Theo báo cáo của ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Phương Đông (Mã: OCB) tại ĐHĐCĐ thường niên 2022 diễn ra vào sáng ngày 28/4, nguồn thu từ các hoạt động kinh doanh cốt lõi của ngân hàng tiếp tục tăng trưởng trong năm 2022. Trong đó, tổng thu nhập thuần tăng 21% lên 6.948 tỷ đồng; tổng thu phí dịch vụ thuần tăng 29% lên 1.014 tỷ đồng.
Riêng tổng thu thuần ngoài lãi khác của ngân hàng giảm 76%, đạt 572 tỷ đồng chủ yếu do hoạt động đầu tư kinh doanh trái phiếu chính phủ chịu bất lợi khi lãi suất tăng và điều này ảnh hưởng đến kết quả lợi nhuận chung.
Theo đó, lợi nhuận trước thuế cả năm đạt 4.389 tỷ đồng, giảm 20,5% so với cùng kỳ và thực hiện được 62% kế hoạch. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,71% (năm 2021 là 0,97%).
Tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 đạt 18,5%, cao hơn mức trung bình của ngành ngân hàng Việt Nam. Tăng trưởng tín dụng bán lẻ đạt 30%, nâng tỷ trọng đóng góp của bán lẻ trong tổng dư nợ lên 40% (chưa kể dư nợ SME).
OCB đã đưa vào triển khai nhiều hoạt động bán lẻ như Unclock Dream Home (cho vay mua nhà hướng đến khách hàng có nhu cầu ở thực), ngân hàng số OCB OMNI, thẻ tín dụng OCB Igen,…
Đối với hoạt động huy động vốn, huy động ở thị trường 1 đạt trên 137.000 tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ. Trong đó, tiền gửi khách hàng chiếm 102.000 tỷ đồng, phát hành giấy tờ có giá 32.000 tỷ đồng, vốn tài trợ và ủy thác đầu tư 3.200 tỷ đồng. Hệ số LDR (cho vay/huy động vốn) là 75,61%. Hệ số an toàn vốn (CAR Basel II) là 12,84%,
Mục tiêu lãi tăng trưởng 37% lên 6.000 tỷ trong năm 2023
Theo phương án HĐQT trình tại đại hội, kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2023 đạt 6.000 tỷ đồng, tăng 37% so với kết quả đạt được trong năm 2022.
Tổng tài sản dự kiến tăng 25% lên 242.152 tỷ đồng, trong đó tổng dư nợ thị trường 1 tăng 20% lên 147.330 tỷ đồng (phụ thuộc vào phê duyệt củaNHNN). Tổng huy động vốn thị trường 1 dự kiến tăng 26% lên 173.087 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%.
Phát hành gần 685 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu
Trong năm 2022, OCB chưa thực hiện được việc tăng vốn điều lệ theo Nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2022 đã thông qua. Do đó, OCB tiếp tục lên kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 13.699 tỷ đồng lên hơn 20.548 tỷ đồng trong năm nay thông qua việc phát hành gần 685 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ phát hành 50%. Thời gian phát hành cụ thể do HĐQT quyết định, sau khi được sự chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Theo ban lãnh đạo OCB, việc tăng vốn sẽ giúp ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy định. OCB sẽ sử dụng vốn huy động được bổ sung nguồn vốn kinh doanh, đầu tư và cho vay (khoảng 6.176 tỷ đồng), còn lại để nâng cấp tài sản, trang bị tài sản cố định, đầu tư công nghệ thông tin,...
Tính đến ngày 31/3, các tổ chức nước ngoài sở hữu 21,317% vốn của OCB. Trong đó, Azora Bank sở hữu 15%.
Thay đổi địa điểm trụ sở chính
HĐQT OCB cũng trình phương án thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính của ngân hàng vềtoà nhà The Hallmark (lô 1-13, khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Thủ Đức) nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển và mở rộng. Hiện tại, trụ sở của OCB đang ở một phần của tòa nhà số 41 và số 45 Lê Duẩn (phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM).
HĐQT sẽ được ủy quyền quyết định thời gian di dời và thực hiện các thủ tục cần thiết liên quan đến việc thay đổi địa điểm trụ sở chính.
Bổ sung hai thành viên HĐQT
Ngân hàng trình và đã được cổ đông thông qua việc nâng số lượng thành viên HĐQT từ 8 thành viên lên 9 thành viên, đồng thời bầu ông Kato Shin (từ Aozora Bank) và ông Nguyễn Đình Tùng (hiện là Tổng Giám đốc OCB) vào HĐQT nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Phiên thảo luận
Cổ đông: Năm 2022, ngân hàng không đạt kế hoạch lợi nhuận đã đề ra. Vậy, cơ sở nào để năm nay ngân hàng đạt được kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng gần 40%?
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc: Phải thừa nhận kết quả kinh doanh năm 2022 không đạt. Trong quá trình cải tổ, phát triển của OCB từ giai đoạn khó khăn năm 2012 đến nay, 2022 là năm duy nhất ngân hàng không đạt kế hoạch.
Trước đại hội, hệ thống điều hành chúng tôi đã nghiêm túc đánh giá lại và đây là tư liệu quan trọng để chúng tôi lập kế hoạch kinh doanh 2023.
Năm 2022 thị trường được nhìn nhận rất lạc quan, nền kinh tế như lò xo nén sau 2 năm COVID-19. Tuy nhiên, diễn biến trong năm không đúng như dự báo và chưa lường trước được.
Các hoạt động chính của OCB vẫn tăng trưởng trong năm 2022. Chênh lệch 1.500 tỷ đồng giữa kế hoạch và thực tế là mức thu nhập kỳ vọng từ trái phiếu chính phủ.
Kế hoạch 2023 là 6.000 tỷ đồng, khiêm tốn hơn kế hoạch kinh doanh 2022 là 7.000 tỷ. Chúng tôi đã có sự thận trọng rất cao và sự tăng trưởng lợi nhuận như kế hoạch là phù hợp.
Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT: Mục tiêu đặt ra năm nay cũng rất thách thức chứ không phải dễ dàng gì so với bối cảnh hiện nay nhưng đây là mục tiêu để chúng ta cùng cố gắng. Ban điều hành cũng rất vất vả để có thể đạt được mục tiêu này. OCB đang tập trung vào quản trị rủi ro để có được room tín dụng cao.
Cổ đông: Ở kỳ đại hội 2022, OCB thông tin cổ tức 30% nhưng đến hôm nay chưa thấy. Vì sao OCB chậm trễ trả cổ tức? Khi nào cổ đông chúng tôi nhận được cổ tức?
Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT: Ngay sau đại hội 2022, OCB đã tiến hành các bước phân phối lợi nhuận, đã được NHNN chấp thuận tăng vốn. Tuy nhiên, thủ tục tiếp theo phải làm với UBCKNN, hồ sơ yêu cầu chi tiết và phức tạp hơn, do một số thiếu xót dẫn đến kéo dài thời gian. Chúng tôi tính gộp chia cổ tức năm nay và năm trước vào một lần. Ngay sau đại hội này, cổ đông phê duyệt phương án tăng vốn thêm 50% thì chúng tôi tiến hành các thủ tục còn lại.
Cổ đông: Trên thị trường hiện nay, hầu hết các ngân hàng đều chạy đua chuyển đổi số. Lợi thế của OCB trong chặng đua này? Chiến lược phát triển hai ngân hàng số của OCB?
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc: Không thể đi ngược lại với xu hướng chuyển đổi số. Rõ ràng dư nợ của người dùng trên ngân hàng số trên 90%. Sự canh tranh tại các ngân hàng là đương nhiên, không ké, gì các hoạt động kinh doanh khác.
Với OCB, quy mô tín dụng của ngân hàng vừa, để thực thi các mục tiêu phát triển thành ngân hàng thương mại tư nhân tốt, ngân hàng số vừa là thách thức, vừa là cứu cánh. Chiến lược 2021-2025 lấy ngân hàng số là trụ cột, quan trọng hàng đầu trong hoạt động của OCB.
