Những ngày cuối đông, tại gành đá Nam Ô (Đà Nẵng) có một thứ "lộc trời" được gọi bằng cái tên dân dã và một nghề rất đặc biệt giúp người dân nơi đây có thể kiếm tiền triệu tiêu Tết, đó là trèo vác đá săn rong mứt.
Những người phụ nữ leo trên gành đá, dầm mình trong mưa để săn đặc sản tiến vua
Rong mứt có màu nâu sậm, thân sụn mềm, tạo thành chùm ở phần ngọn; có thể dùng khi còn tươi hoặc phơi khô đều ngon, thường để nấu canh, xào cùng các loại cá, thịt, tôm,... Ngày nay, loại rong này còn trở thành đặc sản được nhiều du khách chọn làm quà biếu cho người thân, bạn bè khi có dịp đến Đà Nẵng.
Để hái được nhiều rong mứt, người dân phải đi "săn" từ lúc 1, 2 giờ sáng.
Trong cái giá lạnh thấu vào da thịt, giữa màn đêm sương sớm, họ bắt đầu một ngày mưu sinh bất chấp trời mưa và cái rét căm căm của sóng biển.
Theo người dân địa phương, nhiều vùng biển trên cả nước cũng có món mứt biển. Tuy nhiên, ở Nam Ô mứt biển được cho là ngon nhất bởi từng được dùng là món ăn tiến vua.
Những ngày qua, bất chấp cái lạnh của gió mùa đông bắc và những đợt sóng biển liên tục đổ ầm ào vào ghềnh đá, những "thợ săn" rong mứt vẫn trèo trên những mỏm đá cheo leo sát mép biển để khai thác thứ sản vật đặc biệt này.
Nhìn bóng người cheo leo trên vách những gành đá trơn trượt mới thấy mức độ nguy hiểm của cái nghề mạo hiểm này. Gần 20 năm gắn bó với cái nghề mà Lê Thị Hưởng (80 tuổi) gọi là "bán bát máu, ăn bát cơm", bà không nhớ nổi bao nhiêu lần đã bị sóng đánh ngã dúi dụi, bị hàu cứa trầy lưng. Trong những lần như thế bà thấy mình thật may mắn khi không phải bỏ mạng nơi vách đá chênh vênh.
Nhiều người dân Nam Ô gọi rong mứt là "lộc trời", bởi vào mùa cao điểm, mỗi ngày đi hái có thể kiếm được bạc triệu.
Đặc biệt, những người giỏi có thể kiếm từ 2 đến 3 triệu đồng chỉ trong khoảng 3 tiếng khai thác rong mứt. Cao điểm có người một tháng có thể “trúng” từ 30 đến 40 triệu, một mức thu nhập khiến nhiều người phải giật mình.
Những người già, trẻ nhỏ hái rong mứt gần bờ thì trung bình cũng có thể kiếm từ 5 đến 7 trăm ngàn đồng mỗi ngày.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ bản lĩnh đi khai thác rong mứt trên biển hay tại các ghềnh đá bởi những điểm khai thác này thường có gió to, sóng lớn.
Rong mứt tại Nam Ô từ xa xưa luôn được người dân coi là tinh túy của đất trời, bởi chúng được sinh ra trong điều kiện khắc nghiệp nhất và chỉ mọc trên các khe, ghềnh đá ở các rạn đá ngầm.
Mưa, sóng lớn phủ nước biển lên các gành đá cùng với thời tiết se lạnh là điều kiện thuận lợi để rau mứt phát triển. Để hái được rong, họ phải đối mặt với hiểm nguy khi leo qua những mỏm đá góc cạnh, trơn trượt hay ngâm mình dưới nước lạnh nhiều giờ liền.
Khi trèo lên các vách đá để hái mứt biển thì các chị phải mặc áo quần bó chặt cơ thể, đầu đội mũ trùm kín chống lại với giá rét, sương sớm của biển. Đá trơn trượt và sóng biển xô đập dữ dội khiến người hái có thể rơi xuống biển bất cứ lúc nào.
Đã không ít người làm nghề này bị gãy chân, gãy tay hay phải mang thương tật cả đời bởi trượt chân té ghềnh hoặc sóng quật vào đá gây bể đầu.
Mùa rong mứt thường bắt đầu từ tháng 11 âm lịch và kéo dài cho đến hết tháng Giêng năm sau thì chấm dứt. Mứt ở Nam Ô thường được hái ngay từ lúc vừa mọc, lá mứt còn non, dai cho nên vị mứt được giữ nguyên. Khi chế biến các món ăn sẽ rất đượm vị, hòa trộn với các món khác.
Dụng cụ để đi hái rong mứt cũng khá đơn giản, miếng cào bằng nhôm, sắt cán mỏng để cào mứt ra khỏi mỏm đá, túi lưới đựng rong,...
Chiếc cào được làm từ mảnh kim loại mỏng cứ ràn rạt vào vách đá, kéo theo từng mảng rong mứt về phía túi đựng bằng lưới.
Mứt sau khi được hái về sẽ rửa qua một lần nước biển. 1 kg mứt tươi hiện có giá khoảng 200 - 250 nghìn đồng. Nếu mang phơi khô 1 nắng thì thương lái sẽ mua với giá 1,3 triệu đồng/kg. Khoảng 10 kg mứt tươi sẽ được 1 kg khô. Đặc biệt, những thành phẩm loại ngon nhất dùng để xuất khẩu hay bán cho khách du lịch thường có giá rất cao.
10 giờ trưa, mặt trời lên cao, cũng là lúc những đôi tay bắt đầu mỏi nhừ, nhưng niềm vui với những người phụ nữ này là những túi đầy ắp rong mứt... Động lực của họ chính là các con được có cái ăn, ấm cái mặc và không phải thất học.
Dù công việc vượt quá sức, quá vất vả và mạo hiểm nhưng nhiều phụ nữ xóm mứt này vẫn gắn bó với nghề hái "lộc biển" suốt mấy chục năm qua. Họ dầm mình nhiều giờ trong nước chỉ vì mong muốn đem về một cái Tết đủ đầy, no ấm cho gia đình.