Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, quản lý hai sở giao dịch chứng khoán tại Hà Nội (HNX) và TP Hồ Chí Minh (HOSE).
Đầu tháng 8 này, VNX công bố báo cáo tài chính cho kỳ 6 tháng hoạt động đầu tiên kể từ khi ra mắt vào tháng 12/2021.
Báo cáo hợp nhất cho thấy doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ trong nửa đầu 2022 đạt xấp xỉ 1.982 tỷ đồng, không có số liệu cùng kỳ để so sánh tăng giảm.
Gần 95% số doanh thu này đến từ dịch vụ giao dịch chứng khoán, số còn lại đến từ các hoạt động khác như niêm yết chứng khoán, kết nối trực tuyến, cung cấp dịch vụ, thiết bị đầu cuối, … Giá vốn hàng bán chỉ là 83 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp lên tới gần 1.899 tỷ, ứng với biên lãi gộp 95,8%.
Doanh thu hoạt động tài chính đạt 56,5 tỷ đồng, chủ yếu đến từ lãi tiền gửi và tiền cho vay. VNX không vay nợ ngân hàng nên không có lãi vay, chi phí tài chính duy nhất là khoản lỗ chênh lệch tỷ giá hơn 17 triệu đồng.
Khoản chi phí lớn nhất của VNX là chi quản lý doanh nghiệp với 437 tỷ đồng trong nửa đầu năm. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, VNX ghi nhận lãi thuần từ hoạt động kinh doanh 1.518 tỷ đồng và lãi sau thuế 1.215 tỷ. Biên lãi ròng đạt 61,5%.
Thanh khoản giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam đạt đỉnh bình quân 53.200 tỷ đồng/phiên vào tháng 11/2021 rồi sa sút trong những tháng gần đây. Con số này bao gồm giao dịch cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ ở HOSE, HNX và UPCoM.
Giá trị mua bán trung bình trong 6 tháng đầu năm nay là khoảng 37.000 tỷ đồng, nhỉnh hơn so với mức khoảng 34.000 tỷ đồng của nửa đầu năm 2021. Tuy nhiên trong tháng 7/2022, thanh khoản thị trường lao dốc chỉ còn khoảng 20.100 tỷ đồng.
Tổng tài sản của VNX tại ngày 30/6 năm nay là 4.094 tỷ đồng, giảm hơn 500 tỷ so với đầu năm. Vốn chủ sở hữu bằng với vốn điều lệ và bằng 3.000 tỷ đồng, nợ phải trả chiếm 26,7% tổng nguồn vốn. Giá trị tiền mặt và tiền gửi là hơn 2.700 tỷ đồng, chiếm trên 2/3 tổng tài sản.