Ngày 15-8, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 28 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương TNHH MTV (Tổng công ty 3-2). Phiên toà dự kiến diễn ra trong khoảng 20 ngày.
Trong vụ án này, bị cáo Trần Văn Nam, cựu bí thư Tỉnh ủy Bình Dương; Trần Thanh Liêm, cựu chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương và 20 bị cáo là cựu lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và nhiều sở ngành của Bình Dương bị truy tố tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và tội "Tham ô tài sản".
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Nguyễn Thị Thu Thủy (nguyên Phó Chánh tòa Hình sự, TAND TP HCM) cho biết Điều 269 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định tòa án có thẩm quyền xét xử vụ án hình sự là tòa án nơi tội phạm được thực hiện.
Bị cáo Trần Văn Nam, cựu bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, bị dẫn giải đến tòa
Tuy nhiên, trong một số trường hợp thì cơ quan tố tụng trung ương có thể ủy quyền địa phương tham gia xét xử vụ án.
Cụ thể, theo điểm c, khoản 4, điều 163 Bộ Luật tố tụng hình sự thì: "Cơ quan điều tra Bộ Công an, Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng điều tra vụ án hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy để điều tra lại; vụ án hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, vụ án hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp liên quan đến nhiều quốc gia nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra".
Do đó, các cơ quan tố tụng trung ương xét thấy vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, liên quan đến nhiều người thì có thể chỉ định địa phương xét xử. Trong vụ án này, Bộ Công an sau khi kết thúc điều tra đã chuyển toàn bộ hồ sơ sang VKSND Tối cao. Sau khi ra cáo trạng, VKSND Tối cao đã ủy quyền cho VKSND TP Hà Nội thụ lý vụ án. Từ đó, lãnh đạo VKSND TP Hà Nội phân công kiểm sát viên tham gia thực hành quyền công tố tại phiên tòa.
Đồng quan điểm, bà Huỳnh Thị Hon (nguyên Phó Viện trưởng VKSND TP HCM) cho rằng Bộ Luật tố tụng hình sự quy định vụ án xảy ra ở địa phương nào thì xét xử ở địa phương đó. "Cũng cần nhấn mạnh rằng luật cũng quy định về ủy quyền xét xử vụ án nhưng về việc ủy quyền cho địa phương cụ thể nào thì không quy định. Do đó, vụ án cựu Bí thư tỉnh Bình Dương xảy ra ở Bình Dương nhưng xét xử ở Hà Nội là không sai luật" - bà Huỳnh Thị Hon nói.