Tài chính

Doanh nghiệp kêu khó, Cục Chăn nuôi kiến nghị chỉ áp thuế 1% với khô dầu đậu tương

Doanh nghiệp kêu khó, Cục Chăn nuôi kiến nghị chỉ áp thuế suất 1% với khô dầu đậu tương - Ảnh 1.

Cục Chăn nuôi kiến nghị chỉ áp thuế suất 1% với các mặt hàng khô dầu đậu tương - Ảnh: V.T.

Ngày 22-1, Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) có công văn gửi Tổng cục Hải quan về thuế suất đối với mặt hàng khô dầu đậu tương làm thức ăn chăn nuôi.

Theo Cục Chăn nuôi, đơn vị này mới nhận được văn bản của Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai và một số doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất thức ăn chăn nuôi về việc vướng mắc áp thuế suất của mặt hàng khô dầu đậu tương sử dụng làm thức ăn chăn nuôi được quy định tại nghị định 144/2024 của Chính phủ.

Sau khi nghiên cứu kiến nghị, Cục Chăn nuôi cho biết khô dầu đậu tương là nguyên liệu thức ăn chăn nuôi truyền thống và được sử dụng làm nguồn bổ sung protein trong thức ăn chăn nuôi cho vật nuôi.

Khô dầu đậu tương là sản phẩm phụ của quá trình sản xuất chiết tách dầu thực vật, nguyên liệu được sử dụng là đậu tương hạt (gồm đậu tương cả vỏ và đậu tương tách vỏ), quá trình chiết, tách dầu thường được sử dụng bằng hai phương pháp (phương pháp vật lý và phương pháp chiết tách dầu bằng dung môi), sản phẩm phụ từ đậu tương trong quá trình ép/chiết tách là khô dầu đậu tương, thường ở dạng mảnh và dạng bột.

Theo nghị định số 144/2024 của Chính phủ mặt hàng khô dầu đậu tương sử dụng làm thức ăn chăn nuôi được quy định đang được áp thuế suất lần lượt 2% đối với dạng bột thô và 1% đối với dạng bột mịn, dạng viên, dạng thanh, dạng khối. Trong khi về cơ bản, sản phẩm đều là khô dầu đậu đương.

Xét về bản chất, công dụng của sản phẩm khô dầu đậu tương, Cục Chăn nuôi cho rằng về dạng của sản phẩm không làm thay đổi đặc tính, bản chất, công dụng của sản phẩm.

Do đó, để tăng cường và hỗ trợ cho ngành chăn nuôi cụ thể là sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước, Cục Chăn nuôi đề xuất, kiến nghị mặt hàng khô dầu đậu tương sử dụng làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi đều được hướng thuế suất là 1%.

Sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn phụ thuộc lớn vào nguyên liệu nhập khẩu

Theo Cục Chăn nuôi, sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp năm 2024 ước đạt 21,5 triệu tấn (tăng 3,4% so với năm 2023), trong đó thức ăn chăn nuôi cho heo chiếm 55%, gia cầm chiếm 41%, còn lại là vật nuôi khác.

Bên cạnh những thuận lợi, thì hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn phụ thuộc lớn vào nguyên liệu nhập khẩu (trên 65% nguyên liệu thô, trên 90% thức ăn bổ sung) và ảnh hưởng khi có biến động tỉ giá USD, ảnh hưởng của xung đột địa chính trị ở một số khu vực, chi phí logistics vẫn ở mức cao (tăng 15-20% so với trước đợt dịch COVID-19 và chưa có dấu hiệu giảm)...

Nhận định trong thời gian tới do nguồn cung nguyên liệu ổn định và giá giảm nên giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm trong nước sẽ tiếp tục theo xu hướng giảm từ nay tới nửa đầu năm 2025. Tuy nhiên, biến động thị trường thế giới cũng như hoạt động trong nước vẫn chưa đủ mạnh để trở lại mức giá thời điểm trước dịch COVID-19.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm