Theo Financial Times, hồi tháng 1, tỷ phú Mike Novogratz, một ngôi sao trong lĩnh vực quỹ phòng vệ đồng thời là một nhà đầu tư lớn vào tiền mã hoá, chia sẻ trên Twitter cá nhân hình xăm mới trên vai trái. Hình xăm này có hình một con sói đang tru lên về phía mặt trăng kèm theo đó là dòng chữ “Luna”, một đồng tiền mã hoá thời điểm đó đang giao dịch với giá 78 USD.
Đến đầu tháng 4, giá Luna đạt đỉnh ở mức 116 USD sau khi có thêm nhiều người mua vào. Dù vậy, vào tuần này, Luna đã để mất tất cả. Giá trị của nó trượt về mốc 0 sau khi TerraUSD, đồng token “chị em” của Luna, sụp đổ bất chấp việc nó được thiết kế để neo giữ giá theo giá trị đồng USD.
Hiện chưa rõ Mike Novogratz sẽ làm gì với hình xăm của mình. Thế nhưng, sự sụp đổ của Luna và Terra đã để lại một “vết sẹo” trên thị trường tiền mã hoá toàn cầu. Thực tế, những đồng tiền mới xuất hiện và biến mất không phải một điều mới mẻ ở thế giới tiền mã hoá kể từ khi Bitcoin được tạo ra vào năm 2019. Dù vậy, thất bại của Terra là một vấn đề hoàn toàn khác. Terra là một stablecoin, đồng tiền có mức độ biến động thấp do chức năng của nó đơn thuần được gắn với giá trị đồng USD.
Sự sụp đổ của Terra, đặc biệt đúng vào lúc thị trường tiền mã hoá chìm trong sắc đỏ, làm dấy lên nhiều câu hỏi về chức năng của thị trường tiền mã hoá. Chỉ trong vòng 1 tuần, vốn hoá của sàn giao dịch Coinbase lao dốc, giá trị Bitcoin giảm xuống dưới mốc 30.000 USD lần đầu tiên kể từ mùa hè năm ngoái và tether, đồng tiền stablecoin lớn nhất hiện tại, cũng không thể duy trì được giá trị của mình theo đồng USD.
Thực tế, thị trường tài chính nhiều quốc gia cũng giảm mạnh trong vài tuần trở lại đây trong bối cảnh lạm phát tăng và triển vọng tăng mạnh lãi suất. Dù vậy, sự đi xuống của thị trường tiền mã hoá vẫn có mức độ kịch tính cao hơn.
Những gì diễn ra đang chứng minh điều ngược lại đối với khẳng định rằng tiền mã hoá có thể là một cách để phòng vệ trước lạm phát, có thể trở thành một loại “vàng điện tử” hay thậm chí là một trụ cột của hệ thống tài chính toàn cầu.
Thất bại của Luna là “một trong những thảm hoạ tiền mã hoá lớn nhất từng thấy”, Ran Neuner, một nhà đầu tư tiền số nổi tiếng và từng ủng hộ đồng Luna, chia sẻ. Ông khẳng định Luna là một hồi chuông cảnh tỉnh cho thấy tiền mã hoá có thể giảm giá về 0.
Điều gì đang thực sự diễn ra?
Những người có niềm tin vào tiền mã hoá thường chỉ trích hệ thống tài chính truyền thống. “Trung bình, chính phủ sẽ phá huỷ tiền tệ của họ mỗi 27 năm”, Michael Sonnenshein, CEO công ty đầu tư tiền mã hoá Grayscale, nói với FT. “Các nhà đầu tư hoặc công dân có thể thức dậy và thấy sức mua của họ bị bào mòn qua một đêm, đôi khi giảm tới trên 10%”.
Thế nhưng, những biến động trên thị trường tiền mã hoá gần đây cho thấy những người đang muốn tìm kiếm sự giàu có từ tiền mã hoá cũng chẳng khác gì chơi xúc xắc.
Mô hình TerraUSD có tính chất thử nghiệm cao. Thông thường, các đơn vị vận hành stablecoin cho biết họ “chống lưng” 1-1 cho đồng tiền của mình bằng một quỹ dự trữ USD. Ngược lại, Terra được hỗ trợ bằng một thuật toán liên kết với đồng Luna để neo giá theo USD.
Thế nhưng, giá trị 1 USD của Terra đã bắt đầu trượt giảm từ hôm thứ 2 khi niềm tin vào mô hình này bốc hơi. Vào cuối hôm thứ 2, giá trị của nó tương đương còn khoảng 0,9 USD. Đến thứ 6 tuần này, mức giảm rơi xuống còn 0,15 USD. Nhiều nỗ lực ứng cứu đã được thực hiện nhưng bất thành. Đến hôm 12/5, mạng blockchain Terra tạm dừng hoạt động mặc dù nhiều người vẫn hy vọng rằng nó có thể quay trở lại.
