Doanh nghiệp

Doanh nghiệp châu Âu than xin giấy phép lao động lâu và khó

Tại Hội nghị đối thoại giữa Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) và chính quyền TP HCM chiều 7/3, tổ chức này cho biết từ khi Nghị định 152 có hiệu lực, việc xin giấy phép cho lao động nước ngoài khó hơn trước vì quy định rất chặt chẽ và thời gian kéo dài.

"Đây là vấn đề quan trọng với đầu tư nước ngoài, nhất là sau khi có thỏa thuận thương mại tự do giữa Việt Nam và 27 nước thành viên EU (EVFTA). Chúng ta phải làm sao không chỉ thu hút vốn mà còn nguồn nhân lực, chất xám", ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham nói.

Ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham phát biểu tại hội nghị chiều 7/3. Ảnh: Xuân Anh

Ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham phát biểu tại hội nghị chiều 7/3. Ảnh: Dỹ Tùng

Ông Trung Khuất, Đồng chủ tịch Tiểu ban Nhân lực và Đào tạo EuroCham cho biết theo luật, cơ quan lao động sẽ xem xét hồ sơ cho bước giải trình nhu cầu sử dụng lao động và trả kết quả trong 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo giải trình và 5 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động.

"Tuy nhiên, theo báo cáo từ các doanh nghiệp thành viên, thực tế các công ty cần 2,5 tháng để hoàn tất thủ tục và được cấp giấy phép lao động, cá biệt có vài công ty mất đến 4 tháng", vị này nói.

EuroCham liệt kê các nguyên nhân như cổng thông tin hoạt động không hiệu quả, nhiều hồ sơ đã đăng tải lên nhưng bị thất lạc, thời gian xem xét hồ sơ kéo dài, các yêu cầu khắt khe về hợp pháp hóa lãnh sự tài liệu, yêu cầu từ cán bộ xem xét hồ sơ khiến doanh nghiệp phải chỉnh sửa nhiều lần.

Phản hồi vấn đề này, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở Lao Động Thương binh và Xã hội TP HCM đánh giá việc doanh nghiệp mất 3-4 tháng nộp hồ sơ tại sở là không có khả năng xảy ra.

Theo ông, có thể doanh nghiệp mất thời gian dài là tính tổng các khâu khác như việc chuẩn bị, chỉnh sửa hồ sơ của nhân viên hoặc công ty dịch vụ. Song, ông xác nhận từng xuất hiện trường hợp nhân viên sở hướng dẫn người nộp hồ sơ không đầy đủ khiến họ tốn thời gian chỉnh sửa nhiều lần. Ngoài ra, hệ thống hạ tầng Internet của sở cần nâng cấp thêm.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP HCM cho hay đã rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục báo cáo giải trình thay đổi nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài từ 10 ngày làm việc xuống còn 7; cấp lại giấy phép lao động từ 3 ngày làm việc xuống 1 ngày. Đồng thời, cơ quan này dự kiến rút ngắn thêm thời gian cấp gia hạn giấy phép lao động và xác nhận người nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động từ 5 ngày làm việc xuống 3 ngày.

"Hạ tầng công nghệ thông tin đang trong quá trình hoàn thiện, những lúc trục trặc khi nộp hồ sơ trực tuyến mong được doanh nghiệp chia sẻ. Dự kiến tuần sau, chúng tôi sẽ ký hợp đồng tăng băng thông đường truyền Internet", ông Lâm nói.

Ngoài mất thời gian, hơn 90 hội viên của EuroCham còn phản ánh khó khăn trong quá trình xin giấy phép, xoay quanh các vấn đề về chứng minh kinh nghiệm chuyên gia và bằng cấp phù hợp vị trí làm việc.

Nghị định 152 yêu cầu vị trí chuyên gia cần bằng đại học và giấy xác nhận ít nhất 3 năm kinh nghiệm trong chuyên ngành được đào tạo. Tuy nhiên, ông Trung Khuất cho biết nhiều chuyên gia đã làm việc ở Việt Nam nhiều năm nhưng không còn giữ bằng đại học, không thể lấy xác nhận kinh nghiêm do công ty cũ giải thể.

Với các đề xuất theo hướng cần điều chỉnh Nghị định 152, sở cho biết sẽ tập hợp để trình lên trung ương. Phó giám đốc Nguyễn Văn Lâm đề nghị doanh nghiệp lưu ý 4 điểm để quá trình xin cấp phép lao động nước ngoài thuận lợi hơn.

Thứ nhất, khi xin giấy phép cần chuẩn bị đúng, đủ hồ sơ. Thứ hai, mô tả chính xác loại hình, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ứng với nhu cầu tuyển lao động nước ngoài. Ví dụ, văn phòng đại diện có chức năng không sinh lợi nhuận thì xin cấp phép chức danh giám đốc kinh doanh, tiếp thị sẽ khó khả thi.

Hay như xin cấp phép giáo viên nước ngoài thì sẽ chịu sự điều chỉnh thêm theo các thông tư của Bộ Giáo dục - Đào tạo. Hoặc lao động bằng cấp khoa học xã hội nhưng xin cấp phép vị trí chuyên gia ngành kỹ thuật thì phải có chứng nhận kinh nghiệm làm việc kỹ thuật ở nước ngoài.

Thứ ba, minh bạch thông tin tuyển dụng, mô tả cụ thể lý do không tuyển được lao động Việt Nam mà cần người nước ngoài, tránh nêu lý do chung chung. Cuối cùng, các bộ hồ sơ cần được sao y, lưu giữ bản chính, bản dự phòng để đối chiếu và sử dụng khi cần thiết.

Năm 2022, Sở Lao Động Thương binh và Xã hội TP HCM tiếp nhận hơn 15.400 hồ sơ giải trinh thay đổi nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài, cấp mới 10.800 và gia hạn1.126 giấy phép cho lao động nước ngoài.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm