Sở giao dịch chứng khoán TPHCM vừa có thông báo về việc hủy niêm yết với cổ phiếu VIS của Công ty cổ phần Thép Việt – Ý.
Theo đó, hơn 73,8 triệu cổ phiếu VIS sẽ bị hủy niêm yết từ 22/4 và phiên giao dịch cuối cùng là ngày 21/4. Nguyên nhân hủy niêm yết là công ty bị hủy tư cách công ty đại chúng theo thông báo của UBCK.
Vào đầu năm, Thép Việt – Ý đã lấy ý kiến cổ đông việc hủy niêm yết cổ phiếu do cơ cấu cổ đông có 2 cổ đông lớn nắm 93,81% vốn gồm Kyoel Steel LDT (73,8%) và Công ty Thương mại Thái Hưng (20%), không đáp ứng điều kiện tối thiểu 10% vốn do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải cổ đông lớn nắm giữ theo Luật Chứng khoán 2019.
Cũng theo Thép Việt Ý, việc hủy tư cách công ty đại chúng và hủy niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán giúp công ty không bị mất đi cơ hội kinh doanh tại thị trường miền Bắc, nơi có sự cạnh tranh khốc liệt hơn trong tương lai và tại thị trường Việt Nam nói chung, nơi được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ổn định.
Đồng thời, mức độ ban hành những quyết sách trong công tác điều hành và quản lý sẽ được thực hiện nhanh chóng; giảm chi phí và cải thiện hiệu quả bằng cách loại bỏ các thủ tục bắt buộc đối với các công ty đại chúng/công ty niêm yết.
Thép Việt ý là doanh nghiệp được thành lập từ cuối năm 2003. Chỉ 3 năm sau, công ty này đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán. Từ khi thành lập đến nay, Thép Việt Ý đã trải qua 6 lần tăng vốn điều lệ, từ 30 tỷ đồng lên 738 tỷ đồng thời điểm hiện tại.
Thị trường hoạt động chính của Thép Việt Ý là Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh. Năm 2021 vừa qua, công ty đạt kết quả khả quan trong 6 tháng đầu năm, nhưng bị tác động mạnh bởi dịch bệnh Covdi-19 trong 6 tháng cuối năm. Vì vậy, kết thúc năm 2021, Thép Việt Ý lỗ trước thuế 133 tỷ đồng dù doanh thu tăng lên 5.821 tỷ đồng.
Với việc lỗ lớn 3/4 năm gần đây, Thép Việt Ý đang lỗ lũy kế 647 tỷ đồng. Rộng hơn, trong 10 năm gần đây, thép Việt Ý có tới 6 năm báo lỗ.
Trong năm qua, tại thị trường dân dụng, nhu cầu thép xây dựng rất yếu, nên các nhà máy tập trung bán tại thị trường dự án làm cho áp lực cạnh tranh tại thị trường dự án vô cùng khắc nghiệt.
Trước tình hình đó, Thép Việt Ý đã chú trọng bán hàng vào các dự án trọng điểm quốc gia, như Sân bay Nội Bài, đường vành đai 2,3 Hà Nội, quốc lộ Thanh Hóa - Nghệ An...
Thép Việt Ý hiện nắm 7,4% thị phần của thị trường miền Bắc.
Năm 2022, Thép Việt Ý nhận định rằng, giá thép có thể xe tăng trong năm nay do nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc và một số nước châu Âu tăng cao khi nguồn cung bị thiếu hụt.
Bên cạnh đó, nhiều dự án bất động sản đã bị hoãn lại do giãn cách xã hội từ năm trước sẽ nhanh chóng được triển khai lại để đáp ứng nhu cầu tiến độ đã cam kết với khách hàng. Nhiều dự án đầu tư công quy mô lớn sẽ được khởi công, nhất là các tuyến cao tốc Bắc - Nam, sân bay quốc tế Long Thành và các tuyến vành đai. Đây là cơ hội để giúp lượng thép tiêu thụ phục hồi mạnh mẽ.
Trái lại, khó khăn đối với thép Việt Ý, là mục tiêu giảm lượng cacbon của ngành thép làm cho nhiều khoản mục chi phí đầu vào tăng lên. Thêm vào đó, vấn đề môi trường ngày càng được các quốc gia coi trọng cũng là một khó khăn cho công tác nhập khẩu phế liệu đầu vào. Thứ ba là căng thẳng giữa các quốc gia trên thế giới khiến giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao.
Năm 2022, Thép Việt Ý đặt mục tiêu doanh thu 6.860 tỷ đồng và có lãi trước thuế khoảng 3 tỷ đồng.