Đây là chia sẻ của GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) tại Lễ công bố báo cáo thường niên FDI năm 2023 với chủ đề “Trước thách thức và cơ hội mới - Thu hút FDI chất lượng hơn, hiệu quả hơn".
Theo ông Mại, dòng vốn FDI toàn cầu sau khi giảm 12% vào năm 2022 đã tăng 3% trong năm 2023 đạt mức 1.370 tỷ USD. Trong đó, FDI vào các nước đang phát triển tăng nhẹ, đáng lưu ý là FDI vào lĩnh vực tăng trưởng xanh tại các nước đang phát triển tăng tới 37% so với năm 2022. Trên thị trường vốn toàn cầu, tài chính xanh tăng trưởng mạnh, trái phiếu bền vững tăng 5 lần trong 5 năm từ 2018 - 2023.
Trong bối cảnh đó, tại Việt Nam, doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước đã đầu tư khoảng 9 tỷ USD trong các ngành liên quan đến tăng trưởng xanh như: Năng lượng tái tạo, xử lý chất thải rắn, nước thải, khí thải, sản xuất máy móc, thiết bị phục vụ cho kinh tế xanh, chiếm khoảng 2% GDP với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 10 - 13%.
"Nếu trước đây các doanh nghiệp thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh gặp rất nhiều thách thức thì hiện nay đã biến thành lợi thế cạnh tranh, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế đầu tư, sản xuất và kinh doanh, đồng thời bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên có hạn", ông Mại đánh giá.
Những hạn chế cần sớm khắc phục
Mặc dù nguồn vốn FDI vào Việt Nam đang tăng mạnh song cũng có những hạn chế cần sớm được khắc phục. Báo cáo thường niên FDI năm 2023 cho biết, trong năm 2023, vốn FDI đăng ký vào Việt Nam tăng mạnh, đạt 36,61 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022.
“Các tổ chức quốc tế và nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao môi trường đầu tư của Việt Nam do ổn định chính trị, kinh tế vĩ mô, an ninh, an toàn xã hội, thị trường mở rộng nhờ thu nhập của người dân tăng nhanh, khoảng 25 - 30 triệu thuộc tầng lớp trung lưu, chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng đòi hỏi của chuyển đối sang tăng trưởng xanh, kinh tế số, trong khi tiền công chỉ bằng khoảng 1/2 một số nước ASEAN”, ông Mại nêu rõ.
Tuy nhiên, các tổ chức này cũng chỉ ra những hạn chế về môi trường đầu tư mà Việt Nam cần sớm khắc phục như: Thủ tục hành chính chưa minh bạch, thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư vẫn còn dài làm tăng chi phí đầu tư kinh doanh; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao; tiến trình chuyển đổi xanh vẫn còn chậm, cơ sở hạ tầng vẫn còn những bất cập, nhất là việc ổn định cung cấp điện.
"Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Châu Âu đều khuyến nghị về việc đảm bảo nguồn cung điện năng cho các doanh nghiệp. Nếu không lưu ý đúng mức thì Việt Nam không thể thu hút được dòng vốn FDI chất lượng cao, đặc biệt là lĩnh vực bán dẫn mà chúng ta đang có nhiều lợi thế’, ông Mại quan ngại.
Về giải pháp, ông Mại cho rằng Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, luật pháp, sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành các luật và nghị quyết đã được Quốc hội thông qua như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Nghị quyết của Quốc hội về thực thi Thuế tối thiểu toàn cầu...
Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa kết cấu hạ tầng, nhất là năng lượng, hạ tầng số, giao thông vận tải, thúc đẩy cải cách nền hành chính quốc gia và tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
"Hướng mạnh FDI vào các ngành công nghệ cao, trong đó có công nghiệp bán dẫn, tăng cường kết nối chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp FDI, nhất là các tập đoàn xuyên quốc gia", Chủ tịch VAFIE đề xuất.