Julie Haneline - một phụ nữ 36 tuổi đến từ Nam Carolina, Mỹ, đã mắc nợ từ năm 20 tuổi do các khoản vay sinh viên, nợ thẻ tín dụng và nợ tiền mua xe hơi.
Khi đó, cô vẫn đang học đại học, thu nhập từ việc làm thêm không đủ để trả khoản vay sinh viên và tiền thuê ký túc xá, cô chỉ còn cách sử dụng thẻ tín dụng để “lấy nợ trả nợ”, khiến các khoản nợ không ngừng chồng chất.
Bên cạnh đó, khi mới ngoài 20 tuổi, cô không hề có kỷ luật tự giác khi mua sắm và liên tục mua quần áo mới, cộng thêm nhiều khoản chi tiêu khác nhau khiến cô phải gánh khoản nợ 37.000 USD (khoảng 840 triệu VND). Lúc này, cô nhận ra rằng mình không thể tiếp tục như thế này và quyết định tiết kiệm tiền để trả nợ.
Trả hết khoản nợ trong vòng 5 năm và mua nhà sau đó
Trong khoảng thời gian từ năm 2007 đến 2013, Julie Haneline đã sống vô cùng “tằn tiện” để tiết kiệm tiền và trả nợ. Đầu tiên, cô từ bỏ việc thuê nhà để ở, chuyển về sống cùng gia đình và thậm chí sống tạm trong khu tắm nắng của một người bạn.
Với số tiền tiết kiệm được từ tiền thuê nhà và thói quen tiết kiệm của bản thân, cuối cùng cô đã trả hết nợ trong vòng 5 năm và tiết kiệm đủ tiền để mua bất động sản đầu tiên của mình.
Dùng tiền thuê nhà thu được để mua nhà
Julie Haneline cho biết sau khi mua bất động sản đầu tiên, cô biết một ngày nào đó mình sẽ cho thuê lại căn nhà này, vì vậy cô bắt đầu nghiên cứu đầu tư bất động sản. Cô đã mua căn nhà thứ hai vào năm 2019, cho thuê căn nhà đầu tiên và dùng tiền thuê nhà thu được để trả thế chấp căn thứ hai.
Bằng cách đó, cô mua thêm hai bất động sản để cho thuê trong cùng một năm, và cũng sử dụng tiền thuê từ những căn nhà trước để mua bất động sản mới. Cô có thể bước sang đầu tư bất động sản thành công chủ yếu dựa vào 3 bí quyết tiết kiệm mà chính cô đã trải nghiệm dưới đây:
Bí quyết 1: Không dùng tiền trong một tháng
Ngoài thói quen tiết kiệm thông thường, Julie Haneline tự đặt ra cho mình thử thách không dùng tiền trong một tháng. Cô không đi ăn, mua sắm và tạm dừng tất cả các gói đăng ký trả phí không thiết yếu, đồng thời loại bỏ tâm lý mua sắm “Mình có lẽ cần sử dụng chúng trong tương lai” để tránh phát sinh tình trạng “lạm mua”.
Lối sống này có vẻ hơi cực đoan, cô hoàn toàn không khuyến khích người khác duy trì thói quen này. Nhưng thử thách hoàn toàn khả thi nếu chỉ thực hiện trong một tháng.
Julie Haneline lần đầu tiên hoàn thành thử thách không dùng tiền vào năm năm trước, và kể từ đó cô thực hiện lại thử thách hàng năm. Mỗi lần như vậy cô thường tiết kiệm được từ 1.300 đến 1.700 USD.
Bí quyết 2: Thay đổi kế hoạch ăn uống
Julie Haneline khuyên bạn nên cắt giảm việc mua thực phẩm không cần thiết như đồ ăn nhẹ và tạo thói quen chuẩn bị trước thực đơn trong ngày. Bên cạnh đó, cô thực hiện một số hình thức nhịn ăn gián đoạn vào tháng Giêng hàng năm, chẳng hạn như chế độ ăn kiêng Whole30: Ăn nhiều thực phẩm tự nhiên như thịt, hải sản, trứng, rau và cắt hoàn toàn đường, rượu, ngũ cốc, đậu hoặc các sản phẩm từ sữa.
Khi tự nấu cơm, bạn cũng có thể cân nhắc nấu canh và các món hầm vì những món ăn này không chỉ rẻ mà còn có thể ăn nhiều bữa, giúp giảm chi phí mua nhiều thức ăn.
Chúng ta không nhất thiết phải tuân theo chế độ ăn uống của Julie, mà nên tập trung vào việc phát triển thói quen ăn uống lành mạnh, giảm mua đồ ăn nhẹ và đồ uống để tiết kiệm những chi phí không cần thiết.
Bí quyết 3: Mở hai tài khoản riêng biệt
Julie Haneline gợi ý bạn nên mở hai tài khoản ngân hàng riêng biệt. Chi phí mua sắm, đi lại và du lịch…. được tập trung vào một tài khoản; các hóa đơn, tiền xăng dầu và các khoản nợ được tập trung vào một tài khoản khác.
Cách làm này giúp chúng ta dễ dàng quản lý chi tiêu và tránh tình trạng tiêu dùng vượt quá ngân sách. Cô thường so sánh để tìm xem ngân hàng nào có lãi suất tiết kiệm cao nhất, cô phát hiện đôi khi ngân hàng ảo còn có lãi suất cao hơn ngân hàng truyền thống.
Một điểm nữa, trước khi mua những món đồ đắt tiền, chẳng hạn như đồ nội thất và các thương hiệu nổi tiếng, hãy dành cho mình 24 giờ cân nhắc kỹ, phải chắc chắn rằng bạn thực sự cần nó trước khi mua để tránh chi tiêu bốc đồng.