Đấu giá đất cao bất thường dẫn tới giá ảo
Tại toạ đàm "Chính sách về đấu giá quyền sử dụng đất" do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức, PGS-TS. Nguyễn Quang Tuyến - Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế ĐH Luật Hà Nội chia sẻ, đất đai chính là nguồn lực để phát triển kinh tế đất nước. Nếu chúng ta không sớm tìm ra cơ chế thích hợp để tận dụng, thì sẽ gặp khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu, tham vọng. Ông Tuyến cho rằng, đấu giá quyền sử dụng không có lỗi mà lỗi là do cơ chế chính sách, cũng như cách chúng ta thực hiện.
PGS TS Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng Khoa Pháp luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội. Ảnh: Trọng Hiếu.
“Tôi muốn nhấn mạnh rằng, tình trạng bỏ cọc của các nhà đầu tư tại địa phương là không mới. Tuy nhiên, gần đây, sau câu chuyện bỏ cọc của Tân Hoàng Minh, thì chúng ta mới để ý đến nó. Về cơ bản, những nhà đầu tư này cũng không vi phạm pháp luật”, ông Tuyến nêu.
Theo vị chuyên gia, câu chuyện cần phân tích ở đây chính là qua những vụ việc bỏ cọc với giá cao như vậy, thì nó sẽ dẫn đến hệ lụy gì về kinh tế - xã hội. Điều này là rất đáng lo ngại. Những vụ đấu giá cao bất thường sẽ khiến mặt bằng giá bất động sản tăng cao, với một giá ảo.
Bên cạnh đó, nó cũng khiến công tác giải phóng mặt bằng gặp khó khăn. Hiện tại, chúng ta cần có chế tài đánh giá các doanh nghiệp tham gia đấu giá, xem hồ sơ pháp lý có sạch sẽ hay không, trong 5 năm có bỏ cọc sau đấu giá hay không. Nếu vi phạm thì nên không cho tham gia.Chế tài cần nghiêm khắc hơn với các doanh nghiệp bỏ cọc như bổ sung mức tiền phạt. Cấm trong 5 năm không được đấu giá. Nếu tái phạm, có thể xem xét về xử lý trách nhiệm hình sự. Không nên để doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở pháp luật, coi đấu giá là trò chơi để đánh bóng tên tuổi. Chúng ta cần yêu cầu các nhà đầu tư phải có trách nhiệm với xã hội cũng như tính bền vững của thị trường.
Rà soát doanh nghiệp vi phạm bỏ cọc
Theo TS. Trần Minh Sơn, Trưởng Văn phòng Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025, Bộ Tư pháp, vừa qua TP. HCM đã đấu giá công khai 4 lô đất Thủ Thiêm với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, giá trị trúng đấu giá gấp 7 lần giá khởi điểm. Nếu tính theo giá trị, sau khi xây dựng và bán là 80 tỷ/căn, điều này làm rung động thị trường bất động sản.
“Tôi được tham gia hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp trong 10 năm nay, tôi thấy có 2 góc nhìn về vấn đề này.Đầu tiên, việc đấu giá này đã có những kết quả tích cực, sẽ có khoản kinh phí ngân sách cho thành phố, lợi ích quốc gia. Song có hệ quả như các doanh nghiệp đấu giá quá cao gây ảnh hưởng đến hoạt động thị trường”, TS. Sơn nêu.
Theo quy định thì việc trả giá là quyền của doanh nghiệp, song việc trả giá cao rồi bỏ cọc sẽ gây bất ổn cho thị trường, một số doanh nghiệp sẽ lợi dụng giá cao để xin định giá lại, rút ruột ngân hàng hoặc làm sạch báo cáo tài chính. Việc giá trúng cao tại Thủ Thiêm sẽ khiến giá tại các thị trường khác cũng bị đẩy lên cao.
Từ đó, tôi kiến nghị cần khẩn trương thực hiện công điện của Thủ tướng trong việc rà soát bất thường, các doanh nghiệp đấu giá thành công là điều tốt, nhưng với những hoạt động đấu giá bất thường thì cần nghiêm túc rà soát, đề nghị các cơ quan có liên quan kiểm soát chặt chẽ.
Bên cạnh đó, cần có quy định cụ thể về năng lực tài chính của nhà đầu tư tham gia đấu giá, cần kiểm soát, nâng cao chất lượng đấu giá, nâng cao chất lượng trong quá trình tổ chức đấu giá nhằm phòng chống tiêu cực tham nhũng; những tài sản đặc biệt cần rà soát chặt chẽ, tránh hành vi thông đồng giữa các nhà đầu tư.
“Tôi cũng đề nghị sửa đổi bổ sung quy định về giá đất, các nội dung có liên quan đến đấu giá và quy hoạch sử dụng đất. Thời gian vừa qua cũng có nhiều khen thưởng, vinh danh với những doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, nhưng cần rà soát lại những doanh nghiệp có liên quan đến những vi phạm như bỏ cọc”, ông Sơn nhấn mạnh.