Ông Nobuyuki Matsumoto, trưởng đại diện Jetro tại TP.HCM, cho rằng để các nhà cung cấp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, cần phải giải quyết được câu chuyện ổn định trong chất lượng linh kiện, khuôn mẫu...
Tỉ lệ thu mua nội địa dưới 50%
Từ năm 2021, Bộ Kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản đã thực hiện chính sách viện trợ đa dạng hóa chuỗi cung ứng tại nước ngoài. Qua 5 đợt tuyển chọn dự án viện trợ đã có 103 dự án được chọn ở các nước, trong đó Việt Nam có 41 dự án, Thái Lan có 25 dự án, Malaysia và Indonesia cùng có 12 dự án.
So với các nước khác trong khu vực, Việt Nam có số dự án đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản được lựa chọn hỗ trợ nhiều nhất. Các dự án đầu tư vào Việt Nam của doanh nghiệp Nhật Bản được chính phủ nước này lựa chọn hỗ trợ nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Khảo sát năm ngoái của Jetro cho thấy 55,3% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam mong muốn mở rộng kinh doanh, cao nhất khu vực ASEAN. Nhưng dịch bệnh cũng cho nhà đầu tư Nhật Bản thấy rằng không thể phụ thuộc vào một quốc gia riêng biệt mà cần xây dựng một chuỗi cung ứng có thể giúp nền kinh tế nhanh chóng hồi phục hơn. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã là điểm đến nhận được nhiều quan tâm.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Jetro tại TP.HCM khẳng định muốn hoạt động hiệu quả tại Việt Nam, các doanh nghiệp Nhật phải có những đối tác nội địa vững chãi. Năm ngoái, tỉ lệ thu mua nội địa là 37,4%, chỉ tăng trưởng nhẹ, trái ngược so với nhiều quốc gia, khu vực có tỉ lệ giảm trong bối cảnh.
Tuy vậy, vẫn có một số vấn đề được quan tâm như chất lượng thu mua và thiếu sót về năng lực kỹ thuật. Nhiều công ty trả lời không thể thu mua được nguyên liệu hoặc linh kiện nội địa Việt Nam. Trừ ngành thực phẩm, tất cả các ngành đều có tỉ lệ thu mua nội địa dưới 50%. Kết quả khảo sát tháng 11-2021 của Jetro cho thấy ngành sản xuất vẫn sẽ là lĩnh vực ưu tiên đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.
"Chúng tôi vẫn chờ mong có nhiều doanh nghiệp có thể cải thiện và đáp ứng nhu cầu này, đặc biệt là tạo được những linh kiện có giá trị cộng thêm cao hơn. Ngoài ra nâng cao chất lượng tay nghề công nhân, cũng như liên kết hợp tác tốt hơn theo chuỗi", ông Nobuyuki Matsumoto nói.
Thường doanh nghiệp Việt Nam nhìn vào mẫu linh kiện thì sẽ khẳng định ngay họ hoàn toàn có thể làm được. Tuy nhiên khi cho làm thử, họ làm 100 chiếc thì chỉ có 10 linh kiện đạt yêu cầu.
Ông Nobuyuki Matsumoto
Nghĩ làm được nhưng làm thử thì "thua"
Biểu hiện rõ nhất là thường doanh nghiệp Việt Nam nhìn vào mẫu linh kiện thì sẽ khẳng định ngay họ hoàn toàn có thể làm được. Tuy nhiên, cũng theo ông Nobuyuki Matsumoto, khi cho làm thử, doanh nghiệp Việt Nam có thể làm 100 chiếc thì chỉ có 10 linh kiện đạt yêu cầu, 90 chiếc còn lại thì không.
Điều này cho thấy dù làm được nhưng sự ổn định trong chất lượng của các sản phẩm lại chưa có. Trong khi với ngành công nghiệp phụ trợ, tỉ lệ sai sót cho phép luôn rất thấp.
Câu chuyện ở đây là gì? Để tham gia được vào chuỗi cung ứng linh kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam phải giải quyết được hạn chế về sự thiếu đồng đều trong chất lượng sản phẩm. Theo ông Nobuyuki Matsumoto, đây không chỉ thể hiện sự ổn định về chất lượng mà còn sự chuyên nghiệp và mong muốn hợp tác lâu dài.
Các doanh nghiệp Nhật Bản có thể hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam khắc phục bằng các kỹ thuật, chuẩn hóa và nâng cao quy trình sản xuất. Nhưng để tận dụng cơ hội đầu tư và mở rộng nhà máy tại Việt Nam của các tập đoàn quốc tế, tiến sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, các nhà sản xuất Việt Nam cần nâng cao lợi thế cạnh tranh bằng việc cập nhật máy móc, công nghệ mới, tăng năng suất, giảm tiêu hao.
Tiếp tục triển lãm ngược để tìm nhà cung cấp Việt
Trong kỳ triển lãm về Supporting Industry show 2022 diễn ra vào tháng 10 sắp tới, Jetro cho hay sẽ chọn cách tổ chức ngược, tức các công ty Nhật Bản đem theo những linh kiện mẫu để trưng bày các sản phẩm họ muốn thu mua và sẽ tiến hành thương thảo ngay tại hội trường. Điều này khác với triển lãm thông thường.
Vì vậy, ông Nobuyuki Matsumoto kỳ vọng có thêm nhiều doanh nghiệp Việt Nam đứng vào danh sách sản xuất tốt để kết nối với các doanh nghiệp Nhật Bản, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng.