Cơ cấu cổ đông lạ tại Tùng Khánh: Cổ đông lớn vừa cùng bán hết, lãnh đạo gần như không nắm giữ
Đóng cửa phiên 29/9, cổ phiếu TKG tiếp tục giảm hết biên độ xuống còn 6.000 đồng/cp. Trong phiên có thời điểm mã này dư bán giá sàn gần 1,4 triệu đơn vị. Sau đó, lực mua xuất hiện đưa thanh khoản giao dịch cả phiên lên 1,64 triệu, tương đương 26% số cổ phiếu đang lưu hành của công ty.
Trong công văn giải trình HNX việc cổ phiếu giảm sàn liên tiếp, Tùng Khánh cho biết thị trường chứng khoán có nhiều biến động trong giai đoạn vừa qua với nhiều phiên giảm điểm đã ảnh hưởng đến tâm lý cổ đông công ty. Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh của công ty hiện cũng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng chung của nền kinh tế, lợi nhuận sau thuế công ty giảm mạnh so với cùng kỳ cũng là lý do khiến giá cổ phiếu TKG giảm sâu.
Theo dõi diễn biến giá cổ phiếu TKG, nhịp giảm sàn này diễn ra sau giai đoạn mã này lình xình với thanh khoản cao đầu tháng 7. Trước đó, TKG giao dịch trong biên độ hẹp 12.000 - 14.000 đồng/cp, gần như đi ngang kể từ khi bắt đầu chuyển giao dịch UPCoM sang niêm yết sang HNX cuối tháng 8/2022. Lượng cổ phiếu niêm yết trên sàn chỉ hơn 6,3 triệu cp nhưng trong 3 tháng qua xuất hiện nhiều phiên có khối lượng khớp lệnh chiếm 5 - 15% vốn của công ty.
Hiện tưởng trên xuất phát từ việc công ty không có cổ đông lớn và tỷ lệ sở hữu của ban lãnh đạo rất thấp. Trước thời điểm chuyển giao dịch từ UPCoM sang HNX,tại ngày 2/6/2022, Tùng Khánh có 174 cổ đông (toàn bộ là cổ đông trong nước), trong đó có một tổ chức sở hữu 1,84% vốn (tương đương 116.000 cổ phiếu) và 173 cá nhân sở hữu 98,16% (gần 6,2 triệu cổ phiếu). Công ty không có cổ đông lớn, tỷ lệ sở hữu của ban lãnh đạo rất thấp.
Tính đến ngày 30/6/2023, hầu hết lãnh đạo của Sản xuất và Thương mại Tùng Khánh không nắm giữ cổ phiếu TKG nào hoặc sở hữu số lượng không đáng kể.
Về cổ đông lớn, khi giá cổ phiếu TKG tăng lên mức đỉnh lịch sử 16.000 đồng/cp ngày 19/7, hai cá nhân đã thoái bớt vốn. Cụ thể, ngày 18/7, ông Nguyễn Hữu Toản bán gần hết 399.000 cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu từ 6,68% xuống còn sát 0% (100 cổ phiếu). Ngày 31/7, ông Nguyễn Văn Nam bán ra 339.700 cổ phiếu TKG, giảm tỷ lệ sở hữu từ 5,39% xuống còn 0,01% (500 cổ phiếu).
Bà Bùi Thị Yến, Chủ tịch Tùng Khánh không nắm giữ cổ phần mặc dù gắn bó với công ty từ ngày đầu thành lập. Những người có liên quan đến bà Yến cũng chỉ sở hữu vài trăm cổ phần. Ông Nguyễn Hữu Phú mới được bổ nhiệm Tổng Giám đốc thay cho ông Phạm Tùng Linh ngày 18/9 và cả hai cá nhân này đều không nắm giữ cổ phần công ty.
Tùng Khánh đang kinh doanh ra sao?
Thông tin về hoạt động kinh doanh, lĩnh vực hoạt động chính của Tùng Khánh là sản xuất đồ inox và đệm cao cấp trên thị trường trong và ngoài nước. Các sản phẩm như phụ kiện trang trí nội, ngoại thất, đệm Hàn Quốc cao cấp, đồ gia dụng và thiết bị nhà bếp inox của công ty đã có mặt trên nhiều tỉnh thành cả nước và được xuất khẩu sang một số nước như Nhật Bản, Mỹ cùng một số nước ASEAN.
Trong giai đoạn 2018 - 2021, doanh thu thuần của công ty có xu hướng tăng qua mỗi năm. Tuy nhiên, năm 2022, kết quả kinh doanh TKG đi lùi khi doanh thu thuần giảm 18% so với năm trước đó xuống còn 123 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm 38,7% còn gần 1,9 tỷ đồng.
Sang nửa đầu năm nay, tình hình kinh doanh công ty cũng chưa có dấu hiệu cải thiện. Doanh thu thuần 52,4 tỷ đồng, giảm 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế 184,5 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm 2022 ghi nhận gần 1,5 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ giảm 87,7%.
Tại ngày 30/6, tổng tài sản công ty đạt 96,4 tỷ đồng, giảm nhẹ 3,3% so với thời điểm đầu năm. Cuối năm 2022, Tùng Khánh từng phân bổ khoảng 10% tài sản giao dịch chứng khoán. Tuy nhiên, quy mô giao dịch cổ phiếu đã thu hẹp trong nửa đầu năm nay.
Cuối quý II/2023, Tùng Khánh chỉ còn nắm giữ duy nhất cổ phiếu DHM của CTCP Thương mại và Khai thác Khoáng sản Dương Hiếu với giá gốc gần 4,3 tỷ đồng.