Hôm nay (15/2), Eximbank tổ chức họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2021 lần thứ hai để tiến hành bầu thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban kiểm soát (BKS) sau khi trình hồ sơ nhân sự được đề cử lên Ngân hàng Nhà nước vào ngày 24/1/2022.
Kết quả thông qua các tờ trình
Ngoài việc bầu nhân sự có kết quả thì các tờ trình khác không được đại hội thông qua, bao gồm cả kế hoạch tăng vốn.
15h20: Đại diện NHNN: Eximbank cần bầu Chủ tịch HĐQT trong 7 ngày
Phát biểu tại ĐHĐCĐ, đại diện NHNN chúc mừng Eximbank đã tổ chức thành công sự kiện hôm nay. Bên cạnh đó, vị này cũng lưu ý ngân hàng về việc chức danh Chủ tịch HĐQT cần được bầu trong 7 ngày kể từ khi kết thúc ĐHĐCĐ.
Vị này nhấn mạnh, sau khi kiện toàn bộ máy lãnh đạo, Eximbank cần triển khai hoạt động theo đúng quy định pháp luật nhằm đảm bảo lợi ích cho cổ đông
Phản hồi về ý kiến của đại diện NHNN, Chủ tịch Yasuhiro Saitoh cho biết cuộc họp đầu tiên của HĐQT nhiệm kỳ mới sẽ được tiến hành ngày sau cuộc họp này để tiến hành bầu các chức danh trong HĐQT.
14h45: Kết quả bầu nhân sự nhiệm kỳ mới
Sau khi nghe qua các tờ trình và tiến hành bầu cử, Đại hội cổ đông Eximbank đã đi đến kết quả như sau:
Với 73 phiếu thu về hợp lệ đại điện cho 1,158 tỷ cổ phiếu, chiếm 99,65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Kết quả bầu TV HĐQT:
Bà Lê Hồng Anh: 1,108 tỷ cổ phiếu tán thành, chiếm 92,9 %
Ông Đào Phong Trúc Đại: 950 cổ phiếu tán thành, chiếm 81,69% (TV HĐQT độc lập)
Ông Võ Quang Hiển: 2,5 tỷ cổ phiếu tán thành, chiếm 218%
Ông Nguyễn Hiếu: 1,391 tỷ cổ phiếu tán thành, chiếm 119%
Ông Nguyễn Thanh Hùng: hơn 175 triệu cổ phiếu tán thành , chiếm 61,5%
Bà Đỗ Hà Phương: 713 triệu cổ phiếu tán thành, chiếm 61,32%.
Bà Lương Thị Cẩm Tú: 722 triệu cổ phiếu tán thành, chiếm 62,16% cổ phần
Như vậy Cả 7 thành viên đề cử đều vào HĐQT
Kết quả bầu Ban kiểm soát
Theo kết quả 72 phiếu thu về hợp lệ, đại diện 99,65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Ông Trần Ngọc Dũng: 1,072 tỷ cổ phiếu tán thành, chiếm, 92,17%
Bà Phạm Thị Mai Phương: 1,576 tỷ cổ phiếu tán thành, chiếm 135,6%
Bà Nguyễn Thị Hiền Ngọc: 56 triệu cổ phiếu tán thành, chiếm 4,82%
Ông Trịnh Bảo Quốc: 1,371 tỷ cổ phiếu tán thành, chiếm 117,92%.
Ông Ngo Tony : 1,7 tỷ cổ phiếu tán thành, chiếm 147,2 %
Theo quy định 3 ứng viên đủ điều kiện trúng cử BKS gồm ông Ngo Tony đạt tỷ lệ 147,2%; bà Phạm Thị Mai Phương tỷ lệ 135,59% và ông Trịnh Bảo Quốc tỷ lệ 117,92%.
Xem thêm:
14h00
Đại hội Eximbank lần này có nhiều tờ trình gửi tới cổ đông để thông qua, trong đó trọng yếu nhất là nhân sự. Tại thời điểm 14h00, đại hội vẫn đang nghe các tờ trình.
