Chứng khoán

“Định giá thị trường hấp dẫn, cơ hội thích hợp để tích sản cổ phiếu”

Tại Talkshow Phố Tài Chính (The Finance Street) trên VTV8 mới đây, ông Trương Quang Bình, Phó Giám Đốc Nghiên Cứu Khối Khách Hàng Tổ Chức, Công ty TNHH Chứng khoán Yuanta Việt Nam đã chia sẻ quan điểm về triển vọng các nhóm ngành cũng như cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán những tháng cuối năm.

BTV Mùi Khánh Ly: Theo ông, nền kinh tế thế giới hiện đang bước vào giai đoạn nào?

Ông Trương Quang Bình, Phó Giám Đốc Nghiên Cứu Khối Khách Hàng Tổ Chức, Công ty TNHH Chứng khoán Yuanta Việt Nam: Tôi cho rằng kinh tế toàn cầu đang đi vào giai đoạn suy thoái. Sau quá trình FED tăng lãi suất, lạm phát tại Mỹ đã có dấu hiệu chậm lại. Tuy nhiên hệ quả là GDP của Mỹ đã tăng trưởng âm hai quý liên tiếp, về mặt kỹ thuật đã bước vào giai đoạn suy thoái. Song, Mỹ cũng chưa phải là đại diện duy nhất cho kinh tế toàn cầu, như chúng ta thấy khối Châu Âu hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam cũng đang đối mặt với những rủi ro khó lường như lạm phát cao hoặc là thiếu năng lượng, tác động đến tăng trưởng kinh tế khu vực này trong nhiều tháng tới. Theo thống kê của Cục Nghiên cứu Kinh tế Mỹ, bình quân một đợt suy thoái như vậy sẽ kéo dài khoảng 17 tháng.

Như vậy, nếu tính suy thoái diễn ra từ đầu năm nay thì có thể tạm suy đoán là sẽ kết thúc vào giữa năm 2023. Ở thời điểm hiện tại tôi cho rằng chúng ta đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, tức là lạm phát có lẽ cũng đạt đỉnh và các Ngân hàng Trung ương có thể sẽ không tăng lãi suất đột ngột nữa.

BTV Mùi Khánh Ly: Theo ông, điều gì giúp cho thị trường tăng trở lại thời gian gần đây?

Trong cuộc họp FED đã đưa ra thông điệp tiếp tục lộ trình tăng lãi suất cho đến khi lạm phát được kiểm soát nhưng tốc độ sẽ chậm lại. Hiện tại, Việt Nam kiểm soát lạm phát tương đối tốt, dự báo GDP quý 3/2022 sẽ tăng trưởng trên 10% và GDP cả năm 2022 sẽ tăng trưởng khoảng trên 7%.

Những nhóm ngành như chứng khoán, ngân hàng và bất động sản khu công nghiệp đã hồi phục mạnh vừa qua. Nhóm ngành chứng khoán có một chất xúc tác đó là việc rút ngắn chu kỳ thanh toán xuống còn T+2 vào cuối tháng 8 sẽ làm tăng thanh khoản.

Đối với nhóm ngành ngân hàng, do định giá đã đi vào vùng hấp dẫn, kết quả kinh doanh quý 2 rất lạc quan khi mà 27 ngân hàng niêm yết đã công bố kết quả lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 37% so với cùng kỳ.

Trong thời gian tới, việc Ngân hàng Nhà nước có thể nới "room", vào khoảng giữa tháng 9, là một yếu tố hỗ trợ rất tốt. Ngoài ra, nhóm bất động sản khu công nghiệp cũng tăng mạnh. Ngoài ra là sự kỳ vọng vào việc hồi phục đầu tư vào Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài, tính đến cuối tháng 7 vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đã tăng trưởng khoảng 10% so với cùng kỳ.

Nhóm thép cũng đang được nhà đầu tư quan tâm dù kỳ vọng vẫn còn khó khăn đối với nhóm ngành này, theo ông vì sao?

Đối với ngành thép, giá thép trên thị trường giảm khoảng 32% so với mức đỉnh và hiện đang giao dịch ở vùng giá của những năm 2017 đến năm 2020. Do đó tôi cho rằng rủi ro giá thép tiếp tục giảm mạnh hơn nữa là rất thấp. Thực tế, diễn biến giá thép tại thị trường Trung Quốc đã hồi phục khoảng 7% kể từ giữa tháng 7, dựa trên kỳ vọng nền kinh tế của họ sẽ hồi phục mạnh mẽ và việc Chính phủ nước này hỗ trợ 150 tỷ USD cho các chủ đầu tư bất động sản để tiếp tục các dự án bị đình trệ.

Đối với giá cổ phiếu của ngành thép, đợt vừa qua các nhà đầu tư đã phản ứng tương đối tiêu cực và đẩy mặt bằng định giá về mức rất thấp và tương đối hấp dẫn. Hơn nữa, ngành xây dựng của Việt Nam hiện tại dư địa tăng trưởng còn rất cao. Giá trị của ngành xây dựng trên GDP của Việt Nam chỉ khoảng 7% trong khi khu vực là khoảng trên 10%.

Bên cạnh đó, trong năm nay Chính phủ sẽ thúc đẩy đầu tư công mạnh mẽ, đó là một yếu tố rất tích cực đối với cổ phiếu thép trong thời gian tới. Vì vậy, nếu nhà đầu tư có thể nắm giữ trong dài hạn thì đây cũng là một nhóm cổ phiếu tương đối tốt.

