Công nghệ

Dreame chặn dùng robot hút bụi "xách tay" tại Việt Nam

Trên trang thông tin chính thức, Dreame Việt Nam cho biết việc chặn phần mềm này sẽ bắt đầu từ ngày 1/10. Hãng giải thích, các sản phẩm dành cho thị trường Trung Quốc có một số tính năng, chất liệu và hiệu quả làm sạch "không phù hợp" cho thị trường Việt Nam. "Điều này gây bức xúc, khó chịu và ảnh hưởng đến uy tín của Dreame tại thị trường Việt Nam", thông báo có đoạn.

Chính sách mới không chỉ áp dụng ở Việt Nam mà với nhiều thị trường khác trên thế giới. Các thương hiệu robot hút bụi khác từ Trung Quốc như Ecovacs Robotics hay Roborock trước đó cũng phân biệt, chặn sử dụng sản phẩm dành cho thị trường nội địa với nước ngoài.

Điều khiển robot hút bụi Dreame qua Mi Home. Ảnh: Tuấn Hưng

Điều khiển robot hút bụi Dreame qua Mi Home. Ảnh: Tuấn Hưng

Tất cả robot hút bụi của Dreame hiện đều là loại thông minh, tức có kết nối Wi-Fi và điều khiển từ xa qua ứng dụng trên smartphone. Việc không thể dùng ứng dụng sẽ ảnh hưởng lớn tới trải nghiệm người dùng, như không thể đặt lịch trình, xem bản đồ, cài đặt tường ảo, nhắc nhở thay thế phụ kiện.... với các máy nội địa Trung Quốc.

Tuy nhiên, hiện robot hút bụi của Dreame có thể điều khiển qua hai ứng dụng là Dreame Home và Mi Home của Xiaomi. Dreame chưa đưa ra thông báo về việc chặn ứng dụng Mi Home. Do đó, người mua robot Dreame từ Trung Quốc vẫn có thể dùng qua Mi Home từ sau ngày 1/10 cho đến khi hãng có thông báo mới.

Giới kinh doanh các sản phẩm gia dụng robot, máy hút bụi nhận định động thái mới của Dreame là để "chặn" nguồn hàng xách tay, vốn khá phổ biến tại thị trường Việt Nam. Do không được nhập chính ngạch, những sản phẩm cùng loại thường rẻ hơn nhiều so với hàng chính hãng. Ví dụ, mẫu robot hút bụi lau nhà tự động Dreame W10 hãng xách tay hiện rẻ hơn chính hãng tới 5 triệu đồng.

Dreame W10 hay W10 Pro hàng xách tay rẻ hơn 5 triệu đồng so với chính hãng. Ảnh: Tuấn Hưng

Dreame W10 hay W10 Pro hàng xách tay rẻ hơn 5 triệu đồng so với chính hãng. Ảnh: Tuấn Hưng

Theo ông Vũ Đức Hải, chuyên gia về sản phẩm robot, máy hút bụi, việc Dreame Việt Nam nói chặn ứng dụng vì sản phẩm "không phù hợp" là không chính xác. Ông nhận định đây là cách để Dreame tạo lợi thế cho hàng chính hãng. "Dreame Việt Nam có nhiều cách hay hơn, như tăng cường dịch vụ bảo hành, chế độ hậu mã để thu hút người dùng. Việc chặn phần mềm vô tình ảnh hưởng tới một số người dùng nhỏ lẻ thực sự mua trực tiếp hoặc nhờ người thân từ Trung Quốc mang về sử dụng", ông Hải nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Dũng, chủ một cửa hàng bán robot hút bụi ở Bắc Giang, cho rằng cách làm của Dreame là "cực chẳng đã". "Các doanh nghiệp chính hãng đóng đủ loại thuế đương nhiên ảnh hưởng tới giá bán ra sản phẩm. Việc cạnh tranh bằng giá với hàng xách tay chắc chắn là không thể. Đây có lẽ là cách tốt nhất để hãng hỗ trợ cho các đối tác nhập khẩu của mình ở nước ngoài", ông Dũng nói.

Hiện Dreame không có trung tâm bảo hành chính thức do hãng quản lý mà thông qua các nhà phân phối như của Smartlink hay Mivietnam. Mạng lưới này hiện cũng chưa nhiều, chủ yếu tại TP HCM và Hà Nội.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm