CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (Mã: TNG) cho biết doanh thu tiêu thụ trong 1/2024 đạt 523 tỷ đồng, tăng 126 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, tương đương tăng gần 32%.
Ngay từ đầu năm 2024, TNG cho biết đã ký các đơn hàng may xuất khẩu với nhiều đối tác như: Decathlon, Columbia, The Children's Place, Sportmaster, Costco, Nike, Adidas…
Nhìn lại năm 2023, TNG là số ít trong các doanh nghiệp dệt may hoàn thành và vượt kế hoạch cả năm 2023 trong bối cảnh xuất khẩu toàn ngành gặp khó. Doanh thu tiêu thụ năm ngoái của TNG đạt 7.085 tỷ đồng, hoàn thành 104% kế hoạch năm, tăng gần 5% so với năm 2022. Đây cũng là kết quả cao nhất của công ty kể từ khi niêm yết trên sàn (2007).
Trong cơ cấu doanh thu xuất khẩu của TNG, Mỹ chiếm tỷ trọng lớn nhất với hơn 53%, kế đến là EU với 22%, Nga đóng góp 6% và còn lại là các thị trường khác.
Tuy nhiên do áp lực từ các chi phí lãi vay và chi phí hoạt động leo thang, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp còn 226 tỷ đồng, giảm gần 23%
Năm 2023, ngành dệt may trải qua giai đoạn khó khăn kéo dài chưa từng có, do bị tác động bởi nhiều yếu tố. Suy thoái kinh tế, lạm phát tăng kỷ lục ở các thị trường xuất khẩu trọng điểm của ngành dệt may như Mỹ, EU… đã khiến các doanh nghiệp quy mô từ lớn đến nhỏ, chuỗi giá trị hay gia công đều chịu ảnh hưởng nặng nề.
Những áp lực về đơn hàng, giá, giao hàng, chi phí sản xuất, việc làm cho người lao động, cạnh tranh từ bên ngoài và nội bộ, cơ chế chính sách không theo kịp xu thế... cũng là những thách thức mà ngành dệt may đã phải đối mặt trong năm 2023.
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex - Mã: VGT) nhận định "năm 2024 vẫn tiếp tục là năm thử thách với ngành dệt may Việt Nam. Vì vậy, không chủ quan trước những thuận lợi mới xuất hiện, không tự mãn nhưng cũng không buông xuôi trước khó khăn". Đồng thời ông Trường cũng kỳ vọng năm 2024 sẽ là năm quay trở lại của ngành dệt may Việt Nam.
Năm 2024, bên cạnh dự báo nền kinh tế thế giới và Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, ngành dệt may còn phải đối diện với hàng loạt khó khăn từ việc áp dụng cơ chế EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) và CBAM (cơ chế điều chỉnh biên giới carbon) cũng như Chiến lược “thời trang bền vững” thay cho “thời trang nhanh”, Chỉ thị tra soát chuỗi cung ứng của OECD của EU; Luật thẩm định chuỗi cung ứng của Đức...
Hơn nữa, đơn hàng xuất khẩu dự kiến tiếp tục giảm, xu thế số lượng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh, chuỗi cung ứng còn rủi ro, chi phí đầu vào cao. Cùng với đó là rủi ro nghĩa vụ trả nợ, rủi ro lãi suất, tỷ giá giảm. Xu hướng chuyển đổi số, kinh doanh tuần hoàn diễn ra nhanh… là những vấn đề đặt ra với dệt may thời gian tới.
Theo kế hoạch, năm 2024 ngành dệt may Việt Nam phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD, tăng 9% so với năm ngoái.