Nhiều nhà đầu tư đang quan tâm tới nhóm bất động sản, quan điểm của ông về nhóm này ra sao?

Trên thực tế, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản trong quý 2 có dấu hiệu hồi phục rõ rệt, doanh số của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết, khoảng 20 doanh nghiệp lớn nhất đã tăng khoảng 15% so với cùng kỳ. Nếu tính cả Vinhomes thì doanh số của ngành bất động sản tăng đến 59% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều yếu tố tương đối khó lường như lãi suất, đặc biệt là room tín dụng. Khi các vấn đề này được khơi thông sẽ là chất xúc tác rất lớn đối với đà tăng của nhóm cổ phiếu ngành bất động sản.

Tuy nhiên, nhìn chung về mặt dài hạn, ngành bất động sản vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng nhờ vào sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu tại Việt Nam. Mỗi năm sẽ có khoảng hơn 1 triệu người gia nhập các tầng lớp trung lưu này. Thứ hai, việc đẩy mạnh đầu tư công, đầu tư cơ sở hạ tầng cũng là một yếu tố hỗ trợ về mặt dài hạn đối với ngành bất động sản.

Thời gian qua xuất hiện một số nhóm ngành vẫn tăng giá tốt dù thị trường biến động như nhóm dầu khí, công nghệ, bán lẻ…theo ông đà tăng này có khả năng duy trì nữa không?

Nhóm dầu khí có một chất xúc tác là các dự án trọng điểm như lô B - Ô Môn trị giá 10 tỷ USD. Tuy nhiên, nhóm dầu khí trong quá khứ có mối tương quan rất lớn đối với giá dầu. Việc giá dầu điều chỉnh sẽ gây một chút áp lực lên đà tăng của cổ phiếu dầu khí. Còn nhóm ngành công nghệ tương đối ổn định và tăng trưởng ngay cả khi thị trường giảm sẽ vẫn là điểm sáng khi mà hoạt động kinh doanh của nhóm này tiếp tục tăng trưởng tích cực do hưởng lợi từ xu hướng số hóa của các doanh nghiệp trong nước.

Bên cạnh đó xuất khẩu phần mềm cũng tăng trưởng tương đối tốt, nhà đầu tư cũng không nên bỏ qua những doanh nghiệp có sự đầu tư và áp dụng công nghệ, số hóa trong hoạt động kinh doanh.

Đặc biệt là những doanh nghiệp bán lẻ có áp dụng công nghệ và số hóa trong hoạt động kinh doanh của mình. Giá trị bán lẻ online nền kinh tế số hiện tại còn rất nhỏ so với GDP. Do đó, dư địa để tăng trưởng trong dài hạn của các doanh nghiệp này tương đối lớn. Nhưng đó là về dài hạn, còn trong ngắn hạn, thời gian vừa qua nhóm này đã tăng trưởng khá tốt ngay cả khi thị trường rung lắc mạnh, do đó chúng tôi không kỳ vọng là trong ngắn hạn nhóm này tăng trưởng quá mạnh so với các nhóm ngành khác.

Trong các đợt suy thoái, sau khi giảm mạnh thì thị trường bao giờ cũng có một nhịp phục hồi mạnh trước khi quay đầu giảm thêm, rồi mới chính thức bước vào giai đoạn phục hồi dài hơi hơn? Liệu lần này có giống như vậy không?

Một chu kỳ của thị trường chứng khoán có bốn giai đoạn, đó là tích lũy, tăng trưởng, bão hòa và suy thoái. Hiện tại, tôi cho rằng đang ở giai đoạn tích lũy sau khi giảm mạnh. Thông thường, thị trường chứng khoán sẽ đi trước kinh tế khoảng sáu tháng nên nếu chúng ta lấy mốc là giữa năm 2023, kinh tế toàn cầu sẽ bắt đầu hồi phục thì có thể kỳ vọng thị trường chứng khoán sẽ bắt đầu đảo chiều và hồi phục trong dài hạn vào cuối năm nay.

Đây là thời điểm thích hợp để chúng ta bắt đầu tích lũy tài sản.

Vậy nhà đầu tư nên có phương án như thế nào vào giai đoạn này?

Theo tôi, các nhà đầu tư ở giai đoạn hiện tại nên hạn chế việc sử dụng đòn bẩy tài chính quá cao. Thứ hai, nhà đầu tư có thể bắt đầu tích lũy tài sản chất lượng cao cho mục tiêu dài hạn hơn, sẽ đem lại tỷ suất sinh lợi tốt hơn. Tôi không khuyến khích các nhà đầu tư cố gắng dự đoán các xu hướng ngắn hạn. Về cơ bản, định giá của thị trường đang rất hấp dẫn với mức P/E dự phóng 2022 là 12 lần. Trong khi tăng trưởng lợi nhuận trên một cổ phiếu được dự báo tăng trưởng ở mức 25%, vậy thì hệ số P/E trên mức tăng trưởng chỉ ở mức 0,5 lần, đây là mức định giá có thể nói là thấp kỷ lục trong một thập kỷ qua.

Chúng ta nên lựa những doanh nghiệp có mô hình kinh doanh tốt, có lợi thế cạnh tranh hoặc chi phí thấp, có sản phẩm có lợi thế, có tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn, có sự đầu tư vào năng lực sản xuất và có mức định giá thấp, cụ thể là có P/E khoảng trên dưới 10 và tăng trưởng ở mức khoảng 15-20%. Chúng ta có thể giải ngân vào những mã cổ phiếu này trong những lĩnh vực mà chúng ta đã trao đổi.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm