Doanh nghiệp

Cơ hội cho nông thủy sản, thực phẩm Việt Nam vào Nhật Bản

Foodex Japan được những người trong ngành kinh doanh thực phẩm và đồ uống (F&B) coi là "cửa ngõ" để khai thác xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản cũng như các quốc gia châu Á. Năm 2022, Foodex Japan quy tụ gần 1.500 đơn vị đến từ 44 quốc gia và vùng lãnh thổ (77% doanh nghiệp đến từ các nước bên ngoài Nhật Bản), thu hút gần 33.800 khách tham quan đến từ 98 quốc gia trên thế giới (trong đó gần 11.000 khách quốc tế), đa số là các nhà bán buôn, bán lẻ, dịch vụ thực phẩm, sản xuất F&B.

Năm ngoái, tại khu gian hàng quốc gia Việt Nam chỉ có 5 doanh nghiệp, trưng bày 10 gian hàng. Tuy nhiên, Foodex Japan năm nay, 39 doanh nghiệp Việt Nam đã tham dự với nhiều tên tuổi lớn trong ngành nông nghiệp, thực phẩm như PAN Group, Vinamilk, Masan Consumer... Các mặt hàng Việt tham gia hội chợ bao gồm hàng nông sản; rau củ và hoa quả tươi, chế biến, đóng hộp; các sản phẩm thủy hải sản chế biến; thực phẩm dinh dưỡng, thực phẩm từ ngũ cốc; các loại đồ uống có cồn và không cồn; bánh kẹo.

Gian hàng PAN Group tại khu vực Việt Nam ở Foodex Japan 2023. Ảnh: PAN Group

Gian hàng PAN Group tại khu vực Việt Nam ở Foodex Japan 2023. Ảnh: PAN Group

Đại diện ban tổ chức đánh giá các gian hàng của doanh nghiệp Việt Nam có quy mô lớn hơn hẳn năm trước, đồng thời thu hút khách tham quan bởi cách trình bày mang đậm màu sắc Việt Nam cũng như sự phong phú của hàng hóa. Đây đều là các sản phẩm có chất lượng, phù hợp nhu cầu tiêu dùng của thị trường Nhật.

Nhật Bản là thị trường có nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ lớn các sản phẩm nông thủy sản - thực phẩm nước ngoài. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Nhật Bản đứng thứ 3 trong số thị trường lớn nhất tiêu thụ nông lâm thuỷ sản Việt Nam với giá trị xuất khẩu đạt 563 triệu USD (chiếm 9,0%) (chỉ sau Trung Quốc và Mỹ) trong 2 tháng đầu năm 2023.

Theo thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, cùng với sự đổi mới trong thị hiếu tiêu dùng, người dân Nhật Bản ngày càng quan tâm đến các sản phẩm chất lượng cao được nhập khẩu từ nước ngoài. Các sản phẩm nông thủy sản - thực phẩm của Việt Nam đang ngày càng phổ biến với đa dạng chủng loại trên các kệ hàng của các chuỗi siêu thị lớn tại Nhật Bản như AEON, Donkihote, Itoyokado...

Dù Việt Nam luôn thuộc top các quốc gia xuất khẩu nông sản trên toàn cầu, nhưng trong ấn tượng của nhiều khách quốc tế, sản phẩm từ Việt Nam vẫn chỉ là "nông sản thô". Bà Nguyễn Thị Trà My, Tổng Giám đốc Tập đoàn PAN cho rằng tham gia những hội chợ lớn như Foodex Japan không chỉ giúp mở rộng thị trường, quảng bá sản phẩm mà còn là cơ hội tốt và là trách nhiệm của những doanh nghiệp đầu ngành nhằm giúp định vị nông sản, thực phẩm Việt Nam ở thị trường quốc tế.

"Trước đây, thế giới nhìn chúng ta là quốc gia có sản lượng nông sản lớn nhưng không đánh giá cao về chất lượng. Chúng tôi muốn chứng minh rằng nông sản, thực phẩm được chế biến sâu, mang thương hiệu Việt Nam có thể tự tin về chất lượng sánh vai với sản phẩm của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới", bà Trà My nhấn mạnh.

Thực tế, các doanh nghiệp thành viên của PAN vốn đã quen thuộc với Foodex Japan nhưng đây là lần đầu tiên PAN tham gia ở quy mô toàn Tập đoàn với các sản phẩm tiêu biểu thuộc cả 3 nhóm nông nghiệp, thủy sản và thực phẩm đóng gói.

Cá basa mang thương hiệu Aquatex Bentre tại một siêu thị ở Nhật Bản. Ảnh: PAN Group

Cá basa mang thương hiệu Aquatex Bentre tại một siêu thị ở Nhật Bản. Ảnh: PAN Group

Ông Shin Yamanaga, Tổng Giám đốc công ty Vietlink LLC cho biết đã làm việc với nhiều nhà cung cấp từ Việt Nam trong gần 15 năm nay. Ông đánh giá sản phẩm từ Việt Nam đáp ứng rất tốt yêu cầu tại thị trường Nhật. Ví dụ, sau Covid-19, hệ thống các nhà hàng, khách sạn tại Tokyo không đủ nguồn nhân lực. Vietlink LLC rất cần các sản phẩm đông lạnh mà chỉ có nhà cung cấp từ Việt Nam mới đáp ứng được những yêu cầu rất chi tiết về chất lượng.

"Hôm nay đến Foodex Japan, tôi gặp Khang An Foods là một nhà cung cấp quen thuộc các sản phẩm thủy sản đông lạnh và rau củ phối chế. Tôi thấy rất thú vị khi gặp Khang An đi theo nhóm quy mô lớn hơn trước cùng các công ty thành viên của Tập đoàn PAN. Rõ ràng các bạn đã thấy tiềm năng lớn từ thị trường Nhật và đang làm rất tốt", ông Shin Yamanaga nói.

Theo lãnh đạo một doanh nghiệp Việt tham gia Foodex Japan, một yếu tố hỗ trợ cho nông sản, thực phẩm Việt tại Nhật Bản là số lượng người Việt Nam đến Nhật tăng nhanh trong những năm qua. Hàng nông thủy sản - thực phẩm nhập khẩu từ Việt Nam ngày càng được biết đến rộng rãi, được cả người Nhật, cộng đồng người Việt và người dân các nước châu Á khác đón nhận, đạt lượng tiêu thụ tốt. "Đây là những tiền đề cho thấy hàng nông thủy sản Việt Nam còn nhiều tiềm năng để xuất khẩu hơn nữa sang Nhật Bản trong thời gian tới", vị này nói.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm