Cao huyết áp là một chẩn đoán bệnh nghiêm trọng nhưng nó có thể được kiểm soát bằng những thay đổi lối sống phù hợp.
Rất có thể nếu bạn được bác sĩ thông báo mình bị cao huyết áp hoặc có nguy cơ mắc bệnh cao, bạn cũng đã được cảnh báo về một số loại thực phẩm nên tránh xa. Thế nhưng, bạn có biết nên thêm những loại thực phẩm nào vào chế độ ăn hàng ngày sẽ giúp kiểm soát huyết áp tốt nhất?
Dưới đây là danh sách những thực phẩm bạn nên ăn thường xuyên trong các bữa ăn để kiểm soát bệnh cao huyết áp. Ai đang có nguy cơ cao mắc bệnh cũng nên ăn đều đặn.
7 thực phẩm giúp cải thiện tim mạch, kiểm soát cao huyết áp hiệu quả nhất
1. Rau lá xanh
Các loại rau lá xanh đậm như rau bina và cải xoăn rất tốt cho sức khỏe của bạn. Thế nhưng, có thể bạn không biết, chúng đặc biệt hữu ích đối với những người bị cao huyết áp.
Chuyên gia dinh dưỡng Trista Best (làm việc tại Balance One Supplements) cho biết, magiê là một khoáng chất hiếm khi được coi là có nhiều vai trò trong cơ thể. Với hơn 600 chức năng ở cấp độ tế bào, nó có thể giúp giảm huyết áp bằng cách tăng sản xuất oxit nitric, giúp thư giãn các mạch máu.
Ngoài rau lá xanh, bạn muốn phòng tránh cao huyết áp hoặc ổn định huyết áp , có thể bổ sung ngũ cốc nguyên hạt và các loại đậu.
2. Cá béo
Chuyên gia dinh dưỡng Janet Coleman (chuyên gia dinh dưỡng đã đăng ký với The Consumer Mag) cho biết, một điều hữu ích cần làm cho huyết áp của bạn là "ăn ít nhất 2 phần cá béo, chẳng hạn như cá hồi hoặc cá thu, đều đặn mỗi tuần vì chúng giàu axit béo omega-3, rất có lợi cho sức khỏe tim mạch ".
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nutrition cho thấy, ăn cá hồi 3 lần mỗi tuần giúp giảm huyết áp và có nhiều tác dụng hơn so với các loại cá nạc.
3. Sữa và sữa chua
Nếu bạn là người yêu thích các sản phẩm từ sữa, điều này thực sự có lợi để kiểm soát huyết áp của bạn. Theo TS Coleman, sữa và sữa chua có thể giúp bạn kiểm soát mức huyết áp của mình.
"Sữa và sữa chua rất giàu protein và canxi. Cả hai đều cần thiết cho xương khỏe mạnh. Chúng cũng chứa kali, giúp giảm huyết áp", chuyên gia nhận định.
4. Cải chíp
Nếu bạn đang tìm kiếm một loại rau ngon để thêm vào bữa ăn tối của mình, hãy thử thêm một chút rau cải chíp.
TS Rachel (chuyên gia dinh dưỡng đã đăng ký và là chủ sở hữu của To The Pointe Nutrition) cho biết: "Cải chíp có hàm lượng vitamin A và C, cùng với canxi và chất xơ dồi dào. Trong khi đó, canxi được biết đến để hỗ trợ huyết áp tối ưu vì nó đóng một vai trò trong việc co và giãn mạch máu".
5. Quả bơ
Bơ chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho tim mạch, giúp bạn kiểm soát huyết áp, cực kỳ tốt cho người bị cao huyết áp.
Chuyên gia nhận định, bơ giàu kali, giúp cân bằng điện giải và giảm huyết áp. Trong khi đó, kali hoạt động giống như magiê ở chỗ nó làm giãn các mạch máu giúp lưu thông máu tốt hơn.
6. Tỏi
Tỏi đã được sử dụng trong nhiều thế kỷ như một loại thuốc tự nhiên để điều trị nhiều loại bệnh. Trong những năm gần đây, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tỏi có thể giúp giảm chứng bệnh cao huyết áp.
Trên thực tế, một đánh giá gần đây từ Y học Thực nghiệm và Trị liệu cho thấy, các chất bổ sung từ tỏi có hiệu quả trong việc giảm huyết áp và cải thiện sức khỏe tim mạch. Họ cũng phát hiện ra rằng việc hấp thụ đầy đủ vitamin B12 giúp tăng hiệu quả của tỏi.
7. Chuối
Kali có thể giúp ích đáng kể cho những người bị cao huyết áp hoặc những người có nguy cơ mắc chứng bệnh này. Thực phẩm giàu kali như chuối cần thêm vào chế độ ăn uống của bạn để giảm huyết áp, giúp tim mạch luôn khỏe mạnh.
Ngoài chuối, bạn có thể ăn bơ, trái cây sấy khô, rau bina, khoai tây... đều có thể dễ dàng được thêm vào chế độ ăn uống hàng ngày để kiểm soát huyết áp.
Ngoài việc thường xuyên ăn 7 thực phẩm trên, cần làm gì để phòng tránh cao huyết áp hiệu quả?
Theo GS.TS Nguyễn Lân Việt (Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam), những dấu hiệu đầu tiên của bệnh cao huyết áp có thể là đau đầu, chóng mặt, cảm thấy có ruồi bay trước mắt, tiếng o o trong tai.
Đôi khi bệnh không có biểu hiện gì nhưng khi phát hiện thì đã bị tai biến mạch máu não (biểu hiện có thể là đang nói bình thường tự nhiên bị nhịu, méo miệng, rối loạn vận động, tê bì chân tay, liệt nửa người…).
Để phòng tránh cao huyết áp, mọi người cần:
- Khám sức khỏe định kỳ và đo tăng huyết áp thường xuyên.
- Nên ăn nhạt hơn, uống bia rượu ít đi, bỏ thuốc lá.
- Hoạt động thể lực đều đặn 30-60 phút mỗi ngày.
- Chú ý đến việc thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý, tránh stress...