Cụ thể, ngoài tờ trình về việc bầu Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban kiểm soát (BKS) nhiệm kỳ mới, cuộc họp cũng sẽ xem xét thông qua một loạt các tờ trình, báo cáo bị "treo" từ đại hội năm 2019.
Trong đó, ban lãnh đạo ngân hàng xin ý kiến cổ đông về dự án xây trụ sở chính tại số 7 Lê Thị Hồng Gấm, phường Thái Bình, Quận 1, TP HCM. Dự án có tên Tháp Eximbank được xây trên khu đất có diện tích 3.513,7m2. Dự án có chức năng văn phòng, khách sạn, căn hộ cao 40 tầng.
Theo đó, ngân hàng trình cổ đông chấp thuận phương án góp giá trị quyền sử dụng đất, nhà đầu tư xây dựng tòa nhà văn phòng và thực hiện phân chia sản phẩm phù hợp với quy định pháp luật. Tuy nhiên hiện NHNN vẫn chưa cho ý kiến. Trong trường hợp NHNN không đồng ý phương án này thì chấp thuận cho EIB đầu tư bằng nguồn vốn của ngân hàng, phần diện tích không sử dụng hết sẽ cho thuê theo quy định…
Eximbank cũng trình ĐHĐCĐ sửa đổi điều lệ "Tổng Giám đốc là đại diện theo pháp luật của Ngân hàng" sửa đổi Người đại diện theo pháp luật của Ngân hàng là "Tổng Giám đốc hoặc Chủ tịch HĐQT trong thời gian khuyết chức danh Tổng Giám đốc mà chưa hoàn tất bổ sung bầu thay thế", thay vì chỉ có "Tổng Giám đốc" như điều lệ hiện hành.
Bên cạnh đó, Eximbank trình sửa đổi tỷ lệ số cổ đông dự họp trên tổng số cổ phần có quyền biểu quyết để có thể tiến hành ĐHĐCĐ.
Cụ thể, điều kiện để tiến hành họp ĐHĐCĐ lần thứ nhất là 50% thay vì mức 65% trước đó.
Nếu cuộc họp lần thứ nhất không đủ điều kiện tiến hành, thì thông báo mời họp lần thứ 2 phải được gửi trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày dự định họp lần thứ nhất. ĐHĐCĐ lần thứ hai được tiến hành khi tỷ lệ giảm từ 51% xuống 33%.
Trường hợp cuộc họp lần thứ 2 không đủ điều kiện tiến hành, cuộc họp lần thứ 3 sẽ được tiến hành không phụ thuộc vào tỷ lệ cổ đông dự họp.
Đồng thời, HĐQT Eximbank cũng muốn điều chỉnh tỷ lệ tán thành để thông qua quyết định của ĐHĐCĐ từ 65% xuống 50%.
Cập nhật 11h20:
Trước khi đi vào các nội dung chính của đại hội (đọc tờ trình), ông Yasuhiro Saitoh, chủ tịch Eximbank đã có những phát biểu trước đại hội.
Chủ tịch Eximbank cho biết không còn là đại diện của SMBC từ năm 2019 và đã ở TP. HCM được 12 năm.
2021 là năm đầy thách thức do tác động của dịch Covid-19, việc giãn cách khiến nhiều hoạt động bị ảnh hưởng với nhiều chi nhánh ngân hàng phải đóng cửa, nhân viên buộc phải làm việc tại chỗ làm. Tuy nhiên, tính đến nay, dịch bệnh đã được khống chế được.
Trong khi đó, ĐHCĐ Eximbank không tổ chức được trong 3 năm qua ngoài do yếu tố dịch bệnh, còn đến từ sự thiếu thống nhất và thấu hiểu của các nhóm cổ đông. Do đó, chủ tịch Eximbank đề nghị các nhóm cổ đông hợp tác để có thấu hiểu lẫn nhau.
Năm 2021, Eximbank đã thay đổi vị trí Tổng Giám đốc qua đó hoạt động kinh doanh của ngân hàng đã khởi sắc trở lại. Dù gặp khó khăn, Eximbank vẫn đạt được nhiều thành công trong hoạt động kinh doanh.
