Tài chính

Điều làm chính phủ Trung Quốc lo "sốt vó": Làm shipper kiếm hơn 2.000 đô/tháng, lao động trẻ nhập cư "chê" việc tại nhà máy

"Thà làm shipper còn hơn công nhân" 

Những công nhân nhập cư trẻ tuổi Trung Quốc đang từ chối công việc nhàm chán tại các nhà máy. Đây là một ngành nghề mà các thế hệ trước đều rất hài lòng. Giờ đây, nhiều người trẻ sẵn sàng gia nhập "đội quân" shipper của Trung Quốc, với mức thu nhập hấp dẫn và giờ làm việc linh hoạt hơn.

Liao Yong – shipper 19 tuổi ở Bắc Kinh, cho biết: "Thực tập tại một nhà máy chẳng dạy cho bạn điều gì." Với công việc này, Liao có thể dễ dàng kiếm được 15.000 tệ (2.350 USD)/tháng, gấp đôi so với làm công nhân ở một nhà máy nào đó.

Liao nói: "Trong 7-8 giờ/ngày, công việc cứ lặp đi lặp lại. Tôi không có cơ hội để cải thiện kỹ năng và thăng tiến. Còn giao hàng thì vui hơn, tôi có thể nhìn thấy nhiều thứ và gặp gỡ những người khác nhau."

Bình luận của Liao về công việc tại nhà máy – nơi được gọi là "công xưởng của thế giới", cũng phản ánh một cuộc tranh luận thu hút nhiều sự chú ý vào tháng trước. Khi đó, một nhà sản xuất động cơ và ô tô chỉ trích các công ty cung cấp dịch vụ giao hàng về việc tuyển dụng lao động trẻ.

Nhà sản xuất trên cho biết trong một cuộc họp rằng tình trạng này đang làm tăng thêm những khó khăn mà ngành của họ phải đối mặt. Lãnh đạo công ty đã kêu gọi người trẻ hãy gia nhập đội ngũ sản xuất của họ. 

Tuy nhiên, đối với nhiều lao động nhập cư trẻ của Trung Quốc, đó lại là một dấu hỏi lớn. Đối với họ, công việc ở nhà máy mà cha mẹ họ làm để chi trả cho cuộc sống ở nông thôn đang kém hấp dẫn hơn, ngay cả khi không tính đến những cơ hội mới và sự bùng nổ của dịch vụ giao hàng ở thành thị.

Wang Juncheng – một shipper 21 tuổi ở Bắc Kinh chia sẻ: "Tôi có thể tự do quản lý thời gian của mình. Tôi có thể kiếm được nhiều tiền hơn nếu làm thêm giờ."

Theo Zhuang Bo – nhà kinh tế học về Trung Quốc tại công ty đầu tư Loomis, Sayles & Company, lao động nhập cư Trung Quốc ngày càng chán nản với công việc tại nhà máy. Zhuang cho hay: "Lao động nhập cư trẻ tuổi ngày nay muốn được sống mà không bị gò bó. Họ hy vọng được sống và ở lại thành phố. Đối với nhiều người, làm bồi bàn ở một nhà hàng còn hấp dẫn hơn là làm việc tại nhà máy."

Điều làm chính phủ Trung Quốc lo sốt vó: Làm shipper kiếm hơn 2.000 đô/tháng, lao động trẻ nhập cư chê việc tại nhà máy  - Ảnh 1.

Trong khi đó, tình trạng khan hiếm kỹ sư lành nghề đang tạo áp lực ngày càng lớn đến các nhà sản xuất. Tình trạng thiếu hụt lao động cũng đang cản trở nỗ lực đầy tham vọng của Trung Quốc trong việc thúc đẩy hoạt động của các nhà máy thông minh – điều mà Bắc Kinh kỳ vọng sẽ là động lực chính cho nền kinh tế trong tương lai.

Theo Bộ Nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc, đến năm 2025, gần 30 triệu việc làm trong lĩnh vực sản xuất của nước này sẽ bị "bỏ không". Ngoài ra, khoảng 1 nửa trong số 100 ngành nghề đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng, đặc biệt là các vị trí trong bộ phận sản xuất trong nửa cuối năm ngoái.

Cục Thống kê Quốc gia cho biết vào năm ngoái, khoảng 44% các công ty công nghiệp cho biết khó khăn trong việc tuyển dụng là thách thức lớn nhất với họ.

Larry Hu – nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Macquarie Group, nhận định, mức lương trung bình tăng cùng với sự phát triển của ngành dịch vụ tại Trung Quốc tạo nhiều cơ hội việc làm với thù lao cao hơn cho người lao động.

