Quản trị

Doanh thu lao dốc, các hãng công nghệ Trung Quốc run rẩy sa thải hàng chục nghìn nhân viên

Hàng chục nghìn nhân sự Alibaba, Tencent như cá nằm trên thớt - Ảnh 1.

Thị trường lao động Trung Quốc đứng trước sóng gió. (Ảnh: SCMP).

Theo Reuters, trước áp lực từ chính sách siết chặt đến từ chính phủ Trung Quốc, nhiều tập đoàn công nghệ lớn như Alibaba, Tencent đang đứng trước đợt cắt giảm nhân sự vô cùng lớn, con số lên tới hàng chục nghìn việc làm trong năm nay.

Alibaba chưa có mục tiêu cụ thể sẽ cắt giảm bao nhiêu lao động nhưng ông lớn TMĐT này có thể sẽ cắt giảm hơn 15% nhân sự, tương đương 39.000 vị trí. Tencent dự kiến sẽ cắt giảm 10-15% số lượng nhân viên trong năm nay, theo nguồn thạo tin của Reuters. Hiện cả hai ông lớn trên vẫn chưa đưa ra bình luận về thông tin trên.

Đây được xem là đợt cắt giảm lớn nhất kể từ khi giới công nghệ Trung Quốc bị chính quyền siết vòng kim cô nhằm kìm cương tốc độ tăng trưởng nhanh đến chóng mặt của các tập đoàn công nghệ đất nươc tỷ dân này. Rõ ràng, nhiều đại gia công nghệ Trung Quốc đã thực sự ngấm đòn và nhìn thấy tác động to lớn của chính sách siết chặt đến từ chính quyền.

Đại gia cũng run rẩy

Tốc độ tăng trưởng doanh số của hàng loạt công ty chậm lại sau nhiều năm tăng trưởng liên tục, giá cổ phiếu giảm. Bên cạnh đó, việc huy động vốn hóa và mở rộng kinh doanh cũng gặp khó. Điều này tác động lớn đến nỗi các ông lớn như Tencent hay Alibaba buộc phải cắt giảm chi phí hoạt động. 

Theo nguồn tin của Reuters, Alibaba đã bắt đầu thảo luận và lên kế hoạch sa thải nhân viên từ tháng 2. Đáng chú ý, mảng tiêu dùng địa phương gồm dịch vụ giao đồ ăn Ele.me và các dịch vụ giao hàng, lập bản đồ hàng tạp hóa khác, dự định sa thải tới 25% nhân viên của mình.

Trong khi đó, đơn vị phát trực tuyến video Youku của công ty cũng đang lên kế hoạch sa thải, nhóm sản xuất các chương trình cho trẻ em đang nằm trong tầm ngắm.

Vào tháng 2, Alibaba đã báo cáo mức tăng trưởng doanh thu hàng quý chậm nhất kể từ khi niêm yết vào năm 2014, do doanh số bán hàng ở mảng kinh doanh cốt lõi của công ty giảm, trong khi cạnh tranh ngày càng gay gắt. 

Cổ phiếu của công ty đã giảm hơn 60% kể từ đầu năm ngoái. Công ty đã phải chịu áp lực kể từ cuối năm 2020 khi người sáng lập tỷ phú Jack Ma công khai chỉ trích hệ thống quản lý của Trung Quốc.

"Ếch chết tại miệng" chính là câu thành ngữ mà tỷ phú Jack Ma thấm thía nhất. Người từng được giới trẻ Trung Quốc tôn sùng như một biểu tượng giờ gần như mất tích trên truyền thông. Công ty của ông liên tiếp nhận tin không vui, khoản phạt lên tới 2,8 tỷ USD đến từ chính quyền cùng với việc không được IPO của Ant Group đã giáng một đòn mạnh vào thế lực lớn như Alibaba.

