếng SJC đang ở mốc 84 triệu đồng/lượng, cao nhất trong gần 4 tháng qua

Còn dự đoán giá vàng, theo tôi là khó, vì giá vàng biến động liên tục hàng giờ trên thị trường quốc tế. Chưa kể, nếu giá vàng đã tăng rất mạnh từ đầu năm tới nay, thì xác suất điều chỉnh giảm trong ngắn hạn là khó tránh và tiềm năng tăng giá tiếp theo trong ngắn hạn ở mức cao cũng là rất khó. Nôm na là dự đoán giá vàng tăng sẽ chỉ khoảng 50% nên nói về việc có nên mua vàng lúc này không sẽ tùy vào từng nhu cầu, khẩu vị đầu tư của từng người…

* Với chính sách mà quản lý thị trường vàng miếng SJC như hiện nay và biên độ chênh lệch giá vàng mua vào - bán ra của vàng miếng SJC lên tới 1-2 triệu đồng/lượng cũng không có cơ hội lướt sóng, ông nghĩ sao?

- Ở Việt Nam, nếu coi vàng là một kênh đầu tư ngắn hạn thì thật sự không hấp dẫn. Bởi giá vàng trong nước thời gian qua thực tế luôn chênh lệch nhiều hơn so với thế giới. Còn nếu đầu tư dài hạn thì những người mua vàng để tích lũy lâu dài nên họ cũng sẽ không quan tâm quá nhiều tới yếu tố tăng nóng, vì họ sẽ nắm giữ trong nhiều năm. Và khi đã tích trữ trong nhiều năm thì không có gì phải vội vàng mua lúc thị trường nóng sốt như hiện nay.


Cùng chuyên mục

Đọc thêm