Giá đồng tiền mã hoá lớn nhất, Bitcoin, giảm 11% hôm 9/5. Tính từ mức đỉnh ghi nhận hồi tháng 11 năm ngoái, Bitcoin đã giảm giá hơn 50%. Đợt bán tháo trên thị trường là một lý do Bitcoin giảm giá nhưng sự sụp đổ của Terra, một trong 5 đồng stablecoin hàng đầu, cũng có tác động.
Thực tế, quy mô khá nhỏ của Terra đồng nghĩa với việc sự sụp đổ của nó không mang lại rủi ro diện rộng với thị trường tiền mã hoá. Điều quan trọng là sự sụp độ của Terra kéo theo nhiều quan ngại về sự đổ vỡ tiềm tàng của các đồng tiền mã hoá khác, trong đó có cả Tether.
Hôm 12/5, mốc neo giữ 1 – 1 giữa tether và USD cũng rung lắc với giá trị đồng token này giảm xuống mốc 0,9511 USD.
“Terra như thể nộp tiền của bạn vào một ngân hàng Iran với hứa hẹn 20% lãi suất và sau đó ngân hàng đóng cửa”, ông Andrew Beer, thành viên điều hành công ty đầu tư Dynamic Beta, chia sẻ. “Chúc bạn may mắn với việc lấy lại tiền của mình hay thậm chí là cố gắng tìm hiểu điều gì đang xảy ra”.
Về phần mình, ông Paolo Ardoino, giám đốc công nghệ của Tether hứa sẽ bảo vệ mốc neo giữ USD của đồng tiền này bằng mọi giá.
Nếu tether tiếp tục giảm giá sâu hơn mốc 1 USD, đây có thể sẽ là một thảm hoạ với thị trường tiền mã hoá. Một số ước tính nói rằng khoảng 70% số Bitcoin được mua bằng đồng tiền này.
“Nếu Tether không còn có giá trị 1 Tether bằng 1 USD, điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến toàn bộ các thị trường đang giao dịch bằng Tether”, Ingo Fiedler, một giáo sự tại Đại học Concordia, nhận định.
Dù vậy, ông Ilan Solot, đối tác tại quỹ phòng vệ mã hoá Tagus Capital, có quan điểm tích cực hơn. Ông tin rằng Tether có cấu trúc hoàn thiện hơn so với các đối thủ. “Việc Tether giảm giá về 0 sẽ khó hơn Terra rất nhiều”, ông nhận định.
Rung lắc trên diện rộng
Giá tiền mã hoá biến động và một số đồng stablecoin không giữ được giá neo giữ không phải vấn đề duy nhất khiến thị trường rung lắc. Europol mới đây khuyến cáo về hoạt động lừa đảo trên thị trường tiền mã hoá.
Hồi tuần này, trong báo cáo hoạt động kinh doanh quý 1/2022, Coinbase cho biết số lượng người giao dịch hàng tháng, lưu lượng giao dịch và tài sản trên sàn giao dịch này đều giảm so với quý trước đó. Điều này cho thấy việc giá tiền mã hoá giảm không còn hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ như trước đây.
Giá cổ phiếu Coinbase lao dốc song nó không phải cái tên duy nhất chịu ảnh hưởng. Sàn giao dịch nhiều mã cổ phiếu công nghệ Nasdaq (Mỹ) giảm giá 27% trong năm nay.
“Nhiều người nắm giữ tiền mã hoá và cổ phiếu công nghệ đã thua lỗ. Những người này đang bán tài sản trong hoảng loạn và điều này khiến thị trường đi xuống”, Edouard Hindi, giám đốc đầu tư Tyr Capital, nói.
Đợt giảm giá tiền mã hoá cũng ảnh hưởng tới cả các nhà đầu tư lớn. Đáng chú ý nhất trong số này có lẽ là chính phủ El Salvador.
Thực tế, khi Bitcoin giảm giá vào đầu tuần này, El Salvador tiếp tục mua vào đồng tiền mã hoá lớn nhất thế giới. “Tôi có thể bán những đồng coin đó nay bây giờ và kiếm được gần 1 triệu USD trong chỉ 11 giờ nhưng dĩ nhiên là không rồi”, Nayib Bukele, Tổng thống El Salvador, chia sẻ một ngày sau khi quyết định mua thêm Bitcoin.
Bitcoin trở thành tiền pháp định ở El Salvador vào tháng 9 năm ngoái. Theo thống kê của FT, El Salvador đã chi hơn 100 triệu USD vào Bitcoin và cho tới tuần này dự trữ tiền mã hoá của El Salvador đang ở mức khoảng 72 triệu USD.
Những đợt biến động giá lớn cho thấy tiền mã hoá dường như vẫn chỉ là một công cụ cho những người muốn giàu nhanh và chấp nhận rủi ro.