Các nhà nghiên cứu Eric Fields và Gina R. Kuperberg của khoa Tâm lý đại học Tufts (Mỹ) cho biết, những quan điểm tích cực về bản thân là thành phần chính của hoạt động tâm lý lành mạnh, ảnh hưởng đến lòng tự trọng, động lực và quyết tâm.
Vì vậy, việc bạn thiếu thiên hướng tích cực về bản thân hoặc có cái nhìn tiêu cực về chính mình có thể góp phần gây ra rối loạn tâm trạng và lo âu.
Nhận biết chính mình
Lấy một tờ giấy A4 hoặc ghi chú của bạn trên máy tính bảng, viết tên của bạn lên trên cùng. Chia trang thành bốn phần. Dán nhãn các góc phần tư này là thích, không thích, điểm yếu và điểm mạnh.
Bây giờ, hãy bắt đầu điền vào các khoảng trống dưới các góc phần tư đó. Bạn không cần phải thực hiện chúng theo thứ tự, chỉ cần làm theo cảm hứng của bạn.
Ở một mình và phân bổ thời gian cho bài tập này chắc chắn sẽ hữu ích, cho dù bạn cảm thấy thoải mái trong bao lâu. Ngoài ra, nhất định phải lưu lại những trang này.
Mục đích của hoạt động này về cơ bản là để biết tất cả về con người bạn, cả những khuyết điểm, đồng thời chấp nhận và đón nhận nó. Hãy nghĩ về những điều đó như hẹn hò với chính mình. Bạn đi chơi với chính mình, dành cho bạn tất cả sự chú ý và thực sự gắn kết với con người của bạn.
Theo thời gian và sự luyện tập nhất quán, bạn sẽ thực sự biết mình là ai và mình có khả năng gì.
Tránh độc thoại tiêu cực
Bạn có thấy mình thường nhận xét về bản thân hà khắc hơn những người khác không? Có phải tiếng nói bên trong như một cuộn băng lặp đi lặp lại những điều gây tổn thương và nản lòng, liên tục khiến bạn sợ hãi?
Là con người, thỉnh thoảng chúng ta đấu tranh với một số dạng nghi ngờ. Tuy nhiên, khi muốn tình yêu dành cho chính mình, phải loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực.
Tiến sĩ Kristin Neff, tác giả cuốn sách "Lòng trắc ẩn: Sức mạnh đã được chứng minh của việc tử tế với chính mình" từng hỏi: Bạn sử dụng kiểu ngôn ngữ nào với bản thân khi nhận thấy khuyết điểm hoặc mắc lỗi? Bạn có xúc phạm chính mình hay nói với giọng điệu tử tế và thấu hiểu hơn? Nếu bạn là người có tính tự phê bình cao, điều đó khiến bạn thấy thế nào?
Chú ý đến cách bạn nói chuyện với chính mình là bước quan trọng nhất để học cách nuôi dưỡng tình yêu bản thân.
Có kế hoạch của riêng mình
Có kế hoạch riêng hàng ngày, hàng tuần sẽ giúp công việc của bạn đỡ lộn xộn hơn. Trong kế hoạch đó, cần chú ý đến hoạt động chăm sóc bản thân, dù đó là hoạt động thể chất, thiền, viết nhật ký hay cầu nguyện.
Tiến sĩ Deborah Khoshaba đã nêu những lợi ích của việc tạo ra những kế hoạch cho riêng mình: Bạn sẽ yêu bản thân mình hơn khi bạn chăm sóc tốt hơn những nhu cầu cơ bản. Những người có lòng yêu bản thân cao nuôi dưỡng bản thân hàng ngày thông qua các hoạt động lành mạnh, như dinh dưỡng hợp lý, tập thể dục, ngủ đủ giấc, thân mật và tương tác xã hội lành mạnh.
Từ bi với chính mình
Những hành vi chửi rủa bản thân, hà khắc với chính mình ảnh hưởng đến ý thức về giá trị bản thân và lòng tự trọng của bạn. Không cho bản thân bất kỳ sự ưu ái nào là thiếu sót. Bạn đã kìm hãm sự phát triển và tình yêu từ chính mình.
Từ bi với bản thân cũng tương tự như thể hiện lòng trắc ẩn với người khác. Đó là một thực hành để nhận ra bạn đang đau khổ, sau đó thể hiện sự hiểu biết và lòng tốt của mình.
Kristin Neff viết trong cuốn sách về lòng trắc ẩn của mình rằng, bạn có thể cố gắng thay đổi theo cách cho phép mình khỏe mạnh và hạnh phúc hơn vì bạn quan tâm bản thân, không phải vì bạn vô giá trị hay không thể chấp nhận như hiện tại.
Một gợi ý là tập ôm lấy bất cứ cảm xúc nào mà bạn cảm thấy. Thay vì kìm nén nó hoặc để nó hoàn toàn lấn át, bạn thừa nhận nó như nó vốn có và cả việc bạn có thể trở thành như thế nào sau này.
Ví dụ, nói rằng bạn đang cảm thấy buồn. Bạn thừa nhận rằng cảm xúc đó là bình thường, đó là cảm giác hiện tại và bạn có thể bình tâm đón nhận và chờ nó trôi qua.
Khám phá ngôn ngữ tình yêu của bản thân
Tác giả Gary Chapman viết cuốn sách "5 ngôn ngữ tình yêu'', nói về cách con người thể hiện và đón nhận tình yêu. Trong đó, ông tiết lộ các hình thức, cụ thể là: lời khẳng định, quà tặng, hành động giúp đỡ, cử chỉ âu yếm và thời gian chất lượng.
Những ngôn ngữ tình yêu này cũng có thể được áp dụng cho bản thân theo nhiều cách khác nhau, tùy thuộc vào ngôn ngữ tình yêu mà bạn cộng hưởng.
Hãy tưởng tượng cách bạn đối xử với bản thân hàng ngày như thể bạn là một người khác, trong mối quan hệ với bạn. Bằng cách khám phá ngôn ngữ yêu thương bản thân, bạn có thể kết hợp các thực hành yêu thương hàng ngày dành riêng cho mình và khiến bạn cảm thấy tốt hơn.
Ví dụ, nếu bạn coi ''Nhận quà'' là ngôn ngữ tình yêu của mình, thì có thể mua những thứ bạn muốn để mang lại sự tích cực cho cuộc sống, đầu tư vào sở thích hoặc trải nghiệm trong danh sách mong muốn của bạn. Mục đích của việc này là để học cách trở nên thoải mái khi có sự hiện diện của chính bạn.
Tạo không gian để tự suy ngẫm
Là con người, chúng ta có thể cực kỳ khó khăn với bản thân, đặc biệt nếu đó là hậu quả của một thất bại. Đôi khi, mọi thứ không diễn ra theo mong muốn dù chúng ta lên kế hoạch tốt thế nào. Chúng ta trừng phạt bản thân vì những sai lầm trong khi có thể học hỏi từ chúng.
Thay vì đổ lỗi cho bản thân, bạn có thể sử dụng những thất bại này như một cơ hội để phát triển bản thân. Một số ví dụ về tự phản ánh có thể ở dạng đánh giá hàng tuần, viết nhật ký, gặp mặt thường xuyên với một người bạn đáng tin cậy để suy ngẫm về những trải nghiệm và thách thức gần đây.
Hãy nhớ rằng, không có thất bại nếu bạn đã học hỏi và trưởng thành từ những sai lầm của mình, chỉ có bài học kinh nghiệm.
(Theo psych2go)