Cổ đông: Qua báo cáo của ban kiểm soát, tôi nhận thấy ban kiểm soát chưa đánh giá thực chất hoạt động của ban điều hành. Tại sao không đạt được các chỉ tiêu trong năm 2022? Những khó khăn là tình hình chung, cổ đông chấp nhận. Tuy nhiên, tất cả các báo cáo chưa phân tích nguyên nhân nội tại, bên cạnh các khó khăn chung. Từ 2012 đến nay, nợ xấu tăng rất cao, có thể nói khủng khiếp so với những năm trước đã làm rất tốt. Ban điều hành phân tích xem nợ xấu này có bao gồm dư nợ cho vay đối với FLC và Đại Nam không? 2022 OCB có ra nghị quyết gán nợ tòa nhà trên 2.000 tỷ của FLC, sau đó cho doanh nghiệp chuộc lại. Đại Nam đã gán nợ cho OCB nhiều khu đất ở Bình Dương, OCB có chuyển nhượng được các sổ Đại Nam đã cầm để thu hồi nợ không?
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc: Toàn bộ danh mục nợ của FLC và Đại Nam đã thu hồi xong. OCB thu hồi tài sản thế chấp của doanh nghiệp và đưa vào gán nợ, đây là hình thức NHNN cho phép. Tuy nhiên, cả hai danh mục tài sản này sau đó đã có người mua, doanh nghiệp được quyền nộp tiền cho OCB và bán tài sản lại cho bên thứ 3.
Đối với tòa nhà 265 Cầu Giấy (Hà Nội), tước đây OCB có chủ trương mua lại. Thông tin báo chí đưa chưa chính xác với giao dịch thực tế. OCB muốn mua với dạng đầu tư tài sản. Khi FLC khó khăn, chúng ta dừng giao dịch này. FLC đã hoàn trả đủ tiền, bao gồm cả tiền phạt.
Tỷ lệ nợ xấu cuối 2021 và cuối 2022 có sự khác biệt trong cách tính. 2021 chỉ công bố nợ khách hàng phát sinh tại ngân hàng OCB, còn 2022 công bố cả nợ xấu kéo theo, theo quy định mới để đảm bảo an toàn hệ thống.
Ban điều hành dành ưu tiên cao cho mục tiêu thu hồi toàn bộ nợ xấu trong năm nay. 2023 diễn biến thị trường không như mong đợi và đang có nhiều tín hiệu xấu. NHNN vừa có quyết định cho phép DN cơ cấu nợ. Trong những năm qua, OCB rất nỗ lực mở rộng cho vay bán lẻ - danh mục rất rủi ro trong bối cảnh hiện nay.
Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT: OCB vẫn tăng trưởng các hoạt động cốt lõi. 2022 do ảnh hưởng của kinh tế nói chung và thị trường tài chính VN nói chung, đặc biệt các mảng kinh doanh TPCP, dịch vụ (có TPDN) đều bế tắc và không kinh doanh được.
Chúng ta đã tăng trưởng tối đa trong khả năng có thể mà NHNN cho phép. Room tín dụng không cao nhưng lợi nhuận tăng trưởng cao trong nhiều năm vì ban điều hành cố gắng đẩy mạnh kinh doanh ngoài lãi. Khi thị trường khó khăn, các mảng thu ngoài lãi mất đi, vì vậy kết quả kinh doanh giảm.
Nợ xấu là một trong những yếu tố tác động đến kết quả kinh doanh rất lớn. Thực tế, nợ xấu tăng cũng do thị trường khó khăn nhưng mức tăng nợ xấu này chưa tác động mạnh đến lợi nhuận của ngân hàng. Các vụ việc cũ đã được giải quyết triệt để và không ảnh hưởng đến hoạt động chung của chúng ta.
Cổ đông: OCB vừa công bố Basel II. Các dự án đầu tư trong giai đoạn này phù hợp không? Tốn vốn đầu tư và thời gian triển khai dự kiến?
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc: Basel II là nỗ lực cao của OCB, cần có thời gian để các ngân hàng áp dụng chuẩn Basel II nâng cao theo lộ trình của NHNN. Tôi kỳ vọng có tác dụng ngay đối với OCB.
Thường có hai cách để cải thiện việc thu hồi các khoản nợ rủi ro: Rút kinh nghiệm và đưa vào áp dụng phương pháp, chuẩn mực đã được áp dụng thành công trên toàn cầu. Tuy nhiên, kinh nghiệm của cá nhân, tổ chức bao giờ cũng có giới hạn. Do đó, OCB sẽ áp dụng cách thứ hai là Basel II nâng cao, cho phép kiểm soát rủi ro đến từng khoản vay.