Trong báo cáo cập nhật về Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - Mã: BID), CTCP Chứng khoán SSI ước tính BIDV có thể đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế là hơn 80% so với cùng kỳ trong nửa cuối năm 2022.
Lợi nhuận trước thuế cho năm 2022 dự báo đạt 21.200 tỷ đồng. Năm 2023, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng ước tính đạt 26.400 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ.
Mặc dù lạc quan về triển vọng lợi nhuận của BIDV đến năm 2023 do NIM có khả năng tăng lên và trích lập dự phòng giảm, công ty chứng khoán tin rằng tăng trưởng dài hạn sẽ phụ thuộc vào khả năng tăng được vốn lớn của ngân hàng.
"Nếu ngân hàng phát hành riêng lẻ thành công với tỷ lệ 9% ở mức giá hiện tại, CAR có thể cải thiện 1,33 điểm %. Điều này sẽ đủ để thúc đẩy tăng trưởng trong khoảng hai năm, tuy nhiên, sau đó BIDV vẫn phải cân nhắc đến những kế hoạch tăng vốn trong giai đoạn tiếp theo," báo cáo viết.
Ngân hàng đang nỗ lực triển khai các bước cho kế hoạch phát hành riêng lẻ với tỷ lệ 9% (bao gồm báo cáo Ngân hàng Nhà nước và gặp gỡ tiếp xúc các nhà đầu tư tiềm năng,...).
Ngoài ra, các chuyên gia cũng lưu ý khi ba NHTM Nhà Nước tại Việt Nam triển khai chương trình miễn phí chuyển khoản từ đầu năm 2022, thì việc này ngay lập tức đã tác động đến doanh thu từ hoạt động dịch vụ.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, thu nhập phí thuần của BIDV giảm 13% so với cùng kỳ do không có thu nhập từ phí chuyển tiền - tương tự như xu hướng được quan sát thấy tại Vietcombank và VietinBank.
Tuy nhiên, do Vietcombank và VietinBank bắt đầu ghi nhận sự tăng trưởng nhanh chóng trong hoạt động bảo hiểm nhân thọ từ các hợp đồng với FWD và Manulife, nên chuyên gia cho rằng tăng trưởng thu nhập từ hoạt động dịch vụ của BIDV có thể chịu nhiều ảnh hưởng hơn.
Trong khi đó, tỷ lệ CASA của ngân hàng vẫn chưa có sự cải thiện đáng kể, hiện CASA của ngân hàng đang dao động quanh mức 19%. Tuy nhiên, Ban lãnh đạo lưu ý rằng tỷ lệ CASA bán lẻ đã tăng 1% so với cùng kỳ và ngân hàng vẫn đang trên đà đạt được tỷ lệ CASA mục tiêu là 22% -25% trong trung hạn.
Chất lượng các khoản vay được giải ngân mới đã được cải thiện
Theo SSI, từ năm 2015 đến năm 2020 là giai đoạn BIDV tích cực xử lý các khoản nợ có vấn đề của giai đoạn trước, đồng thời cũng thận trọng hơn trong việc giải ngân các khoản vay mới cũng như tăng cường quản trị rủi ro.
Do đó, các chuyên gia của SSI tin rằng chất lượng các khoản vay được giải ngân mới trong những năm gần đây đã được cải thiện nhiều so với chu kỳ tín dụng trước đó. Vẫn có những khoản nợ tồn đọng có vấn đề tại BIDV, nhưng theo quan điểm của SSI, dư nợ của những khoản vay này chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng dư nợ.
Trong quý II/2022, BIDV đã xóa 2.200 tỷ đồng nợ xấu (tương đương 0,15% tổng dư nợ), qua đó giữ được tỷ lệ nợ xấu duy trì tương đối ổn định ở mức 1,02% (chỉ tăng 0,05 điểm % so với quý trước).
Trong khi đó, tỷ lệ dư nợ nhóm 2 và nợ tái cơ cấu đều có sự cải thiện, lần lượt đạt mức 1,17% (giảm 0,23 điểm % so với quý trước, dư nợ là 17.000 tỷ đồng) và 1,2% (giảm 0,27 điểm% so với quý trước, dư nợ là 18.000 tỷ đồng).
Do BIDV duy trì chi phí tín dụng cao trong kỳ ở mức 2,58% (so với mức 2,29% năm 2021 và 2% năm 2020), tổng số dư dự phòng được tăng lên 40.000 tỷ đồng (tỷ lệ bao phủ nợ xấu là 263%). Theo ban lãnh đạo, trong tổng quỹ dự phòng, khoảng 21.800 tỷ đồng là số dư dự phòng dành cho các khoản nợ tái cơ cấu, trong khi phần còn lại được dành cho nợ xấu.