Bất động sản

Động thái mới của nhà đầu tư “ôm” đất Củ Chi, Hóc Môn, Cần Giờ sau thông tin 5 huyện ngoại thành quy hoạch lên thành phố

Động thái mới của nhà đầu tư “ôm” đất Củ Chi, Hóc Môn, Cần Giờ sau thông tin 5 huyện ngoại thành quy hoạch lên thành phố- Ảnh 1.

Những ngày qua, thông tin Thủ Tướng kí quyết định duyệt quy hoạch Tp.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vẫn chưa hết “nóng”. Tp.HCM là đô thị đặc biệt với 1 khu vực đô thị trung tâm và 6 đô thị trực thuộc. Đáng chú ý, huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ được quy hoạch là 5 đô thị vệ tinh, cơ bản đạt tiêu chuẩn để nâng cấp lên thành phố sau năm 2030.

Thông tin này ngay lập tức được chú ý bởi các khu vực này vốn là “điểm nóng” bất động sản được nhà đầu tư quan tâm suốt thời gian qua. Không ít nhà đầu tư vẫn “ôm” tài sản tại đây và kì vọng cú hích để “bật giá” trong giai đoạn tới.

Trong giai đoạn nửa cuối năm 2022 đến cuối năm 2023, nơi đây đã diễn ra tình trạng nhà đầu tư bán tháo, giảm giá bất động sản để thu dòng tiền. Tuy nhiên, bối cảnh thị trường chung trầm lắng khiến thanh khoản chậm nhịp. Nhiều nhà đầu tư thậm chí bán lỗ tài sản từ 20-30% vẫn không bán được. Đến đầu năm 2024 đến nay, khi hoạt động thị trường có phần hồi phục đã khiến mức độ giảm giá “hạ nhiệt”. Nhà đầu tư gửi môi giới bán ra ngang giá với giá đầu năm 2022 hoặc giảm từ 10-15%. Dẫu vậy, thanh khoản so với giai đoạn trước vẫn ì ạch.

Động thái mới của nhà đầu tư “ôm” đất Củ Chi, Hóc Môn, Cần Giờ sau thông tin 5 huyện ngoại thành quy hoạch lên thành phố- Ảnh 2.

Nhà đầu tư kì vọng bước sang năm 2025, giá đất Củ Chi, Hóc Môn, Củ Chi sẽ hồi phục trở lại. Ảnh: TB

Gần đây, thông tin tích cực về quy hoạch phần nào tác động đến tâm lý nhà đầu tư. Thay vì ở trạng thái tìm mọi cách bán ra, một số nhà đầu tư cố giữ hàng để chờ cơ hội từ năm 2025 trở đi.

Anh Ph, một nhà đầu tư mua đất Củ Chi từ cuối năm 2021, sau nhiều lần rao bán giảm giá bất thành, đến nay anh quyết định giữ lại tài sản để chờ thị trường tốt lên từ năm 2025. Theo nhà đầu tư này, trong bối cảnh thị trường chưa hoàn toàn khởi sắc, việc ra hàng không dễ dàng. Vào giai đoạn giữa năm 2023, anh giảm giá tài sản đến gần 30% nhưng vẫn không có người mua. Đầu năm 2024, anh rao bán ngang giá mua vào, có một số người vào hỏi nhưng chưa “chốt” được giao dịch. Nhà đầu tư này kì vọng bước sang năm 2025 với nhiều thông tin tích cực từ thị trường, việc mua bán sẽ diễn ra tốt hơn, giá sẽ bật tăng trở lại.

Việc nhà đầu tư ôm đất và chờ giá tăng suốt nhiều năm không hiếm gặp ở 5 huyện ngoại thành Tp.HCM. Không ít trường hợp rao bán nhưng “ế” nên đành giữ tài sản chờ thị trường. Một số khác cần dòng tiền gấp nên hạ giá sâu để bán. Theo các môi giới, tài sản nhà đầu tư gửi bán thời điểm này phần lớn vẫn thấp hơn giá thị trường cuối năm 2021 trên dưới 20%, nhưng không phải tài sản nào cũng ra nhanh. Một số nền đất nông nghiệp, đất vườn chủ đất gửi bán từ đầu năm 2023 đến nay vẫn chưa thể giao dịch. Hoạt động mua bán chưa trở lại đồng đều ở các khu vực khiến thanh khoản thị trường nhìn chung còn chậm nhịp.

Cả nhà đầu tư lẫn môi giới đều kì vọng bước sang năm 2025 khi nhiều thông tin tích cực cùng lúc xuất hiện, luật mới “thẩm thấu” thị trường sẽ khiến bất động sản các huyện ngoại thành Tp.HCM lấy lại “phong độ” như giai đoạn trước.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm