Chiều 22/4, tham luận tại Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đánh giá việc phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) là yêu cầu chính đáng và tất yếu của doanh nghiệp và nền kinh tế. Đây là thị trường tiềm năng và còn nhiều dư địa để phát triển.
Huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu giúp doanh nghiệp có được nguồn vốn trung dài hạn với khối lượng lớn, chi phí hợp lý, cơ cấu linh hoạt.
Ông cho biết dư nợ tín dụng của Vietcombank đạt hơn 1 triệu tỷ đồng trong đó danh mục đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) chỉ chiếm 1 tỷ trọng nhỏ trong danh mục tín dụng. Tại thời điểm 31/3/2022, dư nợ TPDN của Vietcombank ở mức 11.400 tỷ đồng (khoảng 1% tổng dư nợ cho vay).
Ông khẳng định việc đầu tư, giao dịch TPDN của Vietcombank tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật, được quản trị với cùng chuẩn mực như hoạt động cho vay nhằm đảm bảo kiểm soát được dòng tiền và mục đích sử dụng vốn.
"Toàn bộ dư nợ TPDN của Vietcombank hiện đều được phân loại nợ nhóm 1, các doanh nghiệp phát hành đều kinh doanh hiệu quả và thanh toán đúng hạn", lãnh đạo Vietcombank chia sẻ.
Để giúp thị trường vốn nói chung và thị trường TPDN nói riêng phát triển an toàn, minh bạch, hiệu quả, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, Chủ tịch Vietcombank đưa ra ba ý kiến như sau:
Thứ nhất, xếp hạng tín nhiệm độc lập là một nền tảng hạ tầng quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường vốn nói chung và thị trường TPDN nói riêng.
Do đó, một mặt rất cần khuyến khích sự hình thành và phát triển của các công ty xếp hạng tín nhiệm. Mặt khác cần sớm yêu cầu xếp hạng tín nhiệm độc lập bắt buộc đối với doanh nghiệp phát hành và trái phiếu phát hành.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc yêu cầu xếp hạng tín nhiệm bắt buộc đối với doanh nghiệp và trái phiếu phát hành là một trong các yếu tố then chốt giúp thị trường hoạt động minh bạch, hiệu quả. Xếp hạng tín nhiệm một mặt giúp bảo vệ các nhà đầu tư, mặt khác giúp doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, có dự án tốt, huy động được vốn với chi phí thấp (việc xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành và TPDN phát hành hiện nay là chưa bắt buộc theo quy định tại Nghị định số 155/2020/NĐ-CP).
Thứ hai, quy mô TPDN phát hành riêng lẻ đã có những bước phát triển vượt bậc trong những năm vừa qua, lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng mỗi năm và lớn hơn nhiều so với quy mô TPDN phát hành ra công chúng.
Trong khi các TPDN phát hành ra công chúng được niêm yết và giao dịch tập trung tại HNX, tuyệt đại bộ phận các TPDN phát hành riêng lẻ được lưu ký và giao dịch phân tán.
Do đó, nên sớm xem xét hình thành thị trường giao dịch tập trung đối với TPDN phát hành riêng lẻ. Điều này sẽ làm tăng tính minh bạch của thị trường, tăng khả năng giám sát của các cơ quan quản lý, bảo vệ tốt hơn cho nhà đầu tư. VCB xin được đăng ký cung cấp dịch vụ ngân hàng thanh toán cho thị trường giao dịch tập trung TPDN phát hành riêng lẻ.
Thứ ba, cơ chế bảo vệ nhà đầu tư cũng cần được liên tục cải thiện. Bên cạnh việc tăng cường đào tạo, truyền thông cho công chúng về các kiến thức đầu tư từ phổ thông tới nâng cao, cần thiết phải hoàn thiện các cơ chế quản lý, giám sát.
Công tác hậu kiểm và chế tài đi kèm đối với các DN phát hành, các tổ chức tham gia vào qui trình phát hành và giao dịch TPDN phải đủ sức răn đe để đảm bảo thị trường hoạt động công khai, minh bạch, có kỷ cương, kỷ luật.