Tài chính

Đối thủ phương Tây lũ lượt rời đi, "gã khổng lồ" Mỹ quyết bám trụ tại Nga: Thành - bại đã rõ

Theo tờ Financial Times (Anh), SLB - trước đây được gọi là Schlumberger - là công ty khoan dầu ngoài khơi lớn nhất thế giới, có trụ sở tại Houston, Mỹ. Công ty này vẫn tiếp tục hoạt động ở Nga sau khi chiến sự tại Ukraine bùng nổ vào năm 2022, ngay cả khi các gã khổng lồ dầu mỏ khác rời khỏi Nga.

Đối thủ phương Tây lũ lượt rời đi, 'gã khổng lồ' Mỹ quyết bám trụ tại Nga: Thành - bại đã rõ- Ảnh 1.

Năm 2023, hoạt động kinh doanh tại Nga đã đóng góp 5% trong tổng doanh thu 33,1 tỷ USD của SLB. Ảnh: Alamy

Financial Times đã xem được những tài liệu mà tổ chức phi lợi nhuận Global Witness có được. Những tài liệu đó cho thấy SLB vào tháng 12/2023 đã ký hợp đồng với Vnigni - một tổ chức do nhà nước Nga tài trợ - tiến hành nghiên cứu địa chất để sản xuất nhiên liệu hóa thạch.

SLB đã đăng tuyển hơn 1.000 việc làm mới tại Nga kể từ tháng 12/2023. Các vị trí tuyển dụng bao gồm lái xe, nhà hóa học và nhà địa chất.

Theo Financial Times, năm 2023, hoạt động kinh doanh tại Nga đã đóng góp 5% trong tổng doanh thu 33,1 tỷ USD của SLB.

Theo hãng tin này, cơ sở dữ liệu doanh nghiệp của Nga cũng cho thấy SLB đã đăng ký hai nhãn hiệu mới vào tháng 7/2024.

SLB từng tuyên bố vào tháng 7/2023 rằng họ sẽ ngay lập tức dừng việc vận chuyển sản phẩm và công nghệ từ các cơ sở của mình đến Nga để tuân thủ các lệnh trừng phạt ngày càng tăng đối với ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga. Trong thông báo của mình, SLB đã tham gia "cộng đồng quốc tế lên án và kêu gọi chấm dứt chiến tranh ở Ukraine".

Hồ sơ hải quan của Nga cho thấy, mặc dù SLB đã ngừng nhập khẩu vật tư từ các cơ sở của công ty này ở nước ngoài, nhưng họ vẫn tiếp tục nhập khẩu sản phẩm và công nghệ từ các nguồn khác. Trong số 17,5 triệu USD thiết bị được vận chuyển đến Nga từ tháng 8 đến tháng 12/2023, 2,2 triệu USD được cho là có liên quan đến SLB.

Một nguồn tin giấu tên thân cận với gã khổng lồ dầu mỏ cho biết, những thiết bị này không được sản xuất tại chính cơ sở của SLB, điều này khiến các lô hàng phù hợp với tuyên bố của công ty từ năm 2023.

Trên thực tế, những thiết bị được giao trong khoảng thời gian 5 tháng, theo nguồn tin của Financial Times là đến từ Trung Quốc và Ấn Độ, trong đó phần lớn đến từ Trung Quốc.

Cơ quan Phòng chống Tham nhũng Quốc gia Ukraine (NACP) đã xếp loại SLB là "nhà tài trợ chiến tranh quốc tế" vì hoạt động kinh doanh liên tục của họ tại Nga.

Tờ báo kinh doanh Vedomosti (Nga) hồi tháng 4 cho biết, lợi nhuận của SLB tại Nga trong năm ngoái đã tăng gấp 4 lần so với năm 2022.

Chưa có ý định rời khỏi Nga

Theo đài RT (Nga), các đối thủ chính của SLB, bao gồm Halliburton có trụ sở tại Texas và Baker Hughes có trụ sở tại Houston, đã đình chỉ hoạt động tại Nga vào năm 2022 trong bối cảnh hàng loạt doanh nghiệp phương Tây rút khỏi nước này do lo ngại tác động từ các lệnh trừng phạt.

SLB cũng cho biết vào thời điểm đó rằng họ đã đình chỉ đầu tư mới và triển khai công nghệ tại Nga. Tuy nhiên, họ nói thêm rằng vẫn sẽ tiếp tục hoạt động hiện tại của mình, tuân thủ luật pháp và lệnh trừng phạt quốc tế.

Olivier Le Peche - Giám đốc điều hành SLB - trả lời phỏng vấn Financial Times vào tháng 3 năm nay rằng, công ty vẫn chưa có ý định rời khỏi Nga bất chấp áp lực từ các lệnh cấm vận của phương Tây.

Đối thủ phương Tây lũ lượt rời đi, 'gã khổng lồ' Mỹ quyết bám trụ tại Nga: Thành - bại đã rõ- Ảnh 2.

Lợi nhuận của SLB tại Nga trong năm ngoái đã tăng gấp 4 lần so với năm 2022. Ảnh: Sputnik

Các nước G7 đã áp đặt mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu thô của Nga cách đây 2 năm như một phần của lệnh trừng phạt liên quan đến chiến dịch quân sự của nước này tại Ukraine.

Tuy nhiên, việc thực thi lệnh trừng phạt nhìn chung đã không đạt được mục tiêu kìm hãm nền kinh tế Nga. Ngân hàng Thế giới (WB) vào tháng trước đã đưa Nga vào danh sách các quốc gia có thu nhập cao, lần đầu tiên kể từ năm 2015.

Theo RT, sau lệnh cấm vận dầu mỏ của Mỹ và EU đối với Nga, Moscow bắt đầu xuất khẩu nhiên liệu sang các nước ở Châu Á và Châu Phi; Trung Quốc và Ấn Độ đã trở thành khách hàng hàng đầu của nước này.

Trong khi đó, theo Financial Times, ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga là động lực kinh tế chính của cuộc chiến của Moscow tại Ukraine. Do đó, Ukraine đã thực hiện những nỗ lực tấn công nhắm vào hoạt động sản xuất dầu của Nga bằng máy bay không người lái tầm xa.


Cùng chuyên mục

Đọc thêm