Không chỉ làm bừng sáng không gian sống, tác phẩm mỹ thuật (hội hoạ, điêu khắc và nhiếp ảnh) còn được đầu tư vì nhiều mục đích khác. Thị trường nghệ thuật đã trở thành một trong những cơn sốt đầu tư mới trong những năm gần đây. Các nhà sưu tập tranh và điêu khắc thường mua chúng với mục đích mở rộng danh mục đầu tư.
Đáng chú ý, những bức tranh hay tác phẩm điêu khắc được gõ búa với giá hàng trăm triệu đồng trong các cuộc đấu giá không còn là chuyện mới mẻ. Điều này đã dấy lên nghi vấn rằng thứ gì đã thôi thúc người mua bỏ ra không ít tiền để tậu về những tác phẩm này?
Thể hiện tình yêu nghệ thuật và sự tự hào về văn hóa
Niềm đam mê nghệ thuật là một trong những lý do khiến nhiều người mở hầu bao. Khi có điều kiện về kinh tế, nhiều người có thể theo đuổi sở thích này một cách thoải mái hơn.
Mặt khác, tác phẩm mỹ thuật thường được coi là kho lưu trữ ký ức của văn hoá, phản ánh sự phát triển của nhân loại. Việc trưng bày tác phẩm mỹ thuật thể hiện lòng tự hào, sự hãnh diện hay yêu thích của chủ nhân về một nền văn hoá. Do vậy, tình yêu văn hoá có thể là động lực thúc đẩy người giàu mua tác phẩm mỹ thuật.
Trong những năm gần đây, số lượng bán các kiệt tác đắt giá từ châu Phi tăng lên đáng kể. Khi có điều kiện kinh tế, lẽ tự nhiên là bạn muốn có được những tác phẩm mỹ thuật dân tộc, khiến chủ sở hữu thêm tự hào về đất nước.
Ảnh minh hoạ: Catawiki.
Để trang hoàng không gian nhà cửa, văn phòng
Tác phẩm mỹ thuật giúp tô điểm cho không gian nhà ở hay văn phòng làm việc. Chủ sở hữu muốn những nơi họ dành nhiều thời gian nhất phải có tính thẩm mỹ. Tranh ảnh được treo trên tường hay tác phẩm điêu khắc bày trong phòng giúp tuôn trào sự sáng tại cho người trải nghiệm.
Bên cạnh đó, một số người say mê mỹ thuật hoặc có điều kiện về tài chính còn thuê nghệ sĩ để sáng tạo nên những tác phẩm có một không hai, trưng bày chúng trong không gian yêu thích.
Chẳng hạn, năm 2005, chủ tịch Facebook Sean Parker đã đề nghị hoạ sĩ David Choe vẽ tranh tường cho văn phòng ở Thung lũng Silicon. Để trả công, Sean Parker đưa ra hai sự lựa chọn cho David Choe: 60.000 USD (khoảng 1,38 tỷ đồng) tiền mặt hoặc cổ phiếu công ty. Hoạ sĩ người Mỹ khi đó chọn cổ phiếu.
Tác phẩm mỹ thuật còn là khoản đầu tư dài hạn
Ngày nay, danh mục đầu tư không dừng lại ở chứng khoán hay công ty tài chính. Nó dần mở rộng sang các "mặt hàng" khác như đồng hồ, túi xách và tác phẩm nghệ thuật.
Trong đó, mỹ thuật đã được chứng minh là khoản đầu tư tuyệt vời giúp mang lại lợi nhuận kỷ lục cho các nhà sưu tập. Tuy nhiên, lợi nhuận từ mỹ thuật không xảy ra trong một sớm một chiều. Ở thời điểm hiện tại, một tác phẩm có thể trị giá vài triệu đồng. Sau 10 năm, giá trị của nó có thể tăng lên thành hàng chục triệu đồng hoặc hơn.
Các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư mỹ thuật nên kiên nhẫn với khoảng thời gian dài, từ 10 năm trở lên. Do vậy, nhiều nhà đầu tư truyền lại sáng tạo mỹ thuật cho con cháu.
Ngoài ra, đầu tư vào nghệ thuật đòi hỏi kiến thức chuyên môn để gặt hái thành công. Nhiều nhà sưu tầm đã tham khảo ý kiến từ chuyên gia đầu tư trước khi thực hiện giao dịch đắt đỏ.
Ảnh minh hoạ: Medium.
Dùng tiền tạo ra tiền
Việc đầu tư vào nghệ thuật còn giúp chủ sở hữu tăng thêm thu nhập. Họ có thể cho các phòng trưng bày, viện bảo tàng mượn tác phẩm mỹ thuật để quảng bá hoặc làm tăng giá trị cho cả bộ sưu tập. Thực tế, tác phẩm mỹ thuật đã liên tục mang lại lợi nhuận ngày càng tốt trong 50 năm qua.
Việc cho mượn cũng giúp chủ sở hữu tăng mối quan hệ với cộng đồng yêu nghệ thuật, cọ xát với những người nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng và giới thượng lưu.
Thể hiện sự giàu có qua tác phẩm mỹ thuật
Một trong những lý do người giàu mua tác phẩm đắt tiền vì nó gắn liền với sự uy tín. Đối với một số người, chi tiêu nhiều đồng nghĩa với việc có địa vị xã hội cao hơn. Tác phẩm càng đắt tiền, họ càng được khen ngợi.
Ngoài ra, việc mua tác phẩm nghệ thuật trị giá cả triệu USD cho thấy tư duy cũng như khả năng tài chính của người đó. "Khi giàu có, bạn có xu hướng muốn phô trương hơn và sở hữu các tác phẩm nghệ thuật là cách hoàn hảo đề làm điều đó", cây bút của StartupTalky viết.
Theo Business Day, Forbes