Tài chính

Vượt qua hàng vạn lệnh trừng phạt, Nga công bố thu ngân sách tăng kỷ lục, vẫn "ăn nên làm ra" nhờ dầu khí

Vượt qua hàng vạn lệnh trừng phạt, Nga công bố thu ngân sách tăng kỷ lục, vẫn 'ăn nên làm ra' nhờ dầu khí- Ảnh 1.

Theo cơ quan này, tổng thu ngân sách trong tháng 12 đạt hơn 4 nghìn tỷ rúp (40 tỷ USD), tăng 28% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức cao nhất từng được ghi nhận trong dữ liệu của Bộ Tài chính Nga bắt đầu công bố từ tháng 1/2011.

Mỹ và các quốc gia đồng minh đã tìm cách trừng phạt Nga để hạn chế doanh thu xuất khẩu và nhắm đến cả ngành năng lượng, các ngân hàng Nga hỗ trợ ngành này vào cuối năm ngoái.

Tuy nhiên, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh dầu khí của Nga vẫn tăng vọt hơn 33% vào tháng 12 so với năm trước và tăng 26% trong năm 2024. Các nguồn thu khác ghi nhận mức tăng tương tự trong cả năm trong bối cảnh kinh tế Nga tăng trưởng mạnh mẽ.

Bộ Tài chính Nga cho biết: “Khối lượng doanh thu phi dầu khí năm 2024 vượt đáng kể so với ước tính trong luật ngân sách 2025 - 2027, bao gồm cả các nguồn thu lớn từ thuế.”

Thu ngân sách tăng mạnh giúp chính phủ Nga chi tiêu nhiều chưa từng có, với mức tổng chi tiêu trong tháng cuối năm 2024 là 7,15 nghìn tỷ rúp, phá vỡ kỷ lục vào tháng 12/2022.

Năm ngoái, Nga công bố mức thâm hụt tài chính lớn chưa từng có kể từ đại dịch năm 2020 ở mức 3,5 nghìn tỷ rúp, tương đương 1,7% GDP. Chính phủ hụt ngân sách trong năm thứ 3 do Moscow chi tiêu lớn cho lĩnh vực quân sự và các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong nước do phải chịu các lệnh trừng phạt toàn diện.

Tổng doanh thu năm 2024 tăng 26% lên 36,7 nghìn tỷ rúp, trong khi chi tiêu tăng 24% lên 40,2 nghìn tỷ rúp. Theo dữ liệu của ngân hàng trung ương Nga, đồng rúp giảm khoảng 12% so với đồng USD trong giai đoạn này.

Điện Kremlin vẫn tiếp tục tăng chi tiêu cho lĩnh vực quân sự trong bối cảnh mâu thuẫn với Ukraine vẫn tiếp diễn. Theo luật ngân sách, khoảng 1/3 ngân sách của Nga dự kiến sẽ được chi cho nhu cầu quân sự vào năm 2025.

Theo giới chuyên gia, chi tiêu ngân sách năm 2024 của Nga cho thấy mức tăng chi tiêu dự kiến chỉ 3,2% trong năm nay là khó khả thi. Do đó, mức tăng trong năm nay có thể cao hơn và thâm hụt ngân sách cũng lớn hơn.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm