Doanh nghiệp

Bộ Công Thương mở "gian hàng Việt Nam" trên Alibaba: Kỳ hạn 1 năm, đưa sản phẩm, thương hiệu và cả câu chuyện của doanh nghiệp Việt "xuất ngoại"

Cục Xúc tiến Thương mại – Bộ Công Thương vừa ký kết biên bản ghi nhớ với Alibaba.com – nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) toàn cầu giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B), qua đó sẽ xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi số, tìm kiếm các cơ hội kinh doanh trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh và giãn cách xã hội.

Được biết, Việt Nam sau đại dịch đã bước vào thời kỳ "bình thường mới", và sự phục hồi của thế giới đang dần tăng tốc. Tuy nhiên, nếu có một điều kéo dài từ đại dịch trong 2 năm qua, đó có lẽ là sức mạnh của xúc tiến thương mại trên môi trường số (kết nối kinh doanh, xây dựng mạng lưới, xuất khẩu trực tuyến…).

Nhìn lại 2 năm 2020-2021, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, đầu tư và kinh doanh trên toàn thế giới, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và thương mại quốc tế. Hoạt động xúc tiến thương mại cũng gặp nhiều khó khăn. Không thể thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống cần trao đổi trực tiếp giữa nhà cung cấp, nhà phân phối, người mua, nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu. 

Một báo cáo cũng ghi nhận, Covid-19 đã ảnh hưởng "phần lớn" hoặc "hoàn toàn tiêu cực" tới 87,2% doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có việc tiếp cận khách hàng, dòng tiền, nhân công, chuỗi cung ứng của doanh nghiệp, theo một báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB). Để khắc phục các tác động này, một trong những giải pháp để các doanh nghiệp tìm khách hàng mới, thị trường tiêu thụ mới là tham gia vào các kênh TMĐT để xúc tiến thương mại.

Trong khi đó, là một trong những quốc gia sản xuất đại diện cho khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đã và đang có được uy tín mạnh mẽ đối với các khách hàng toàn cầu với năng lực sản xuất, sản phẩm chất lượng cao, giá cả cạnh tranh và định hướng tập trung xuất khẩu. Các mặt hàng của doanh nghiệp Việt Nam được thị trường quốc tế yêu thích phải kể đến thực phẩm, đồ uống, nhà, vườn, làm đẹp, chăm sóc cá nhân và nông nghiệp…

Trong bối cảnh đó, hoạt động xúc tiến thương mại trên nền tảng số đã được Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với các nền tảng TMĐT, trong đó hoạt động đào tạo phối hợp với Alibaba.com đã được các đối tác và doanh nghiệp nhỏ và vừa đón nhận và đánh giá cao.

Lần ký kết này, Bộ kỳ vọng Gian Hàng Việt Nam được triển khai trong một năm kể từ tháng 3/2022 tới sẽ là không gian hàng hoá của Việt Nam trên sàn TMĐT Alibaba.com, tập hợp giới thiệu các thương hiệu, sản phẩm, các câu chuyện thành công của các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu.

Trên vai trò người trong cuộc, con đường xuất khẩu là con đường bắt buộc trong định hướng phát triển của công ty, doanh nghiệp theo đó chọn xuất khẩu trực tuyến bởi đó là cách nhanh nhất, chi phí tối ưu nhất để tiếp cận khách hàng. "Ưu điểm nói chung của TMĐT chính là việc có thể tiếp cận được với khách hàng trên toàn thế giới chỉ bằng những cú nhấp chuột không phân biệt thời gian, địa điểm và có thể tiết kiệm được rất nhiều chi phí marketing, lưu kho, công tác, chi phí tiếp cận khách hàng…", một doanh nghiệp nói.

Hay đơn vị DSW, đại diện Công ty cũng cho biết thông qua TMĐT, doanh thu Công ty năm qua đã tăng từ mức 3.000 USD cho đơn hàng đầu tiên đến nay đạt được 260.000 USD ngay trong mùa dịch.

Trước đó, Cục Xúc tiến Thương mại và Alibaba.com cũng đã ký Biên bản ghi vào tháng 3/2021, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại. Trong đó, hơn 2.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa đã xuất khẩu trong nước, tại các thành phố như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Yên Bái, Thái Nguyên, Hưng Yên, Bắc Giang; khu vực miền trung có Quy Nhơn; khu vực miền nam có Long An, ĐôngTháp, Tây Ninh, Cà Mau và Kiên Giang.

Cùng với các hiệp định thương mại tự do FTA được ký kết gần đây; và tăng trưởng thương mại toàn cầu gia tăng mạnh mẽ, đạt mức cao nhất mọi thời đại là 28.000 tỷ USD trong năm qua, cao hơn 11% so với mức trước Covid (theo Liên hợp quốc, UNCTAD và IMF). Đây là những ưu điểm và điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tìm kiếm các mô hình kinh doanh bền vững thông qua các phương tiện số, từ đó, tăng tốc phục hồi và thậm chí có được tăng trưởng bền vững, giảm bớt rào cản xuất khẩu vào các thị trường mới.

Đại diện Alibaba.com Việt Nam cũng bày tỏ: "Tôi đã chứng kiến ​​sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế và xuất khẩu Việt Nam thông qua sức mạnh kỹ thuật số và TMĐT. Bất chấp những khó khăn và trở ngại lớn, một số ngành công nghiệp của Việt Nam đã đạt được những kỷ lục xuất khẩu đáng chú ý như sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm đồ uống.

Nhìn vào khía cạnh tích cực, tôi tin rằng TMĐT toàn cầu có thể làm được nhiều việc hơn nữa để giúp các nhỏ và vừa Việt Nam nâng tầm quy mô sản xuất, khai phá thị trường quốc tế, tăng sản lượng xuất khẩu, tạo thêm việc làm, đào tạo thêm nhiều lao động hiểu biết về TMĐT và có tác động tích cực đến nền kinh tế đất nước".

Cùng chuyên mục

Đọc thêm