‘’Tôi tin rằng HĐQT đã có quyết định đúng đắn trong việc thay đổi nhân sự’’, ông Yasuhiro Saito cho biết
Chủ tịch Eximbank cũng cho biết SMBC đã giảm bớt lượng nhân viên biệt phái từ đầu năm nay và đã chấm dứt thỏa thuận liên minh, không còn là cổ đông chiến lược từ đầu năm 2021. Tuy nhiên đơn vị này vẫn còn năm giữ 15% vốn và sẽ tiếp tục là cổ đông Eximbank trong thời gian tới.
Theo ông Yasuhiro Saitohcho, năm 2022, Eximbank đã thỏa mãn điều kiện cuối cùng để chia cổ tức. Lần chia cổ tức gần đầy là 4% trong năm 2012. Ngân hàng không thể chia cổ tức trong 9 năm qua do chưa thể tổ chức ĐHCĐ trong nhiều năm qua. Chủ tịch Eximbank cũng hé lộ tỷ lệ chia cổ tức có thể lên tới 2 con số, việc chia cổ tức có thể bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu theo chỉ đạo của NHNN.
Với kỳ vọng về sự ổn định về bộ máy lãnh đạo, Chủ tịch Yasuhiro Saitoh cho biết Eximbank có thể trở lại hoạt động bình thường và tăng tốc trong năm con hổ - Nhâm Dần.
-----
Cập nhật tại thời điểm 10h00, trong phần thông qua quy chế tiến hành họp, có hơn 60,25% cổ đông tham dự tán thành. Do vậy, cuộc họp đã đủ điều kiện về túc số để tiến hành.
Số lượng cổ đông tham dự cũng được cập nhật lại là hơn 146 người tham dự, đại diện cho 1,16 tỷ cổ phần, tương đương 94,6% cổ phần có quyền biểu quyết.
-----------
Tính đến 9h10, đại hội Eximbank có 126 cổ đông tham dự đại diện cho hơn 1,05 triệu cổ phần, tương đương 85,5% cổ phần có quyền biểu quyết vượt qua mức tối thiểu 51%. Do vậy, cuộc họp đã đủ điều kiện tiến hành.
Trước đó, ngày 27/4/2021, Eximbank đã tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2021. Thế nhưng, đến 9 giờ 30 phút, chỉ có 61 cổ đông đăng ký tham dự đại hội với hơn 512 triệu cổ phần có quyền biểu quyết, tương ứng 41,65% số cổ phần có quyền biểu quyết. Do vậy không đủ điều kiện tiến hành.
Theo kế hoạch, số lượng nhân sự HĐQT Eximbank dự kiến trình cổ đông thông qua là 7 thành viên, trong đó có ít nhất 1 thành viên độc lập.
Số thành viên Ban kiểm soát dự kiến ít nhất 3 thành viên, trong đó phải có ít nhất 1/2 số thành viên là thành viên chuyên trách, không đồng thời đảm nhiệm chứ vụ, công việc khác tại tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp khác.
Theo thông tin mới nhất được ngân hàng cập nhật, danh sách 7 ứng cử viên bầu vào HĐQT và 5 ứng cử viên bầu vào Ban Kiểm soát nhiệm kỳ mới đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.
Đáng chú ý, bà Lương Thị Cẩm Tú (SN 1980) là thành viên HĐQT Eximbank đương nhiệm duy nhất nằm trong danh sách này. Bên cạnh việc tự đề cử, bà Tú còn nhận được sự ủng hộ của CTCP Chứng khoán Bảo Minh và 5 cổ đông cá nhân khác. Hiện Bà Tú cũng không kiêm nhiệm chức vụ tại các tổ chức khác nên cơ hội trở thành chủ tịch là cao hơn so với các ứng viên khác.
Trước đó, bà Tú từng được bầu làm Chủ tịch HĐQT Eximbank vào tháng 3/2019, thay thế ông Lê Minh Quốc.
