Chiều 26/4, Công ty Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (Mã: TTF) đã tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 với tất cả tờ trình được thông qua.
Phát hành 41 triệu cổ phiếu riêng lẻ, người của KSFinance tham gia vào HĐQT TTF
Năm nay, doanh nghiệp lên kế hoạch đạt 2.268 tỷ đồng doanh thu thuần hợp nhất, tăng 41% so với 2021. Lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 72 tỷ đồng, gấp gần 29 lần so với kết quả đã kiểm toán năm ngoái.
Để đạt được kế hoạch này, Chủ tịch Mai Hữu Tín cho biết, trong hoạt động xuất khẩu, TTF sẽ đẩy mạnh hợp tác với các khách hàng lớn như Natuzzi, Crate & Barrel, Williams Sonoma, TJX,... ở nhiều ngành hàng để tăng trưởng doanh thu, giá trị đơn hàng và từng bước đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Còn ở thị trường trong nước, TTF bắt tay với các nhà phát triển bất động sản. Trong sản xuất, công ty cố gắng xử lý xong hàng tồn kho gỗ trong quý II.
Tại đại hội, lãnh đạo TTF cũng tiết lộ vừa hoàn tất mua cổ phần của hai công ty gỗ là Natuzzi Editions (công ty nội thất lớn nhất của Italia) vào tháng 2/2022 và TEKCOM (công ty có hai nhà máy tại Bình Dương) vào tháng 4/2022.
Doanh nghiệp dự báo năm 2022, tình hình chính trị trên thế giới tiếp tục có diễn biến căng thẳng, chiến tranh leo thang, tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến khó lường và chưa thể dự báo được thời điểm kết thúc. Do vậy, ảnh hưởng tới tình hình đơn hàng và sản xuất kinh doanh của công ty.
Gỗ Trường Thành cũng trình ĐHĐCĐ phương án chào bán hơn 41 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, giá chào bán được ủy quyền cho HĐQT quyết định.
Số cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán. Toàn bộ số tiền thu được từ đợt chào bán sẽ được sử dụng bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.
Năm nay, Gỗ Trường Thành dự kiến đổi tên thành Công ty Cổ phần TTF.
Về nhân sự, công ty muốn mở rộng số thành viên HĐQT từ 5 người lên 7 người, trong đó, có bà Trần Thị Hường, hiện đang là Phó Chủ tịch HĐQT của KSFinance, thành viên của hệ sinh thái Sunshine Group.
Xuyên suốt cuộc họp, ông Mai Hữu Tín trực tiếp trả lời một loạt câu hỏi của cổ đông.
Cổ đông: Trong năm 5 năm tới, Công ty có dự kiến phát hành cổ phiếu để huy động vốn tiếp không?
Công ty không có kế hoạch cụ thể về vấn đề này. Song TTF đặt mục tiêu là doanh thu tăng trưởng 100 triệu USD/năm.
Cổ đông: Công ty giải quyết hàng tồn kho như thế nào?
Trong quý II, chúng tôi sẽ xử lí xong hàng tồn kho. Nếu hỏi là có lỗ không, chắc chắn có lỗ nhưng sẽ xử lý nhẹ nhàng.
Cổ đông: Tình hình vay nợ của công ty đang như thế nào?
TTF sẽ cố gắng trả hết nợ vay cho VietABank và sẽ tìm các tổ chức tài chính khác có mức lãi suất thấp hơn 8%. Dự kiến ngay trong 2022, bức tranh chi phí lãi vay của TTF sẽ khác biệt.
Ông Tín cũng khẳng định rất nhiều nơi cho TTF vay, như một doanh nghiệp bình thường.
Chủ tịch khẳng định nhiệm kỳ trước đã qua, nhiệm kỳ 2022-2027 sắp tới sẽ là nhiệm kỳ tăng tốc.
Cổ đông: Công ty xử lý lỗ lũy kế như thế nào?
Ông Tín nói, câu chuyện lỗ lũy kế đã là quá khứ. Mỗi một đồng nhận từ quý vị cổ đông, TTF sẽ làm sao để có hiệu quả hơn lãi suất ngân hàng.
"Đúng là chúng ta mang gánh nặng, nhưng cần tập trung tạo ta lợi nhuận trên đồng vốn các quý vị đang bỏ vào". Ông Tín khẳng định quý I đã lời 18 tỷ đồng, quý II tiếp tục tốt hơn.
"Thực tế, có nhiều người muốn ký đơn hàng với TTF đến cuối năm. Nhưng chúng tôi muốn làm tới đâu ký tới đó chứ không ký trước quá lâu để không chịu các chi phí rủi ro về giá cũng như logistics", ông Tín nói.
Chủ tịch Mai Hữu Tín cũng công bố tham vọng của mình là giúp cho TTF đạt giá trị thị trường 1 tỷ USD trước năm 2030.
Cổ đông: Giá cước container sẽ ảnh hưởng ra sao?
Việt Nam đang bị phân cực với cuộc chiến Nga – Ukraine. Nếu Nga tiếp tục cuộc chiến này thì chúng ta sẽ không nhìn thấy Nga trong tương lai.
"Theo cá nhân tôi, cuộc chiến này phải kết thúc trong năm nay. Giá dầu giỏi lắm sẽ cao đến hết năm", ông Tín nhìn nhận. Nhìn chung, xuất khẩu sang Mỹ sẽ triển vọng hơn và COVID sẽ sớm kết thúc, đây chính là động lực và cơ hội tăng tốc cho TTF.
Chủ tịch Mai Hữu Tín cũng chia sẻ, trong 10 nhà bán lẻ lớn nhất của Mỹ, hết 8 nhà nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam. Hiện các nhà sản xuất gỗ đang xu hướng dịch chuyển qua Mexico nhưng đó chỉ là ngắn hạn. Mexico không phải là đối thủ của Việt Nam.
Cổ đông: Tại sao phía Đồng Tâm lại bán ra cổ phiếu trong khi Thành viên HĐQT là ông Võ Quốc Lợi (đại diện cho Đồng Tâm) lại mua vào?
Ông Tín khẳng định quyền mua hay bán là của cổ đông, đó là việc bình thường. Đồng Tâm bán ra do có việc của họ. Còn với anh Lợi, có thể anh ấy tham gia quản trị nên nhìn nhận được tiềm năng của công ty.
"Tôi cam kết, với riêng cá nhân tôi sẽ không bán ra cổ phiếu TTF nào và thực sự tôi cũng không quan tâm thị giá hiện tại của TTF, việc của tôi không phải là chăm chăm nhìn vào bảng điện. Tôi chỉ làm việc và nhìn vào mục tiêu xa hơn, không nhìn giá cổ phiếu hằng ngày", người đứng đầu TTF khẳng định với cổ đông.
Cổ đông: TTF có kế hoạch gì trong mảng nông nghiệp?
Hiện công ty còn có 300 ha đất ở Đắk Nông, diện tích khá nhỏ nên không bán mà sẽ dùng trồng sầu riêng cao cấp. TTF tự tin thành công ở mảng nông nghiệp này.
Cổ đông: Sứ Thiên Thanh có đóng góp gì cho TTF?
Hiện TTF đang sử dụng một phần nhà máy với Sứ Thiên Thanh. Hai bên cũng đang kết hợp sản phẩm là giữa gỗ và sứ (chậu rửa). Tổng doanh thu hằng năm của Sứ Thiên Thanh khoảng 200 tỷ. Ông Tín cho biết Sứ Thiên Thanh chắc chắn lời trong năm nay, và hiện quý I đã có lời.