Theo Nghị quyết 57 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án Vành đai 3, nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 cho dự án là 61.056 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương 31.380 tỷ đồng, ngân sách địa phương 29.676 tỷ đồng (TP HCM 19.449 tỷ đồng, Đồng Nai 1.567 tỷ đồng, Bình Dương 7.808 tỷ đồng và tỉnh Long An 852 tỷ đồng).
Cũng theo Nghị quyết 57, Quốc hội cho phép tăng tổng mức vốn trung hạn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn vốn dự kiến tăng thu của các địa phương để thực hiện dự án Vành đai 3.
Hiện, kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của TP HCM được giao là 142.557 tỷ đồng. Số vốn này chỉ đủ để bố trí cho các dự án được chuyển tiếp, không đủ cân đối để thực hiện các dự án đầu tư mới.
Trong khi đó, UBND TP HCM có thể tự cân đối thêm được hơn 119.000 tỷ đồng từ các nguồn: Nguồn thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp; nguồn bội chi ngân sách địa phương; nguồn thu phí cảng biển; nguồn thu cổ phần hóa.
Nguồn vốn dự kiến tăng thu này đủ để đảm bảo chi cho dự án Vành đai 3 qua địa bàn TP HCM là 19.449 tỷ đồng. Nội dung này cũng đã được HĐND TP HCM thông qua nghị quyết vào tháng 4/2022 về thống nhất chủ trương triển khai dự án vành đai 3 TP HCM. Tuy nhiên, phần vốn này của thành phố chưa được Thủ tướng chấp thuận bổ sung, báo cáo Quốc hội thông qua.
Do đó, UBND TP HCM kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho TP HCM (ngoài nguồn vốn 142.557 tỷ đồng đã giao) để bổ sung cho dự án Vành đai 3.
Đường Vành đai 3 TP HCM dài hơn 76km, tổng kinh phí hơn 75.300 tỷ đồng, đi qua 4 địa phương, gồm: TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An. Dự án đã được Quốc hội và Chính phủ thông qua chủ trương, triển khai đầu tư.
Dự án có 8 dự án thành phần, mỗi địa phương thực hiện 2 dự án bao gồm xây lắp và giải phóng mặt bằng. Dự án thi công trong 36 tháng và thông xe vào tháng 10/2025, hoàn thành toàn bộ vào tháng 6/2026.