Theo Báo cáo chiến lược đầu tư năm 2023 của Chứng khoán Vietcombank (VCBS), VN-Index đạt đỉnh 1.530 vào tháng 4 và bắt đầu bước vào chu kỳ giảm.
Trước những thông tin tiêu cực về lạm phát và nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến đồng pha với thị trường chứng khoán thế giới và liên tục tìm đáy mới, chạm mức thấp nhất là 911,9 điểm tại thời điểm giữa tháng 11/2022.
Những tuần cuối của năm 2022, tuy thanh khoản sụt giảm nhưng lực cầu bắt đáy quay trở lại đã giúp vực dậy thị trường cũng như khiến VN Index hồi phục lên trên 1.000 điểm khi kết thúc năm.
Bước sang năm 2023, VN-Index được dự báo dao động trong vùng 900 – 1.200 điểm, với mức cao nhất của chỉ số có thể lên đến 1.250 điểm, tương đương giảm gần 18% so với mức đỉnh của năm 2022. Tuy nhiên, chỉ số cũng có thể sẽ có lúc rơi xuống khoảng 900 điểm trong bối cảnh Fed vẫn tiếp tục lộ trình tăng lãi suất trong nửa đầu năm 2023.
Với luận điểm "thích nghi để tồn tại" (Survival of the fittest), Chứng khoán VCBS đưa ra một số gợi ý đầu tư cho năm 2023.
Một là, các cổ phiếu ngành ngân hàng là nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất về thanh khoản cũng như vốn hóa trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhìn chung thì kết quả kinh doanh của các ngân hàng sẽ chịu ảnh hưởng nhất định bởi triển vọng kinh tế vĩ mô không quá khả quan trong năm 2023.
Tuy nhiên, nhóm ngân hàng với chất lượng dư nợ tín dụng tốt nhiều khả năng sẽ tiếp tục nhận được phân bổ hạn mức tín dụng khả quan trong năm 2023 và theo đó tiếp tục duy trì được mạch tăng trưởng tích cực.
Hài là, việc cơ quan quản lý nhà nước xử lý nghiêm các doanh nghiệp có sai phạm trong lĩnh vực bất động sản cùng với khả năng tiếp cận vốn vay khó khăn hơn trong bối cảnh mặt bằng lãi suất có xu hướng tăng khiến cho triển vọng trong ngắn hạn của cả nhóm bất động sản nhà ở và bất động sản khu công nghiệp là kém khả quan.
Nhưng xét về dài hạn, các nhà phân tích của VCBS cho rằng tiềm năng tăng trưởng của lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp vẫn là rất lớn đi cùng với quá trình mở rộng cơ sở hạ tầng ở Việt Nam để phục vụ cho mục tiêu công nghiệp hóa – hiện đại hóa.
Tổng hợp lại các yếu tố, trong giai đoạn này nhà đầu tư có thể sàng lọc ra những doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp đang ở chu kỳ bán hàng (không phải ở giai đoạn triển khai dự án) có tỷ lệ vay nợ so với vốn chủ sở hữu thấp và lựa chọn thời điểm giải ngân khi thị trường hồi phục sau khi đã tạo lập thành công đáy trung hạn.
Ba là, cổ phiếu thuộc các ngành có tính chất “phòng thủ” với kết quả kinh doanh ít phụ thuộc hơn vào chu kỳ kinh tế so với các ngành khác nhiều khả năng cũng sẽ ít chịu tác động tiêu cực trong viễn cảnh các nền kinh tế lớn và cũng là các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đối diện với nguy cơ suy thoái kinh tế trong năm 2023.
Mặt khác, đây đều là các nhóm ngành đã có sự phục hồi nhất định từ giữa năm 2022 sau khi Việt Nam kết thúc giai đoạn giãn cách xã hội. Trong bối cảnh hiện tại trên thị trường chứng khoán Việt Nam, những cổ phiếu như vậy sẽ nghiêng nhiều hơn về nhóm vận tải, công nghệ thông tin & viễn thông và các ngành tiện ích như thủy điện, nhiệt điện, cấp nước, …
Bốn là, nhóm phân tích cho rằng nhà đầu tư cũng có thể tìm kiếm cơ hội ở những cổ phiếu có dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh duy trì ổn định và có tỷ lệ trả cổ tức tiền mặt so với giá thị trường cổ phiếu cao hơn so với lãi suất tiết kiệm. Đây thường sẽ là các doanh nghiệp có yếu tố nhà nước và dùng một tỷ lệ lớn lợi nhuận sau thuế hàng năm để chi trả cổ tức băng tiền mặt.