Ông nói thêm: "Lý do giúp Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới và nhận được rất nhiều đơn đặt hàng từ các nước phát triển là người trẻ ở những nơi đó không muốn làm các công việc lắp ráp với mức lương thấp nữa. Trung Quốc hiện cũng đạt đến giai đoạn này, đó là kết quả của sự phát triển kinh tế."

Trung Quốc cần làm gì để khắc phục tình trạng thiếu lao động?

Trước những khó khăn như vậy, Trung Quốc vẫn đề ra một trong những kế hoạch tự động hóa được cho là tham vọng nhất thế giới. Theo kế hoạch 5 năm về lĩnh vực sản xuất thông minh, Trung Quốc đặt mục tiêu số hóa 70% các nhà sản xuất trong nước vào năm 2025.

Từ lâu, các chuyên gia đã tranh luận về việc liệu Trung Quốc có nên cải tổ lĩnh vực công nghiệp của mình bằng cách loại bỏ hoặc chuyển nhượng hoạt động sản xuất cấp thấp hay không. Một số ý kiến cho rằng kế hoạch này sẽ giúp tăng lương cho người lao động và giúp giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động.

Zhuang nói: "Miễn là các nhà máy giúp người lao động nâng cao chất lượng cuộc sống, ví dụ như đưa ra mức lương cao hơn và quyền lợi về nhà ở, thì tình trạng thiếu lao động sẽ được giảm thiểu. Thiếu hụt lao động chỉ là một vấn đề khi họ trả lương thấp."

Không chỉ gặp khó khăn trong việc tuyển dụng công nhân trong dây chuyền lắp ráp, các nhà sản xuất còn thiếu nhân sự lành nghề, chẳng hạn như kỹ sư trong lĩnh vực sản xuất thông minh. Ngành này đang rất cần các vị trí như quản trị dữ liệu, kiến trúc phần mềm, kỹ thuật dữ liệu, kỹ thuật thông minh và kỹ thuật robot. Trong khi đó, các ngành này lại không mấy phổ biến trong các trường đại học.

Để giải quyết những vấn đề nan giải này, Bắc Kinh đã thiết lập Kế hoạch Ngàn người tài vào năm 2008. Mục đích là để thu hút các nhân tài và học giả Trung Quốc ở nước ngoài, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, với những khoản tài trợ bằng tiền mặt cho chi phí nghiên cứu và sinh hoạt của họ. Tuy nhiên, kế hoạch này lại vấp phải sự giám sát chặt chẽ từ chính phủ Mỹ, khi Washington cáo buộc Bắc Kinh sử dụng những nghiên cứu, tài sản trí tuệ của Mỹ để thúc đẩy nền kinh tế và quân sự.

Điều làm chính phủ Trung Quốc lo sốt vó: Làm shipper kiếm hơn 2.000 đô/tháng, lao động trẻ nhập cư chê việc tại nhà máy  - Ảnh 2.

Wang Dan – nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Hang Seng, nhận định, căng thẳng địa chính trị trong những năm gần đây đã cản trở dòng nhân tài trở về Trung Quốc. Bà cho rằng, việc ươm mầm tài năng trong nước sẽ là một quá trình chậm chạp, do kinh phí và nguồn lực hạn chế.

Doanh nhân Cao Dewwang – chủ nhà máy Fuyao Glass, nổi tiếng sau bộ phim tài liệu American Factory, cho biết hồi năm ngoái rằng ông sẽ đầu tư 10 tỷ NDT (1,58 tỷ USD) để xây dựng một ngôi trường mới là Đại học Khoa học và Công nghệ Fuyao.

Song, Wang lại bày tỏ nghi ngờ về nỗ lực này vì trước đó ít có trường hợp nào trước đó thành công. Bà nói: "Chi phí vận hành quá cao. Nếu không có trợ cấp của chính phủ, các trường đại học tư khó có thể phát triển bền vững."

Theo Zhuang đến từ Loomis, Sayles & Company, Đức là một ví dụ cho Trung Quốc trong việc nâng cao chuỗi giá trị bằng cách phát triển một ngành sản xuất hiện đại và đào tạo công nhân tay nghề cao. Ông nói: "Người lao động Đức được hưởng các lợi ích rất cạnh tranh và đảm bảo việc làm mà không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi chu kỳ kinh tế toàn cầu. Do đó, các sản phẩm công nghiệp của Đức đều có giá trị cao."

Zhuang nói thêm: "Có thể thấy, việc giải quyết tình trạng thiếu lao động sản xuất cần giải quyết bằng cách đầu tư nhiều hơn cho R&D, tăng lợi nhuận sản xuất, tiền lương và phúc lợi cho người lao động. Các chương trình đào tạo cũng cần được cải tiến."

Tham khảo SCMP

Cùng chuyên mục

Đọc thêm