Danh sách ứng viên cũng có sự góp mặt của ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc Bamboo Capital. Sinh năm 1978, ông Tùng được đề cử bởi nhóm cổ đông bao gồm ông Nguyễn Hồ Nam, bà Lê Thị Mai Loan, CTCP Thắng Phương, CTCP Đầu tư và Dịch Helios.
Bà Đỗ Hà Phương (SN 1984) – đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành Công ty TNHH VNInvest Partners - được đề cử bởi 7 cá nhân và 4 tổ chức, bao gồm: CTCP Rồng Ngọc, CTCP Hoàng Gia ĐL, CTCP Hoàn Vũ Sài Gòn, Công ty TNHH M8.
Được biết, CTCP Rồng Ngọc, CTCP Thắng Phương và CTCP Đầu tư và Dịch vụ Helios cũng là những cổ đông từng đề nghị miễn nhiệm 5 thành viên HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VI (2015 – 2020) bao gồm: ông Yasuhiro Saitoh, ông Lê Minh Quốc, ông Cao Xuân Ninh, ông Lê Văn Quyết, ông Ngô Thanh Tùng.
Trong khi đó, nhóm cổ đông Lafelle Limited, Education Management Holdings Limited và ông Trần Công Cận (từng đề nghị miễn nhiệm 3 thành viên HĐQT Eximbank, bao gồm: ông Hoàng Tuấn Khải, ông Đặng Anh Mai, bà Lương Thị Cẩm Tú) đề cử ông Nguyễn Hiếu (SN 1973) – thành viên HĐQT CTCP Chứng khoán Rồng Việt. Ngoài ra, ông Hiếu còn nhận được đề cử của bà Ngô Thu Thuý - Chủ tịch HĐQT CTCP Âu Lạc.
Nhóm cổ đông liên quan tới Tập đoàn Thành Công đề cử hai ứng viên, là bà Lê Hồng Anh và ông Đào Phong Trúc Đại.
Trong đó, bà Lê Hồng Anh (sinh năm 1975) được giới thiệu là Phó Tổng giám đốc phụ trách tài chính kế toán của CTCP Tập đoàn Thành Công, Chủ tịch HĐQT CTCP Thành Công Phạm Hùng, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH TCG Land.
Ông Đào Phong Phúc Đại (sinh năm 1975) là Tổng giám đốc CTCP Đầu tư PV-Inconess, được đề cử bởi CTCP Tập đoàn Thành Công, Mr Exim Investments và bà Nguyễn Hồng Ngọc.
Danh sách ứng viên được bầu vào HĐQT Eximbank nhiệm kỳ mới còn có ông Võ Quang Hiển (SN 1969) – Giám đốc điều hành Bộ phận Tài trợ thương mại toàn cầu – Ngân hàng Sumitomo Mitsui – Chi nhánh Singapore.
Ông Hiển được đề cử bởi Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) – cổ đông chiến lược, nắm giữ 15% vốn Eximbank. Cổ đông Nhật Bản mới đây đã chấm dứt trước thời hạn thoả thuận liên minh chiến lược ký ngày 27/11/2007 với Eximbank. Động thái được cho là để mở đường cho SMBC trở thành cổ đông chiến lược của VPBank
Danh sách nhân sự để bầu vào BKS Eximbank nhiệm kỳ 2020 – 2025 có đến 5 ứng viên trong khi nhà băng này chỉ dự kiến có 3 thành viên.
Trong đó, nhóm cổ đông liên quan đến Tập đoàn Thành Công đề cử bà Nguyễn Thị Hiền Ngọc (SN 1969) – Kế toán trưởng CTCP Tập đoàn Thành Công và CTCP Sản xuất ô tô Huyndai Thành Công.
Nhóm Bamboo Capital đề cử ông Ngo Tony (SN 1971) – từng là chuyên gia cao cấp tại Công ty TNHH Affan Enterprise và Công ty TNHH EZ Accountancy giai đoạn từ tháng 3/2018 – tháng 11/2021.
3 thành viên BKS hiện tại của Eximbank cũng tiếp tục được đề cử, bao gồm: ông Trần Ngọc Dũng (SN 1966), bà Phạm Thị Mai Phương (SN 1982) và ông Trịnh Bảo Quốc.