Trong báo cáo chiến lược thị trường chứng khoán quý IV mới phát hành, Chứng khoán KB (KBSV) nhận định rằng “thách thức còn đó, song vẫn sẽ có những cơ hội hấp dẫn” cho cổ phiếu ngân hàng.
Các chuyên gia phân tích cho rằng trong ngắn hạn, ngành ngân hàng sẽ vẫn phải đối diện với những khó khăn từ làn gió ngược trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và hoạt động bán chéo bảo hiểm (bancassurance). Do đó, nguồn thu từ mảng ngân hàng đầu tư và bảo hiểm cần thêm thời gian để hồi phục. Tuy nhiên, vẫn có thể nhìn thấy những điểm sáng về triển ngành trong nửa sau của năm 2023.
KBSV đánh giá cao triển vọng dài hạn của ngành ngân hàng, với một số cái tên nổi bật như Vietcombank, ACB và Sacombank. Sau nhịp điều chỉnh gần đây, một số cổ phiếu như Vietcombank, ACB, BIDV và Vietinbank đã có mức chiết khấu sâu hơn. P/B toàn ngành đang tương đương giai đoạn 2016, khi thị trường bất động sản dần phục hồi.
Một số điểm nhấn về ngành được các chuyên gia phân tích lưu ý như biên lãi thuần (NIM) của ngành ngân hàng sẽ tạo đáy trong khi nợ xấu lập đỉnh và dần cải thiện, tăng trưởng tín dụng dự kiến ở mức khiêm tốn.
NIM tạo đáy trong quý III và bắt đầu phục hồi từ quý IV
KBSV cho rằng biên lãi thuần (NIM) ngành ngân hàng sẽ tạo đáy khi chi phí vốn (COF) ghi nhận sự cải thiện nhưng lãi suất cho vay tiếp tục giảm.
KBSV cho biết COF trong quý I/2023 tăng mạnh thêm 94 điểm cơ bản (bps), phản ánh mặt bằng lãi suất cao vào cuối năm ngoái.
Sang quý II, tốc độ tăng đã chậm lại, chỉ còn 38 bps sau những đợt giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước. Ước tính, nhóm ngân hàng quốc doanh đã điều chỉnh giảm 1 - 1,6% lãi suất huy động, trong khi nhóm ngân hàng thương mại cổ phần cũng có mức giảm từ 1,3 - 1,8%.
Sang quý III, KBSV kỳ vọng COF của ngân hàng sẽ có sự cải thiện đáng kể do phần vốn huy động với chi phí cao có kỳ hạn từ 3 - 6 tháng sẽ đáo hạn. Dự kiến, mặt bằng lãi suất tiếp tục duy trì trong quý IV.
Trong khi đó, lãi suất cho vay cũng đã giảm tương đối so với đầu năm do chỉ đạo từ Chính phủ. KBSV cho rằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục xu hướng giảm nhưng với tốc độ chậm hơn và có độ trễ so với lãi suất huy động do lãi suất cho vay thường tái định sau 3 - 6 tháng.
Từ những yếu tố trên, các nhà phân tích kỳ vọng NIM sẽ tạo đáy trong quý III và bắt đầu phục hồi từ quý IV, nhưng chưa thể về mức nền của năm 2022. Tuy nhiên, KBSV cũng lưu ý một số rủi ro với sự phục hồi của NIM, bao gồm giới hạn tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay dài hạn giảm về 30%, khiến ngân hàng phải tăng huy động dài hạn, khiến COF đi lên.
Ngoài ra, sự cạnh tranh lãi suất cho vay giữa các ngân hàng khi Thông tư 06 được thông qua, cho phép cho vay để trả nợ ngân hàng khác, sẽ tác động tiêu cực đến NIM toàn ngành. Dù vậy, mức độ ảnh hưởng và tác động lên toàn hệ thống không lớn, chỉ xảy ra tại một vài ngành.
Nợ xấu tạo đỉnh
Về vấn đề chất lượng tài sản, các nhà phân tích dự báo tỷ lệ nợ xấu sẽ đạt đỉnh trong quý III và dần cải thiện. Chất lượng tài sản tiếp tục suy giảm trong nửa đầu năm 2023, với tỷ lệ nợ xấu của 27 ngân hàng tăng từ 1,9% trong quý I lên 2,1% trong quý II. Tuy nhiên, tốc độ tăng đã có dấu hiệu chậm lại.
Theo dự báo của KBSV, chất lượng tài sản giữa các ngân hàng bắt đầu có sự phân hóa. Những nhà băng chịu ảnh hưởng bởi thị trường bất động sản và khó khăn từ phân khúc khách hàng cá nhân như Techcombank, VPBank sẽ chịu áp lực nợ xấu lớn hơn nhóm ngân hàng có danh mục an toàn như Vietcombank, ACB.
Ngoài ra, việc NHNN ban hành Thông tư 02 cũng hỗ trợ các ngân hàng trong việc phân loại nhóm nợ, giúp giảm căng thẳng về nợ xấu. Tuy nhiên, KBSV cho rằng quy mô của đợt cơ cấu nợ này sẽ nhỏ hơn so với đợt cơ cấu do dịch COVID khi Thông tư 02 chỉ cho phép cơ cấu nợ nhóm 1.
Các nhà phân tích của KBSV kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu sẽ đạt đỉnh trong quý III và được kiểm soát trong giai đoạn cuối năm khi triển vọng kinh tế tích cực hơn, tình hình tài chính của khách hàng được cải thiện.
Kỳ vọng tín dụng tăng trưởng 11 - 12%
KBSV cho rằng tăng trưởng tín dụng khó hoàn thành mục tiêu 14%, nhưng sẽ về đích ở mức 10 - 12%. Dự đoán này dựa trên kỳ vọng rằng tiêu dùng của phân khúc khách hàng cá nhân phục hồi, nhu cầu tín dụng tích cực hơn nhờ hoạt động xuất nhập khẩu và lĩnh vực bất động sản được tháo gỡ pháp lý.
Đa phần các ngân hàng được KBSV theo dõi đều ghi nhận tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm tương đối thấp, trừ một vài nhà băng cho vay lĩnh vực bất động sản có mức tăng vượt trội như Techcombank (9,7%), HDBank (9,3%), VPBank (10,1%) và MB (10,6%).
Bên cạnh đó, cơ cấu tín dụng cũng có xu hướng dịch chuyển từ phân khúc khách hàng cá nhân sang khách hàng doanh nghiệp trong bối cảnh khách hàng cá nhân đang gặp nhiều khó khăn.
Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của tổ chức tín dụng trong quý IV/2023 do Ngân hàng Nhà nước thực hiện, các TCTD kỳ vọng dư nợ toàn hệ thống ngân hàng sẽ tăng 4,6% trong quý IV và tăng 12,3% trong cả năm 2023.