Đồng yen (JPY) gần đây tăng giá mạnh so với USD cũng như VND do Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đột ngột tăng lãi suất. Đồng tiền của Nhật Bản tăng giá gần 10% từ mức đáy so với đồng tiền của Việt Nam, hiện hơn 171 JPY/VND và quay lại mức bằng thời điểm đầu năm.
Đà tăng giá đột biến trong tháng 7-8 gây ra lo ngại cho các doanh nghiệp Việt Nam có giao dịch kinh tế lớn với các đối tác Nhật Bản hoặc có vay nợ nhiều đối với đồng tiền này.
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (Mã: ACV) được xem là công ty niêm yết đang có dư nợ vay JPY cao nhất với giá trị được quy đổi vào khoảng 10.000 tỷ đồng, bởi đây là doanh nghiệp sử dụng nhiều vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) từ Nhật.
Tính đến giữa năm 2024, ACV có đúng 4 khoản vay ODA để xây dựng các nhà ga hành khách Tân Sơn Nhất và Nội Bài. Tổng giá trị vay gần 63,5 tỷ yên Nhật (quy đổi theo tỷ giá ngày 30/6/2024 vào khoảng 9.800 tỷ đồng; riêng số dư nợ đến hạn hơn 390 tỷ đồng).
Trong đó có 3 khoản vay trong giai đoạn 2010-2013 được sử dụng để đầu tư dự án nhà ga quốc tế Nội Bài T2 với tổng giá trị 50,7 tỷ JPY. Thời hạn cho vay và trản nợ đến 40 năm. Lãi suất áp dụng chỉ khoảng 0,3-0,4%/năm và 0,21% cho chi phí tư vấn.
Khoản vay ODA còn lại dùng để xây dựng nhà ga hành khách quốc tế Tân Sơn Nhất hồi năm 2002 và có thời hạn 40 năm. Số dư nợ vay đến nay còn gần 12,8 tỷ JPY có thời hạn 40 năm. Lãi suất áp dụng 1,6%/năm (phí cho vay lại là 0,2%/năm trên số dư được trích trong lãi suất cho vay).
Thực tế, trong báo cáo nửa đầu năm, ACV hưởng lợi từ việc JPY giảm giá mạnh để ghi nhận khoản lãi chênh lệch tỷ giá cuối kỳ hơn 517 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái bị lỗ tỷ giá hơn 300 tỷ đồng).
Việc đồng yen Nhật bất ngờ mạnh lên trong tháng 7-8 có thể khiến doanh nghiệp này đảo chiều lỗ tỷ giá lớn trong thời gian tới. Với số dư vốn vay ODA xấp xỉ 10.000 tỷ đồng, mỗi biến động tăng giá 1% của JPY sẽ dẫn đến một khoản lỗ tỷ giá gần 100 tỷ đồng.
SSI Research ước tính ACV có thể ghi nhận khoản lỗ tỷ giá khoảng 500 tỷ đồng trong nửa cuối năm 2024 nếu nếu tỷ giá JPY/VND vẫn giữ nguyên như mức hiện tại (bằng với đầu năm), đồng nghĩa sẽ xóa sạch thành quả hưởng lợi từ đầu năm.
Xét về tổng thể, chuyên gia phân tích cho rằng biến động của đồng yen mặc dù lớn và bất ngờ, nhưng không thấy có tác động quá lớn đến ACV, do không gây bất lợi về mặt lợi nhuận kế toán nếu nhìn vào kết quả cả năm.
Thậm chí, SSI Research cho rằng ngay cả trong trường hợp nếu đồng yen tăng giá tiếp 5%, khoản lỗ tỷ giá thêm 500 tỷ đồng vẫn khá nhỏ so với mức lợi nhuận trước thuế hiện tại của công ty khoảng 14.000-15.000 tỷ đồng/năm và đang tiếp tục tăng lên.
Tính từ đỉnh, giá cổ phiếu ACV đã giảm gần 20% do tâm lý thị trường kém tích cực, cũng như tâm lý xung quanh đồng yen và khả năng lỗ tỷ giá. Theo quan điểm của SSI Research, biến động giá cổ phiếu hiện tại không liên quan trực tiếp đến các yếu tố cơ bản của công ty.
Về mặt cơ bản, nhóm chuyên gia duy trì ước tính lợi nhuận trước thuế ACV sẽ tăng trưởng 38% trong năm 2024 và 20% giai đoạn 2025-2026. Dự phóng dựa trên giả định hành khách quốc tế sẽ tiếp tục tăng 15% mỗi năm từ năm 2025, sau khi hoàn toàn trở lại mức trước COVID-19 vào năm 2024. Thực tế, lợi nhuận bán niên cũng tăng 28% đạt khoảng 6.900 tỷ đồng.
Ở khía cạnh ngược lại, đồng Yên tăng giá lại là cơ hội cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sang Nhật như Thực phẩm Sao Ta, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, Tập đoàn FPT hay các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ, dệt may, nông sản...
Chẳng hạn, mỗi năm Tập đoàn FPT (Mã: FPT) thu về vài trăm triệu USD (380 triệu USD năm 2023) giá trị dịch vụ gia công phần mềm sang Nhật, nên với mức tăng giá 1% của đồng yen, doanh số xuất khẩu của doanh nghiệp này có thể tăng thêm khoảng vài triệu USD.
Dù vậy, tác động này không thể hiện rõ ràng bởi quy doanh thu lớn của FPT hiện đã hơn 50.000 tỷ đồng và có lãi trước thuế hơn 9.200 tỷ đồng trong năm ngoái, thậm chí tiếp tục tăng trưởng cao trong năm 2024.
Thêm nữa, tập đoàn này đã vay nợ bằng đồng yen (8,3 triệu yen tính đến cuối quý II) để phòng ngừa cho doanh thu bằng đồng JPY (35,9 triệu JPY trong nửa đầu năm 2024). FPT ước tính biên lợi nhuận chỉ có thể cải thiện 50 điểm cơ bản cho mỗi 10% tăng giá của đồng Yên.
Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC) hiện xuất khẩu nhiều nhất vào thị trường khó tính Nhật Bản với tỷ trọng đến 40% trên tổng lượng hàng công ty xuất bán ra thế giới.
Mặc dù Sao Ta ghi nhận doanh thu theo USD tại thị trường Nhật nhưng tỷ giá JPY/USD tăng vẫn giúp công ty quy đổi được nhiều USD hơn và thu được về nhiều VND hơn. Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận thấy giá bán của công ty vẫn hưởng lợi theo cặp tỷ giá JPY/VND tăng.