Thời sự

Đầu tư công đang được đẩy mạnh, doanh nghiệp xây dựng sẽ hưởng lợi

Trong báo cáo chiến lược tháng 9, CTCK Mirae Asset nhận định thị trường xây dựng tại Việt Nam dự kiến đạt 94,9 tỷ USD vào 2026, tốc độ tăng trưởng bình quân dự kiến 8,7%/năm trong giai đoạn 2021- 2026.

Xuất khẩu, Tiêu dùng và Đầu tư Công được xem là “Cỗ xe tam mã” của Chính phủ trong hoạt động phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Trong thời gian 3-5 năm tới, đầu tư công là lĩnh vực được dành sự quan tâm đặc biệt và được Chính phủ tập trung nguồn lực cho các dự án hạ tầng nhằm kích thích tăng trưởng và hỗ trợ phục hồi kinh tế  

Tuy nhiên, trong 8 tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn ở mức thấp. Theo số liệu của Bộ Tài Chính,lũy kế thanh toán 7 tháng đầu năm là 177.800 tỷ đồng, đạt 29,74% kế hoạch và đạt 32,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Ước tính 8 tháng đầu năm, là 212.200 tỷ đồng, đạt 35,49% kế hoạch, đạt 39,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Các chuyên gia của Mirea Asset cho rằng trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn chưa quá khởi sắc, Chính phủ sẽ tiếp tục thúc đẩy giải ngân đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng GDP, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong việc thu hút FDI từ quá trình tái cơ cấu chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước 8 tháng đầu năm ước đạt 1,2 triệu tỷ đồng tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước (bằng 85,6% dự toán năm), trong khi lũy kế chi ngân sách chỉ tăng 4,2% đạt 956.500 tỷ đồng (bằng 53,6% dự toán năm).

Điều này được dự đoán sẽ tạo tiền đề cho Việt Nam tích cực giải ngân cho đầu tư công trong thời gian tới để giúp GDP Việt Nam tăng trưởng tốt cả trong ngắn lẫn dài hạn (khi giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí vận tải).

 

Theo phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Giao thông Vận tải sẽ triển khai khởi công mới 67 dự án gồm: 6 dự án quan trọng quốc gia, 10 dự án nhóm A, 51 dự án nhóm B, C.

6 dự án quan trọng quốc gia gồm cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021-2025; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; vành đai 4 Hà Nội; vành đai 3 TP HCM; dự án mở rộng cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây. 5 dự án đầu đã được Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư trong năm 2022.

Trong đó, tiến độ giải ngân của dự án cao tốc Bắc Nam được phân bổ như sau.

Giai đoạn 2017-2020: ước tính đến ngày 31/7, dự án giải ngân được 7.200 tỷ đồng, đạt 35% kế hoạch năm 2022 (20.526 tỷ đồng). Lũy kế từ 2017 đến ngày 31/7, tổng giá trị khối lượng ước đạt 25.658 tỷ đồng, tương đương 45% giá trị hợp đồng (57.075 tỷ đồng).

Giai đoạn 2021-2025: ước tính đến 31/7, dự án giải ngân được 185 tỷ đồng, đạt 72% kế hoạch năm 2022 (257 tỷ đồng).

Mirae Asset cho rằng động thái này cho thấy Chính phủ đang khẩn trương và quyết liệt sử dụng đầu tư công như một công cụ kích cầu đầu tư, tạo hiệu ứng lan tỏa cho nhiều nhóm ngành nghề, qua đó hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Tuy vậy, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn đang ở mức thấp do yếu tố chủ quan từ các Bộ, ngành và địa phương; giá cả nguyên vật liệu tăng cao, nhất là sắt, thép, xăng dầu; nguồn cung cấp nguyên vật liệu (đất, cát, sỏi) cho công trình lớn còn hạn chế.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm