Tài chính

Đỉnh cao mới của giá vàng năm nay vẫn ở phía trước?

Giá vàng sẽ tăng lên mức cao mới trong năm nay khi các nhà đầu tư tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn trong thời điểm những yếu tố không chắc chắn trở nên tồi tệ hơn bởi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.

Giá vàng hợp đồng tham chiếu tại sàn New York tuần trước có lúc tăng lên trên 2.078 USD/ounce, chạm mức cao nhất kể từ tháng 8/2020, khi căng thẳng giữa Ukraine và Nga gia tăng và các nước phương Tây đang cân nhắc các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn nhằm vào Nga.

Fed tăng lãi suất

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hôm thứ Tư (16/3) đã tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2018 thêm 25 điểm cơ bản. Động thái của Fed luôn được các nhà đầu tư theo dõi chặt chẽ.

Trong một thị trường bình thường, việc tăng lãi suất thu hút các nhà đầu tư vào trái phiếu và tiền mặt, và tránh xa các tài sản không có lãi suất như vàng. Tuy nhiên, lần này có sự khác biệt. Chủ tịch Fed Jerome Powell đã nói rõ rằng Fed sẽ tăng lãi suất một cách thận trọng để tránh gây ra suy thoái kinh tế ở Mỹ và ông mới củng cố lập trường thận trọng đó kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine."

"Nếu Fed thực hiện theo kế hoạch của mình thì lãi suất cuối năm nay sẽ ở mức 1,75%, và sẽ duy trì dưới 2% trong năm nay. Tôi không nghĩ thị trường có nhiều điều phải lo lắng". George Milling-Stanley, người phụ trách mảng chiến lược về vàng của công ty tư vấn State Street Global Advisors – trụ sở ở Mỹ - cho biết. "Bây giờ chúng ta đã biết mức lãi suất tăng lần đầu tiên, và chúng ta biết có thể đầu tư/dự trữ những gì trong 9 tháng tới. Chúng tôi sẽ tập trung chú ý hơn tới các dữ liệu lạm phát. Đó có lẽ là điều đúng đắn để tập trung vào."

Ông Milling-Stanley cho biết: "Lịch sử cho thấy giá vàng thường xuyên tăng đồng thời với việc tăng lãi suất, và nói thêm rằng đây chính xác là những gì đã xảy ra khi Fed tăng lãi suất 9 lần trong khoảng thời gian từ tháng 12 năm 2015 đến tháng 12 năm 2018 – khi giá vàng tăng 17%, và khi Fed tăng lãi suất 17 lần từ tháng 6 năm 2004 đến tháng 6 năm 2006 – khi giá vàng tăng 57%.

"Với những bài học lịch sử, kết hợp với môi trường hiện tại có mức độ bất ổn đáng kể cả về kinh tế và địa chính trị, tôi kỳ vọng giá vàng sẽ tiếp tục tăng", ông nói thêm.

Lạm phát và cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine

Lạm phát tiếp tục cao cùng với sự gia tăng căng thẳng địa chính trị đã tạo tiền đề cho giá vàng tăng cao trong năm nay. Vàng thường được các nhà đầu tư sử dụng như một hàng rào chống lại lạm phát.

Giá vàng thỏi trong khoảng 10 ngày qua đã hạ nhiệt khi Nga và Ukraine tiến hành đàm phán hòa bình. Tuy nhiên, trước đó không lâu, giá đã lập kỷ lục gần cao nhất trong lịch sử cũng bởi cuộc xung đột giữa 2 quốc gia này.

"Tôi hy vọng nhà đầu tư vàng sẽ tiếp tục gia tăng lợi nhuận cho đến khi đạt được một số thứ có thể giải quyết vấn đề Ukraine, điều mà hiện tại có vẻ còn rất xa vời", ông Milling-Stanley cho biết. Và ông thêm rằng: "Tôi sẽ không đặt cược vào việc giá vàng tăng trong tình huống này (cuộc khủng hoảng ở Ukraine được giải quyết)", vì cuộc việc Nga thực hiện "chiến dịch đặc biệt" ở Ukraine đã ‘đổ thêm dầu’ vào một môi trường kinh tế và chính trị vốn đã không chắc chắn.

Nhu cầu vàng dự trữ tăng mạnh trên toàn cầu

Môi trường hiện tại quá bất định, đồng thời với đại dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn, khiến các nhà đầu tư tiếp tục tích trữ vàng. Ông Milling-Stanley cho hay: "Các giao dịch mua vàng đến từ nhiều nhà đầu tư, từ cá nhân đến các tổ chức lớn".

Theo Hội đồng Vàng Thế giới, nhu cầu vàng thỏi, vàng miếng và đồng xu vàng năm 2021 đạt 1.124 tấn, mức cao nhất trong gần một thập kỷ, với mức đầu tư của Mỹ và Đức cao kỷ lục. Ông Milling-Stanley kỳ vọng xu hướng này sẽ tiếp tục.

Theo ông Milling-Stanley: "Sự gia tăng mạnh mẽ nhu cầu vàng thỏi, vàng miếng và đồng xu vàng trên khắp thế giới trong năm ngoái đang làm gia tăng lo ngại về lạm phát sẽ còn nóng hơn nữa từ phía các nhà đầu tư cá nhân". "Không có gì phải bàn cãi khi nhận thức rằng vai trò của vàng trong việc cung cấp một số biện pháp bảo vệ chống lại lạm phát cao là một yếu tố thúc đẩy mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là ở châu Âu."

Dòng tiền chảy vào các quỹ giao dịch hoán đổi được hỗ trợ bằng vàng (ETF) đang tăng trên toàn cầu. Theo Hội đồng Vàng Thế giới, các quỹ ETF vàng toàn cầu đã hút ròng 35,3 tấn vàng trong tháng Hai vừa qua.

Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho biết ngân hàng trung ương Nga có 2.298 tấn vàng tính đến tháng 1, là kho dự trữ lớn thứ năm thế giới, sau Mỹ, Đức, Italy và Pháp. Cũng theo WGC, Nga đã tăng hơn gấp đôi lượng vàng nắm giữ trong thập kỷ qua lên 21% tổng dự trữ.

Đỉnh cao mới của giá vàng năm nay vẫn ở phía trước? - Ảnh 1.

Dự trữ tiền vàng của Ngân hàng trung ương Nga. (Nguồn: Statista)

Nga có thể phá giá thị trường vàng hay không?

Đã có những đồn đoán trên thị trường về việc liệu Nga có bán bất kỳ lượng vàng nào của mình để bảo vệ tiền tệ và nền kinh tế quốc gia trước các lệnh trừng phạt khắc nghiệt hay không.

Với việc đồng rúp giảm giá 80% giá trị từ đầu năm, xuống còn khoảng 136 rúp ăn một đô la, Nga đã bị cấm tham gia mạng thanh toán quốc tế SWIFT và Mỹ cấm cả nhập khẩu dầu của Nga, một số người đã tự hỏi liệu Moscow có bán vàng để bù đắp tài chính hay không.

"Rất khó để nhìn thấy một kịch bản trong đó đất nước đột ngột quay đầu và bắt đầu bán vàng lấy ngoại tệ, vốn chiếm 80% dự trữ quốc gia", ông Milling-Stanley nói. Theo ông, bất kỳ nỗ lực nào của Nga nhằm bán vàng sẽ gặp trở ngại.

Ông Milling-Stanley cho biết: "Khoảng 95% dự trữ vàng của Nga được cho là được cất giữ ở Moscow và bất kỳ hoạt động mua bán nào từ những kho dự trữ này sẽ liên quan đến việc vận chuyển đến một trung tâm tài chính quốc tế". "Và tất cả những điều này đặt ra câu hỏi về việc ai có thể đóng vai trò là đối tác cho bất kỳ hoạt động bán vàng nào mà Nga có thể thực hiện, giữa các lệnh trừng phạt quốc tế hiện hành."

Đỉnh cao của giá vàng năm nay có thể vẫn nằm ở phía trước

Với hàng loạt yếu tố bất định như trên, các nhà đầu tư vẫn lạc quan vào triển vọng giá vàng tuần tới, cũng như trong thời gian cuộc xung đột Nga – Ukraine chưa đến hồi kết.

Kết quả khảo sát của Kitco News cho thấy, đa số các nhà đầu tư trên Phố Wall và Phố Chính dự báo giá vàng tuần tới sẽ tăng. Trong số 16 nhà phân tích trên Phố Wall tham gia cuộc khảo sát thì có 9 người, tương đương 56% cho rằng giá vàng tăng tuần tới; chỉ có 4 người (24%) dự báo giá giảm, và 19% số người còn dự báo giá đi ngang. Trên Phố Chính, có 822 phiếu khảo sát trực tuyến được phát đi, trong đó 560 người, tương đương 68% kỳ vọng giá sẽ tăng trong tuần tới, 18% dự báo giá giảm và 14% dự báo đi ngang.

Về triển vọng xa hơn, State Street Corp. – công ty đang quản lý khối tài sản trị giá 3,9 nghìn tỷ USD, và quản lý SPDR Gold Shares, quỹ ETF vàng vật chất lớn nhất trên thế giới – rất lạc quan rằng giá sẽ còn tăng nữa, và khuyến nghị các nhà đầu tư nên phân bổ "khoảng từ 2% đến 20%" tài sản của họ vào vàng, tùy thuộc vào nhu cầu cá nhân về tính thanh khoản và mức độ sẵn sàng chấp nhận rủi ro.

Tham khảo: Nikkei


Cùng chuyên mục

Đọc thêm