Doanh nghiệp

Doanh thu xuất khẩu tháng 6 của Vĩnh Hoàn tiếp tục sa sút, thị trường nội địa là điểm sáng

CTCP Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) vừa công bố doanh thu tháng 6/2023 với 846 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 11% so với tháng 5 trước đó.

 Nguồn: Tổng hợp từ công bố thông tin của công ty. 

Về cơ cấu doanh thu, mảng cá tra vẫn tiếp tục suy giảm, với mức giảm 22% còn 475 tỷ đồng, đóng góp 56% vào doanh thu chung của công ty. Các sản phẩm phụ, chăm sóc sức khỏe và sản phẩm giá trị gia tăng cũng sụt giảm, lần lượt 43%, 42% và 15%. Bù lại, mảng bánh phồng tôm, bún gạo và khác tăng trưởng hai đến ba chữ số, nhưng mức đóng góp không nhiều.

  Nguồn: Tổng hợp từ công bố thông tin của công ty. 

Xét về thị trường, doanh thu từ Mỹ, Trung Quốc và châu Âu đồng loạt giảm hai chữ số, lần lượt 25%, 24% và 32%. Bù lại, Việt Nam mang về 267 tỷ đồng doanh thu và trở thành thị trường đóng góp chính vào doanh thu tháng 6 cho Vĩnh Hoàn.

  Nguồn: Tổng hợp từ công bố thông tin của công ty. 

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản trong tháng 6/2023 ước đạt gần 800 triệu USD, giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu cá tra ước đạt 156 triệu USD, vẫn thấp hơn 26%. Lũy kế 6 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra ước đạt trên 885 triệu USD, thấp hơn 38% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Ngoài những khó khăn từ phía thị trường tiêu thụ kém, xuất khẩu cá tra, tôm,... bị sụt giảm lợi nhuận vì giá thức ăn, con giống và các chi phí đầu vào tăng cao, giá thành cao, trong khi giá bán hạ mà vẫn khó tiêu thụ, dẫn đến tồn kho càng khiến cho chi phí đội lên…

Trong báo cáo mới nhất, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết trước tình hình khó khăn tại các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ và Châu Âu, Vĩnh Hoàn dự kiến dừng tăng giá bán và nâng cao chất lượng sản phẩm để nâng cao khả năng cạnh tranh.

Song, công ty vẫn kỳ vọng nhu cầu cá tra sẽ phục hồi từ quý IV/2023 khi trữ lượng hàng tồn kho giảm dần, đồng thời nhu cầu nhập khẩu cá sẽ được cải thiện khi các dịp lễ bên phương Tây đến gần.

Bên cạnh đó, đơn vị phân tích cho rằng trong năm nay, Vĩnh Hoàn sẽ mở rộng các phân khúc khác để bù đắp cho mảng cá tra đang bước vào chu kỳ giảm. Cụ thể, nhà máy Nông sản thực phẩm Thành Ngọc dự kiến sẽ cho ra sản phẩm thương mại trong nửa cuối năm 2023 với doanh thu dự kiến là 350 tỷ đồng và biên lợi nhuận gộp khoảng 15%.

Ngoài ra, công ty cũng đang lên kế hoạch mở rộng dây truyền sản xuất nhà máy Collagen & Gelatin với biên lợi nhuận gấp đôi so với mảng cá tra.

Với mảng gạo, sau khi dự án xí nghiệp Sa Giang 3 hoàn thành, Sa Giang đã tận dụng thương hiệu của mình để nâng cao sản lượng tiêu thụ ở cả thị trường xuất khẩu và nội địa.

Ngoài ra, trong năm 2022, Vĩnh Hoàn đã hoàn thành nhà máy Surimi, sản xuất các loại thanh cua ăn liền, với công suất 5.000 tấn/ năm. Dòng sản phẩm này dự kiến sẽ đóng góp cho doanh thu sản phẩm giá trị gia tăng của công ty khoảng 95 tỷ đồng trong năm 2023.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm