Theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1-1-2025, người điều khiển ô tô không chấp hành đèn tín hiệu giao thông sẽ bị xử phạt 18-20 triệu đồng; với xe máy sẽ bị phạt 4-6 triệu.
Song có một số trường hợp pháp luật quy định phương tiện vượt đèn đỏ mà không bị xử phạt như xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ; xe quân sự, công an, cứu thương đi làm nhiệm vụ khẩn cấp...
Nhiều bạn đọc đặt ra giả sử các phương tiện bình thường buộc vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe ưu tiên thì có bị xử phạt không?
Theo luật sư Đào Thị Bích Liên, Văn phòng Luật sư Hà Hải và Cộng sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính.
Cụ thể là thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết; thực hiện hành vi vi phạm hành chính do phòng vệ chính đáng; thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất ngờ; thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất khả kháng; người thực hiện hành vi vi phạm hành chính không có năng lực trách nhiệm hành chính; người thực hiện hành vi vi phạm hành chính chưa đủ tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
Ngoài ra, luật này cũng quy định cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính.
Như vậy, người tham gia giao thông trong trường hợp cấp thiết, bất ngờ, bất khả kháng thuộc trong các trường hợp nêu trên thì được phép vượt đèn đỏ.
Tuy nhiên, giả sử trong trường hợp nếu người điều khiển phương tiện vượt đèn đỏ vì nhường đường cho xe ưu tiên hoặc trong tình huống cấp thiết, bất ngờ, bất khả kháng mà bị Cảnh sát giao thông thổi phạt thì các bước cần thực hiện là cần trình bày lý do vượt đèn đỏ, chẳng hạn như để nhường đường cho xe ưu tiên để đảm bảo an toàn giao thông; cung cấp chứng cứ hình ảnh hoặc video từ camera hành trình trên xe ( nếu có) hoặc nhân chứng ghi lại thông tin của họ để làm chứng….
Nếu Cảnh sát giao thông vẫn tiến hành lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính thì người điều khiển phương tiện giao thông có thể ghi rõ ý kiến của mình trong biên bản về lý do chính đáng khi vượt đèn đỏ. Người bị xử phạt có quyền chứng minh mình không vi phạm, điều này đòi hỏi sự chủ động từ phía người điều khiển trong việc cung cấp bằng chứng và lý do chính đáng.
Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là không đúng theo quy định pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
Cũng cần lưu ý thêm là cá nhân và tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính kể cả khi có khiếu nại hoặc khởi kiện đối với quyết định xử phạt đó. Việc chấp hành này không áp dụng đối với các trường hợp được quy định tại khoản 3 Điều 15 của Luật Xử lý vi phạm hành chính (ví dụ, có quyết định tạm đình chỉ hoặc hoãn thi hành).
Trong trường hợp bản án có hiệu lực pháp luật ra quyết định về quyết định xử phạt vi phạm hành chính là không đúng quy định pháp luật thì cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét việc khôi phục quyền lợi cho đối tượng bị xử phạt.