Tham gia bình luận tại phiên thảo luận Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam ngày 18/9, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng thực tế trong nhiều năm qua việc tiếp cận đất đai của doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó. Các tỉnh, thành phố hầu như không có chương trình riêng cho đối tượng này, chủ yếu dành nguồn lực và nỗ lực cho các dự án lớn, các doanh nghiệp FDI.
Bên cạnh đó, ông Đậu Anh Tuấn cho biết thực tế các doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa hầu như không có cơ hội tiếp cận các khu công nghiệp lớn bởi rào cản về quy định diện tích tối thiểu, điều kiện thanh toán, phí sử dụng hạ tầng cao,...
"Các doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa cũng không cạnh tranh được với nhóm doanh nghiệp thân hữu vì thực tế ở Việt Nam, doanh nghiệp phải biết ai thì việc tiếp cận đất đai dễ hơn so với khả năng, trình độ kinh doanh.
Chúng tôi cũng thấy việc phân bổ đất đai trên thực tế chưa tự nguyện, có tình trạng địa phương lấy đất của doanh nghiệp nhỏ để giao cho doanh nghiệp lớn hơn.
Ngoài ra, việc thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên thực tế rất ít. Tôi đã đi nhiều địa phương, có tình trạng lãnh đạo địa phương không biết luật này, thậm chí chưa có chương trình triển khai", ông Đậu Anh Tuấn nêu vấn đề.
Theo đại diện VCCI, hệ quả là tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận đất đai ít và họ cũng ít có cơ hội mở rộng kinh doanh. Rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa loay hoay với vấn đề về môi trường, làng nghề, việc tiếp cận vốn cũng khó vì không có đất đai, tài sản để thế chấp. Bức tranh khu vực kinh tế tư nhân thời gian vừa rồi rất khiêm tốn.
Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, bên cạnh tăng cường đấu giá, đấu thầu sử dụng đất, Luật đất đai sửa đổi lần này cũng cần có chế định khác để cân bằng lại quyền lợi các doanh nghiệp. Nếu chỉ đấu giá, đấu thầu mà tiền sử dụng đất tăng lên thì cơ hội để doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận, đặc biệt là doanh nghiệp quy mô nhỏ càng khó.
Vấn đề lớn hơn là bên cạnh nội dung không làm thất thoát nhưng cũng cần có chính sách khuyến khích việc có đất để sản xuất công nghiệp, chứ không phải chỉ sử dụng đất để làm bất động sản. Nếu đất để sản xuất công nghiệp có giá cao quá thì chắn chắn hàng hóa Việt Nam không cạnh tranh lại các nước khác.
Đại diện VCCI cũng nhấn mạnh thủ tục hành chính hiện nay rất phức tạp, nhiều chồng chéo, xung đột. Chính vì vậy chi phí để có được đất rất cao, hầu như chỉ có doanh nghiệp lớn mới có khả năng xoay xở, có quan hệ tốt để tiếp cận.
"Cho nên cần có cải cách mang tính đột phá về thủ tục hành chính, tránh chồng chéo giữa các luật liên quan đến vấn đề đất đai", đại diện VCCI nói.
Vấn đề cuối cùng là làm sao để giảm văn bán hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Ông Đậu Anh Tuấn dẫn kết quả thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy để thực hiện Luật Đất đai 2013, Chính phủ ban hành 25 Nghị định, các bộ ban hành 59 thông tư, trong đó Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì 46.