Trong khi đó, kế hoạch sa thải nhân sự của Tencent lại liên quan phần nhiều tới các mảng kinh doanh thua lỗ hoặc ít sinh lời của công ty như Tencent Video hay Tencent Cloud. Trong cuộc họp nội bộ tại Tencent vào cuối năm 2021, CEO Pony Ma đã nói với nhân viên rằng công ty nên chuẩn bị cho một "mùa đông", ám chỉ nỗi bất an của nhân viên về vị trí của họ. Tencent có 94.182 nhân viên vào tháng 6 năm ngoái so với 70.756 vào năm 2020, theo báo cáo tạm thời năm 2021. 

Hai công ty Công nghệ lớn có giá trị nhất của đất nước, Alibaba Group Holding, có hơn 250.000 nhân viên và Tencent Holdings có 107.000 nhân viên.

Công ty gọi xe lớn nhất Trung Quốc Didi Global cũng đang có kế hoạch giảm tổng số nhân viên của mình xuống 15% do hoạt động kinh doanh trong nước của họ bị ảnh hưởng bởi quy định siết chặt của chính quyền. Didi là công ty đã bị điều tra an ninh mạng sau khi niêm yết 4,4 tỷ USD tại New York vào năm ngoái. Theo nguồn tin, họ có thể dự định lên kế hoạch sa thải nhân sự vào tháng 3.

Áp lực cho thị trường lao động

Theo SCMP, cơn bão sa thải nhân sự liên quan đến công nghệ từ sáng tạo nội dung đến dạy thêm đang chuyển thành nỗi lo về làn sóng thất nghiệp mới, có thể sánh ngang với thời điểm hàng triệu lao động nhập cư nông thôn bị mất việc giữa khủng hoảng tài chính năm 2008. 

Khoảng 10 triệu sinh viên Trung Quốc mới tốt nghiệp sẽ tham gia thị trường việc làm vào mùa hè này, bổ sung vào đội quân tìm việc trẻ ngày càng tăng của Trung Quốc, vào thời điểm kinh tế đang gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine và sự lan rộng của đại dịch COVID-19 tại quốc gia tỷ dân. Một cuộc khảo sát từ trang web tuyển dụng Trung Quốc, Zhaopin cho thấy hơn 1/4 sinh viên mới tốt nghiệp vẫn muốn làm việc cho một công ty CNTT. Đứng thứ hai là bất động sản, với tỷ lệ 10%.

Theo ông Wang Peng, phó giáo sư tại Đại học Renmin của Trung Quốc, việc cắt giảm việc làm tại các Big Tech có thể gây ra bất ổn kinh tế nghiêm trọng, vì nền kinh tế kỹ thuật số đã chiếm tỷ trọng lớn trong GDP của Trung Quốc trong những năm gần đây.

Báo cáo của Zhaopin cho thấy một nửa số người được khảo sát cho biết công ty của họ đã sa thải nhân viên vào năm 2021 và 1/4 trong số đó cho biết họ bị ảnh hưởng trực tiếp. 

Hàng chục nghìn nhân sự Alibaba, Tencent như cá nằm trên thớt - Ảnh 2.

Nhiều ông lớn công nghệ Trung Quốc điêu đứng vì bị Bắc Kinh siết vòng kim cô. (Ảnh: Reuters).

Quan điểm cứng gắn trong việc hạn chế chơi game ở trẻ vị thành niên, bảo vệ các nội dung liên quan đến giới trẻ và chống độc quyền, lạm dụng thông tin người dùng... của chính quyền Bắc Kinh đang tàn phá thị trường lao động Trung Quốc, theo SCMP nhận định.

Đơn cử, hoạt động dạy thêm cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở đã bị bóp nghẹt hoàn toàn. Ngành công nghiệp trước đây đã cung cấp việc làm cho khoảng 10 triệu người đang đứng trước sóng gió vô cùng lớn. Ông lớn trong ngành này, New Oriental Education & Technology Group đã sa thải 60.000 người vào năm 2021.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm